Vì sao chưa công nhân nào ở Bình Dương tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ?
VOV.VN - Đến nay, trong số 50.000 lao động ở Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chưa ai hoàn thủ tục cần thiết để nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung với hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có trên 10.000 công nhân lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và trên 50.000 công nhân lao động bị giảm giờ làm cũng như ngừng việc.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có trường hợp nào hoàn thành các thủ tục cần thiết để được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Phóng viên VOV phỏng vấn bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương để làm rõ vấn đề này.
Bữa ăn sáng do Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương vận động tặng công nhân, người lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
PV: Thưa bà, tiến độ triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đang được Liên đoàn lao động tỉnh và các cơ quan chức năng triển khai như thế nào?
Bà Trương Thị Bích Hạnh: Về gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động, tỉnh Bình Dương đã chủ động triển khai từ rất sớm. Ngay từ trước khi có Nghị quyết 42 thì tỉnh đã có bước rà soát.
Hiện nay, các bước rà soát đã được triển khai rồi. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế đang gặp nhiều khó khăn.
Theo thông tin mà tôi nắm được, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay chưa có trường hợp công nhân lao động nào được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 42 của Chính phủ.
PV: Vì sao địa phương triển khai từ sớm mà đến giờ vẫn chưa có công nhân nào được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ, thưa bà?
Bà Trương Thị Bích Hạnh: Một trong những khó khăn khiến gói hỗ trợ này chưa đến được với công nhân lao động là điều kiện doanh nghiệp phải chứng minh được không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương cho người lao động.
Khó khăn của doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19 là có thật. Tuy nhiên, việc sắp xếp lao động để đảm bảo sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh do đơn hàng ít đi, do hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được không tiêu thụ được thì buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm một số việc làm của người lao động nhưng doanh nghiệp vẫn đang sản xuất kinh doanh nên việc chứng minh doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương cho người lao động, người lao động mới được hưởng hỗ trợ của Chính phủ rất khó thực hiện.
Điều đó dẫn đến là người lao động mặc dù bị ngưng việc, bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng trên thực tế không nhận được hỗ trợ này.
PV: Vậy bà có kiến nghị thế nào nhằm mở rộng các điều kiện thụ hưởng chính sách để người lao động dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ này hơn?
Bà Trương Thị Bích Hạnh: Tôi đề nghị Bộ LĐ-TB-XH cũng như các cơ quan có liên quan cần xem xét các điều kiện vướng mắc hiện nay để có biện pháp tháo gỡ, làm thế nào để chủ trương của Nhà nước hỗ trợ công nhân lao động gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh này có thể đến được tay người lao động một cách kịp thời nhất.
PV: Xin cảm ơn bà!./.