Hàn Quốc, Nhật Bản xích lại gần nhau hơn
VOV.VN - Hàn Quốc đã có những động thái tích cực nhằm cải thiện quan hệ với nước láng giềng Nhật Bản. Mới đây nhất, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết chính phủ nước này vừa công bố phương án cải thiện quan hệ với Nhật Bản liên quan tới vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến…
Chuyến thăm đặc biệt
Hôm nay, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno cho biết Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ thăm Nhật Bản trong vòng 2 ngày từ 16-17/3 và có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Ông Matsuno cho biết thêm hai nhà lãnh đạo sẽ có buổi ăn tối cùng nhau và thảo luận những vấn đề mới liên quan đến quan hệ hai nước, đồng thời nhấn mạnh rằng Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng cần phải hợp tác nhằm cùng giải quyết nhiều vấn đề quốc tế, hy vọng quan hệ hai nước sẽ phát triển hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết vẫn đang tiếp tục thảo luận với phía Tokyo về lịch trình cụ thể của Tổng thống để tiến hành chuẩn bị; kỳ vọng chuyến thăm lần này là một bước ngoặt quan trọng giúp nối lại giao lưu song phương bình thường sau 12 năm bị gián đoạn, cải thiện và phát triển quan hệ Hàn-Nhật.
Chuyến thăm Tokyo lần này của Tổng thống còn mang ý nghĩa mở rộng hợp tác đa phương ở các lĩnh vực an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội, thúc đẩy giao lưu giữa người dân hai nước, nhằm vượt lên trên quá khứ bất hạnh giữa hai nước, hướng tới tương lai.
Thiện chí từ phía Hàn Quốc
Thời gian gần đây, phía Hàn Quốc đã có những động thái tích cực nhằm cải thiện quan hệ với nước láng giềng Nhật Bản. Mới đây nhất, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết chính phủ nước này vừa công bố phương án cải thiện quan hệ với Nhật Bản liên quan tới vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Hàn Quốc trực tiếp đưa ra lập trường về vấn đề này.
Trước đó, Hàn Quốc cũng đã dừng khiếu nại Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với các vật liệu sử dụng cho công nghệ cao.
Những động thái tích cực từ phía Hàn Quốc đã ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của chính phủ Nhật Bản.
Với cam kết thực hiện cách tiếp cận hướng tới tương lai với Nhật Bản, những nỗ lực xích lại gần hơn với Nhật Bản của chính phủ Hàn Quốc và của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ tác động ra sao tới sự ổn định và hòa bình ở khu vực?
Nhìn lại các nét chính
Cuối năm 2018, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết yêu cầu 2 công ty của Nhật Bản phải bồi thường cho những nạn nhân Hàn Quốc bị ép buộc làm việc trong thời kỳ Nhật Bản cai trị bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản tuyên bố rằng các yêu cầu đền bù đã được giải quyết dứt khoát và đầy đủ vào năm 1965 khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao và các bị đơn phía Nhật Bản cũng từ chối tuân theo phán quyết của tòa án Hàn Quốc.
Đầu năm 2019, tòa án Hàn Quốc đã ra lệnh tịch thu tài sản của hai công ty Nhật Bản tại nước này.
Nhằm đáp trả phía Hàn Quốc về phán quyết trên, tháng 7/2019, chính phủ Nhật Bản đã quyết định siết chặt quản lý xuất khẩu một số nguyên liệu công nghệ tiên tiến sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn sang Hàn Quốc. Tiếp đó 2 nước lần lượt loại đối phương ra khỏi danh sách đối tác thương mại tin cậy (danh sách trắng). Đồng thời, Hàn Quốc đưa ra khả năng rút khỏi thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự với Nhật Bản (GSOMIA). Có thể nói những hành động “ăn miếng, trả miếng” đã đẩy quan hệ 2 nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, kể từ khi Thủ tướng Kishida Fumio nhậm chức vào tháng 10/2021 và sau đó Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol là tháng 5/2022, hai nhà lãnh đạo cũng liên tiếp đưa ra các mục tiêu và chương trình hành động thể hiện sự “thiện chí” nhằm phá băng quan hệ giữa 2 nước. Mới đây, phía Hàn Quốc đã có phần chủ động để gỡ nút thắt khi lần đầu tiên nhà lãnh đạo Hàn Quốc trực tiếp đưa ra lập trường và công bố phương án cải thiện quan hệ với Nhật Bản liên quan tới vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến. Theo đó, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua phương án thanh toán tiền đền bù cho các nguyên đơn Hàn Quốc trong vụ kiện thông qua một quỹ do chính phủ nước này hậu thuẫn thay vì yêu cầu các công ty Nhật Bản trực tiếp tham gia. Hàn Quốc thông báo sẽ tạm dừng quy trình khởi kiện Nhật Bản tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và sẽ trực tiếp đàm phán về những tranh cãi thương mại.
Như vậy có thể thấy là Nhật Bản-Hàn Quốc đang nỗ lực cải thiện quan hệ. Trong đó Hàn Quốc đang là quốc gia chủ động và thể hiện vai trò cốt yếu trong việc phá băng quan hệ 2 nước. Thời gian tới quan hệ Nhật – Hàn nhiều khả năng sẽ có những bước chuyển mới và nồng ấm hơn.
Phản ứng của dư luận Hàn Quốc và Nhật Bản
Trước tuyên bố của chính phủ Hàn Quốc về việc đưa ra giải pháp mới nhằm tháo gỡ khúc mắc giữa 2 nước về vấn đề đền bù cho lao động cưỡng bức thời chiến, ngay lập tức, phía Nhật Bản đã có những phản hồi tích cực. Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi đánh giá cao động thái này và cho đây sẽ là động lực giúp mở rộng các hoạt động trao đổi giữa 2 nước trong các lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa....
Dư luận Nhật Bản nhìn chung kỳ vọng phương án này sẽ giúp tháo gỡ nút thắt lớn trong quan hệ Nhật-Hàn vốn đã tồn động nhiều năm qua, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và củng cố quan hệ đối tác an ninh ba bên Hàn-Mỹ-Nhật.
Báo giới Nhật Bản cho biết, ông Yoon Suk-yeol sẽ có cuộc hội đàm thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Tokyo vào ngày 16-17/3 sắp tới, tức sớm hơn 1 tuần so với dự kiến. Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của ông Yoon Suk-yeol kể từ khi nhậm chức và hội nghị thượng đỉnh Nhật – Hàn đầu tiên sau gần 5 năm. Dự kiến, hai bên sẽ tập trung vào các giải pháp cải thiện quan hệ cũng như giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực.
Về phía Hàn Quốc, chính phủ đã thể hiện rõ “thiện chí” và chủ động cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Tuy nhiên, đại diện cho các nạn nhân lao động cưỡng bức Hàn Quốc cho biết họ không đồng ý với kế hoạch mới của chính phủ. Một số nguyên đơn có kế hoạch bác bỏ phương án bồi thường trên, tạo tiền đề cho các cuộc chiến pháp lý có thể tiếp diễn.
Tác động lên ổn định, hòa bình khu vực
Có thể thấy xung đột Nga- Ukraine, hay cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tác động và ảnh hưởng rõ rệt đến khu vực Đông Bắc Á đặc biệt là Nhật Bản, khi mà quốc gia này là đồng minh số 1 của Mỹ tại châu Á đang phải đối mặt với môi trường an ninh xung quanh phức tạp chưa từng có như quan hệ với Trung Quốc, Nga ngày càng xấu đi hay việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa/hạt nhân. Do đó, Nhật Bản đã phải cập nhật Chiến lược an ninh quốc gia mới với việc tăng gấp đôi chi tiêu ngân sách quốc phòng và trang bị cho mình “khả năng phản công”. Ngoài ra, việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng cùng là đồng minh với Mỹ là Hàn Quốc được xác định là rất quan trọng.
Ngoài ra, trong bối cảnh môi trường quốc tế đang có những biến động khó lường, thì việc tăng cường hợp tác an ninh song phương cũng như quan hệ an ninh ba bên Hàn-Mỹ-Nhật đang là ưu tiên của Seoul và cả Tokyo. Việc Nhật Bản – Hàn Quốc có quan hệ tốt lên cũng sẽ giúp Mỹ tăng cường được sự hiện diện sức mạnh ở châu Á thông qua liên minh Nhật-Mỹ-Hàn, nhằm cùng nhau ứng phó với các trường hợp khẩn cấp.
Những bước đi tích cực gần đây của hai nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản trong nỗ lực xích lại gần nhau cho thấy, các nhà lãnh đạo hai nước đã có đủ sự tin tưởng để đưa việc cải thiện quan hệ song phương trở thành hiện thực. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều nhận thức rõ, việc hợp tác song phương hướng tới tương lai là cần thiết để bảo vệ tự do, hòa bình và thịnh vượng cho hai nước cũng như toàn thế giới./.