Chống đối CSGT khi làm nhiệm vụ: Cần liều thuốc “đặc trị“?

VOV.VN - Để giải quyết việc chống người thi hành công vụ, ngoài chế tài xử phạt nặng, cần chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Thời gian gần đây liên tục xuất hiện những vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử không đúng mực của người vi phạm giao thông khi xúc phạm, thậm chí hành hung các chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. 

Mới đây nhất, vào sáng 2/8, Tổ công tác của Đội CSGT Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) làm nhiệm vụ gần giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Tiểu La, phường Hòa Thuận Tây thì phát hiện nam thanh niên (khoảng 25 tuổi) chạy xe máy tay ga chở bạn gái có dấu hiệu vi phạm nên ra hiệu dừng xe kiểm tra.

Nam thanh niên tông xe máy vào lực lượng CSGT bị tạm giữ tại hiện trường. (ảnh: VTC News)

Nam thanh niên dừng xe và được một chiến sĩ CSGT ra hiệu cho xe vào lề. Tuy nhiên, lúc này nam thanh niên lại bất ngờ tăng ga, lách xe qua tổ tuần tra với ý định bỏ chạy.

Thấy vậy, một chiến sĩ CSGT xông ra chặn xe và bị thanh niên tông thẳng vào người, ngã xuống đất. Ngay lúc đó, các cán bộ trong tổ tuần tra khẩn trương hỗ trợ, giữ đôi nam nữ cùng xe máy lại. Tổ tuần tra CSGT Công an quận Hải Châu đã chuyển nam thanh niên này cho công an phường Hòa Thuận Tây lập hồ sơ xử lý.

Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 100 vụ chống người thi hành công vụ, đặc biệt là chống đối cảnh sát giao thông, làm 4 chiến sĩ hy sinh và 26 chiến sĩ bị thương. Trong đó, có nhiều cán bộ chiến sĩ bị thương rất nặng.

Bàn về nội dung này, ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, việc chống người thi hành công vụ là một trong những vấn đề liên quan đến đạo đức xã hội, cần tìm ra căn nguyên của vấn đề để tập trung giải quyết.

Vấn đề này cần được nhìn nhận đa chiều, không thể nói lý do vì cảnh sát giao thông có những hành vi không chuẩn mực rồi dẫn đến chống đối, hay do ý thức xã hội.

“Trước hết, cần phải tách bạch 2 khái niệm. Khái niệm người tham gia giao thông vi phạm sợ nên trốn và bỏ chạy với khái niệm chống đối là khác nhau. Nếu một người biết mình sẽ bị phạt nên sợ mất tiền và lên xe bỏ chạy mà coi đây là chống đối thì cũng hơi nặng nề. Trong khi đó, có những người ngổ ngáo, du côn, như lấy gạch đá đập vào đầu cảnh sát giao thông mới là hành động chống đối và cần phải nghiêm trị đối với những hành động như vậy” – ông Khương Kim Tạo cho biết.

Ông Tạo cho rằng, với những người có hành vi bỏ chạy vì sợ bị phạt tiền có thể xử lý theo hình thức khác như thông qua camera giám sát để phạt nguội. Để giải quyết vấn đề chống đối, cần giải quyết song song với việc nâng cao ý thức cho mỗi người khi tham gia giao thông, giáo dục các em học sinh biết thương người như thương thân, biết chân - thiện - mỹ thì sau này sẽ có một tầng lớp xã hội với những con người có phẩm chất đạo đức, có cách ứng xử văn minh.

"Dù ở khía cạnh nào, việc chống đối lại cảnh sát giao thông khi họ đang làm nhiệm vụ là vi phạm pháp luật và xã hội phải quyết liệt lên án những hành vi này" - ông Tạo nhấn mạnh.

Trên thực tế, lực lượng cảnh sát giao thông có đầy đủ công cụ, quy định pháp luật để xử lý. Tuy nhiên, quan trọng hơn là cần làm tốt công tác giáo dục nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật cho người dân.

“Giáo dục những đối tượng chống người thi hành công vụ là cả một quá trình lâu dài, không thể nói qua chuyện phạt là có thể giáo dục được. Bởi vì khi họ đã coi thường tính mạng thì chế tài xử phạt mạnh bao nhiêu cũng không có ý nghĩa. Con người cần phải có nhận thức, biết tôn trọng mình và người khác. Chính vì vậy, chúng ta phải giáo dục con người từ nhỏ, có thể kiểm soát được những người vi phạm thông qua chế tài xử phạt, thông qua giáo dục để giảm thiểu tình trạng này”- nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết.

“Song song với luật pháp vẫn phải tiến hành “đức trị” như thời xưa. Chúng ta phải kết hợp giữa đức trị và pháp trị thì mới giải quyết được vấn đề”- ông Khương Kim Tạo nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên