Cây phượng bị chặt và câu chuyện “thẳng-gù“

VOV.VN -Dư luận muốn chứng minh nơi đền đài tri thức ấy vẫn luôn luôn và mãi mãi có những khát vọng “thẳng” trong đám đông rất nhiều “gù”

Vì sao vụ cây phượng trong trường học lại đến mức “thảm khốc” như thế? Được bao bọc chở che trong khuôn viên của kiến thức và văn hóa, của nhân văn và bác ái, nhẽ ra những cây phượng phải được hưởng phúc phận, đằng này không.

Một vài lĩnh vực trong xã hội đã và đang nhắm mắt nhắm mũi lao về phía trước, khước từ văn hóa kế thừa, không đếm xỉa đến quá khứ…, giờ lại thấy hình ảnh ấy trong nhà trường.

Những cây phượng bị chặt tại THPT Nguyễn Du (Quận 10).

Đập! Phá! Bỏ! Một âm tiết gọn lỏn, ai đó nói nhẹ hều và thực hiện trong vòng “một nốt nhạc” nhưng để gây dựng nên chưa bao giờ là ngày một ngày hai. Cái cũ được đổ chung vào một đống gọi là lạc hậu và tàn dư, không thể chấp nhận và quyết không dùng lại.

Thêm một lần nữa chúng ta thấy sự quá tả trong một hoạt động có chút liên quan đến giáo dục. Những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người có lẽ không khó để liệt kê các sự việc tương tự diễn ra trong ngành thời gian vừa qua.

Trong những ngôi trường, nơi cây phượng đau đớn bị hạ cành chặt ngọn không thương tiếc có những người thầy đáng kính, trí tuệ hơn người, sự bao dung cũng hơn người. Những bài học căn bản về thực vật học và thổ nhưỡng… các thầy thuộc nằm lòng. Thế thì tiếng nói của họ ở đâu? Đã ai cho họ cái quyền được quan tâm và có trách nhiệm đến cây cối hay chưa?

Ngoại trừ chính quyền Đà Nẵng phản ứng với việc cắt cụt vô tội vạ cây phượng trong sân trường, chưa thấy giáo viên lên tiếng phản đối, kể cả đồng tình. Hy vọng là có dù yếu ớt, lẻ loi và đơn độc!

Người thầy có thể đứng hàng giờ trên bục giảng nói về phản biện, về tư duy phê phán nhưng rất có thể chính thầy là người “quên bài” nhanh nhất khi cánh cửa phòng học khép lại phía sau và trước mặt là cuộc sống xô bồ, quay quắt với mưu sinh, nhiều lúc buộc phải thận trọng, cảnh giác và giữ miếng. Sự thẳng thắn, bộc trực của một vài giáo viên từng phải trả giá. Đó là gương tày liếp chắc chả ai quên.

Nhẽ ra những cây phượng phải được hưởng phúc phận, đằng này không.

Nếu một ngôi trường nào đó cởi mở và dân chủ cho họ thoải mái biểu đạt tâm tư nguyện vọng thì chương trình học nặng nề có thể đã ghì họ xuống đống bài vở mênh mông, chả còn thời gian cất đầu lên quan tâm tới hồng tới phượng.

Nhưng sợ nhất tiếng nói của người thầy bị đánh cắp hoặc bị thủ tiêu. Họ biết cả, chắc chắn thế, nhưng hoặc là không ai hỏi, hoặc không dám, không còn hứng thú để chủ động nêu ý kiến.

Hiệu trưởng kêu chặt là chặt? Trưởng phòng giáo dục lệnh chặt là chặt? Sở đánh giấy về quyết định chặt là chặt?

Viết tới đây bỗng nhớ câu nói của bà Diệp Thị Hồng Liên - Cựu Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hòa Bình, trước toà trong vụ xử gian lận điểm thi. Bà bảo "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".

“Gù” là không bình thường, là khuyết tật nhưng một số người đã huờ theo, thoả hiệp. Ở nơi dạy cho người ta biết đâu là “gù” đâu là “thẳng”, đoạn tuyệt với “gù” để cương quyết đến với “thẳng”, thì giờ đây biến hết hoặc đe dọa biến hết thành “gù”.

Cuộc sống trong một xã hội văn minh được điều chỉnh bằng luật pháp và các chuẩn mực xã hội. Thế nhưng “gù” lại trở thành một thứ “luật lệ” thay thế luật pháp, thế chỗ cho các chuẩn mực xã hội và chuẩn mực đạo đức. Sự thẳng thớm nếu có bỗng hóa trò cười, có khi còn bị đem ra gièm pha, giễu cợt.

Một số không nhỏ đã liên minh với “gù”, ngả về phía đám đông. Dẫu thừa biết đám đông đấy là tập hợp những người lẩn tránh sự nhọc nhằn của quá trình phát triển bản thân nhưng ở một vài nơi phải chăng không có chỗ cho vẻ đẹp đứng một mình? Phải chăng trong vụ chặt phượng, người “thẳng lưng” đã hóa hết thành “gù”?

Câu nói của bà Liên không thể “phủ” lên tất cả giáo viên. Không phải ai cũng chấp nhận “gù” như chỗ bà hoặc như bà nói. Họ không huờ theo đám đông nhưng rất có thể họ đã giữ im lặng để yên ổn mưu sinh và không muốn bị đẩy ra khỏi guồng máy.

Trong vụ chặt vô tội vạ cây phượng lỗi không hẳn thuộc về các thầy, nhưng dư luận và các bậc phụ huynh rất muốn được nghe tiếng nói cất lên từ các thầy, để ít nhất một lần thấy nơi đền đài tri thức ấy vẫn luôn luôn và mãi mãi có những khát vọng “thẳng” trong đám đông rất nhiều “gù”./.  

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên