Ngoại giao vaccine: Nói đi đôi với hành động vì sức khoẻ nhân dân
VOV.VN - Thông tin về các đợt vaccine về Việt Nam hay tốc độ tiêm chủng ở nhiều thành phố lớn đang truyền đi nguồn năng lượng tích cực trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Điều đó cũng cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và sự hỗ trợ quý báu của bạn bè quốc tế.
Với tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian dài qua, có thể khẳng định Chiến lược vaccine là “chìa khoá” để Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế.
Ngay từ khi dịch bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine. Trong đó, “ngoại giao vaccine” được xác định là một mũi nhọn, tranh thủ các mối quan hệ song phương, đa phương, thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vaccine cho người dân.
Kết luận Số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, xã hội của Bộ Chính trị yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hoá, phát triển "Quỹ vaccine" phòng, chống Covid-19.
Bộ Chính trị yêu cầu sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Bên cạnh tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước cũng phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vaccine.
Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, ngày 24/8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận: Khẩn trương tập trung triển khai Chiến lược vaccine, đặc biệt là việc cung ứng, sớm thực hiện tiêm vaccine diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Thời gian vừa qua, việc thực hiện Chiến lược vaccine đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó, ngoại giao vaccine đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện chiến lược. Cùng vào cuộc với cả hệ thống chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã luôn quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt trong triển khai vấn đề “ngoại giao vaccine”, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp sản xuất vaccine. Công tác này được thực hiện quyết liệt, bài bản và hầu như không có cuộc làm việc đối ngoại nào chúng ta không đề cập đến hợp tác về vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác.
Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng với nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ các đối tác song phương và đa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm, gửi thư, điện cho lãnh đạo hàng chục nước và tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine; đồng thời chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành liên quan cùng với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc. Hàng trăm cuộc làm việc, trao đổi đã diễn ra để tranh thủ tiếp cận các nguồn vaccine, cả ở kênh song phương và đa phương.
Tương tự, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội các nước hay tại các phiên thảo luận cấp cao tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế cũng nhiều lần đề cập tới vấn đề hợp tác trong phòng, chống COVID-19, hỗ trợ vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Với chuyến công du châu Âu vừa kết thúc tốt đẹp, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng mang về tin vui khi đối tác hỗ trợ 200.000 liều vaccine và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vaccine. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ các trang thiết bị và vật tư y tế với tổng trị giá đạt trên 1.028 tỷ đồng.
Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 35 triệu liều vaccine COVID-19 từ các nguồn khác nhau. Cập nhật đến trưa 12/9, cả nước đã tiêm chủng gần 28,3 triệu liều vaccine. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng hơn 103 triệu liều vaccine về Việt Nam.
Về kết quả tiêm ít nhất 1 liều cho nhóm từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương tính đến ngày 11/9, Bộ Y tế cho biết TP HCM đã tiêm 7,4 triệu liều (đạt 100%); Bình Dương đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 82%); Đồng Nai đã tiêm 1,3 triệu liều (đạt 60%); Long An đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 100%); Hà Nội đã tiêm gần 4,5 triệu liều (đạt 77%)...
Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất – quan điểm này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định và hành động xuyên suốt. Với các nguồn cung ứng đã cam kết, Việt Nam dần dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số. Chặng đường phía trước dù vẫn còn khó khăn, thách thức với nhiều yếu tố khó lường, song nỗ lực "ngoại giao vaccine" không mệt mỏi của Việt Nam đã và đang cho thấy lời nói đi đôi với hành động vì nhân dân; tạo thêm niềm tin, động lực và nguồn lực trong cuộc chiến chống đại dịch để sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới./.