Doanh nghiệp và người dân chung tay tăng nguồn cung thực phẩm cho TP.HCM
VOV.VN - Những ngày đầu TP.HCM thực hiện cách giãn theo Chỉ thị 16, nguồn hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu có lúc, có nơi thiếu cục bộ và có trường hợp tiểu thương đẩy giá tăng cao.
Đến thời điểm này, nguồn cung hàng hóa dần ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đó là nhờ các doanh nghiệp và người dân TP.HCM đã chung tay tìm kiếm nguồn hàng, ổn định hệ thống phân phối, nối dài việc vận chuyển và phân phát hàng hóa đến tận các khu cách ly, các vùng khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ở TP.HCM đang có 120.000 tấn hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu dự trữ, tăng gấp 3 lần trước đó. Đồng thời, các tỉnh thành, các nhà tài trợ, nhóm công tác xã hội cũng vận động hàng hóa, đưa từ các nơi về thành phố rồi vận chuyển, phân phát đến các khu cách ly, người lao động nghèo, đảm bảo không ai thiếu thực phẩm.
Trưa 13/7, tại siêu thị Top Market ở phường An Phú, TP.Thủ Đức, các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm thiết yếu khá đầy đủ.
Chị Nguyễn Thị Diệp một người mua hàng chia sẻ: “Tôi mấy hôm nay làm việc online nên buổi trưa mới qua siêu thị mua thực phẩm. Giờ này, trưa rồi nhưng rau, củ, quả, thịt cá ...cũng nhiều, có nhiều mức giá để chọn, giá cũng ổn định, không tăng nhiều so với ngày thường”.
Hiện nay, các siêu thị của Công ty MM Mega Market Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đều tăng nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng từ gấp 2-5 lần so với trước, giá khá ổn định. Các doanh nghiệp này cũng tăng cường số lần tiếp hàng trong ngày, không để quầy kệ trống.
Một số doanh nghiệp cũng linh hoạt, thay đổi cách thức dự trữ và tiếp hàng để đảm bảo hàng hóa đến nhanh và đầy đủ. Cụ thể như ở Satra, nguồn hàng rau củ quả, thịt cá, trứng… trước đây phải nhập tập trung về tổng kho rồi mới phân phối đến 180 cửa hàng Satra Food và 3 siêu thị thì hiện nay được chuyển thẳng từ nhà cung cấp ra cửa hàng, siêu thị.
Bà Phạm Thị Vân, Trưởng Ban quản lý hệ thống bán lẻ của Satra cho biết: “Hàng tươi sống mỗi ngày thì 3-4 chuyến hàng đến điểm bán. Hàng thiết yếu thì kho của trung tâm phân phối sẽ chuyển hàng xuống các cửa hàng. Với siêu thị thì có kho tại chỗ khi các kệ trống lấy hàng từ kho của đưa lên kệ ngay”.
Hiện nay, cả 3 chợ đầu mối lớn và hơn một nửa số chợ truyền thống ở TP.HCM đóng cửa vì dịch bệnh. Chính vì vậy, người dân dồn vào mua hàng ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi đông, phải xếp hàng chờ đợi khá lâu. Đồng thời, một số người ở khu cách ly, người lao động mất việc đang ở trọ cũng khó có điều kiện mua thực phẩm.
Trước khó khăn này, các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người dân cũng chung tay góp sức, góp tiền để tổ chức các phiên chợ 0 đồng, các chuyến thực phẩm, rau củ nghĩa tình phân phát đến tận các khu cách ly, khu lao động nghèo.
Ông Vũ Hữu Phú, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh cho biết: 3 ngày nay, từ sự ủng hộ của một số doanh nghiệp, Liên đoàn tổ chức phiên chợ 0 đồng cho người dân khó khăn với tổng giá trị hàng hóa thiết yếu là 200 triệu đồng. Nhiều nơi khác trong thành phố cũng đã tổ chức được 15 phiên chợ 0 đồng.
“Liên đoàn chúng tôi sẽ chủ động thực hiện các chương trình tiếp theo với các mặt hàng gạo, cá, rau, củ quả… hỗ trợ từ các đơn vị. Làm sao để vận động chăm lo tốt hơn cho người lao động đảm bảo cuộc sống ổn trong thời điểm hiện nay” - ông Vũ Hữu Phú nói.
Hiện tại TP.HCM, nhiều nhóm thiện nguyện âm thầm vận động, góp công, góp của và nhận hỗ trợ từ nông dân ở các tỉnh để cung cấp thực phẩm cho người nghèo, cho khu phong tỏa, khu nhà trọ công nhân. Trên mạng xã hội, cứ nhóm nào cần người bốc vác rau củ, nhóm nào cần xe vận chuyển là ngay lập tức có người dân TP.HCM tình nguyện tham gia.
Anh Phạm Nghĩa ở huyện Bình Chánh cùng nhóm bạn của mình đêm nào cũng dùng xe bán tải chở và phân phát rau củ của người dân Lâm Đồng gửi ủng hộ đến các nơi khó khăn trong TP.HCM.
“Mình muốn 1 phần nhỏ giúp bà con vì khu mình chưa bị phong tỏa, mình có xe tải có mối quan hệ trên mạng xã hội thì mọi người cùng chung tay đóng góp làm rau vận chuyển nhanh đến tay người dân. Mình đến những khu cách ly, nơi khó khăn thì chính quyền địa phương thông báo từng hộ gia đình nhận thì không tập trung đông người” - anh Nghĩa bày tỏ.
Cùng với sự tổ chức phân phối hàng hóa của chính quyền, chính sự chung tay của doanh nghiệp, người dân bằng rất nhiều cách làm khác nhau mà việc đáp ứng nhu cầu của người dân, hỗ trợ thực phẩm kịp thời cho những người, những khu vực khó khăn ở TP.HCM đang dần ổn định./.