Ấn Độ sẵn sàng đấu "dài hơi", Trung Quốc đưa vũ khí mới đến gần biên giới
VOV.VN - Giữa bối cảnh Ấn Độ chuẩn bị sẵn sàng cho căng thẳng dài hơi ở biên giới, Trung Quốc đã điều các loại vũ khí mới đến khu vực này.
Trung Quốc cho ra mắt các loại vũ khí mới trong các cuộc tập trận gần đây nhất ở khu vực biên giới với Ấn Độ, quốc gia hiện đã sẵn sàng cho giai đoạn căng thẳng dài hơi với người hàng xóm ngày càng quyết đoán này.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm 11/8 đã công bố một đoạn băng cho thấy trung đoàn Sơn Nam của quân khu Tây Tạng đã khai hỏa một khẩu pháo ở khu vực chiến lược thuộc dãy Himalaya ngăn cách Trung Quốc và một số quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ.
Bắc Kinh và New Delhi đã leo thang căng thẳng về vấn đề biên giới lãnh thổ tại đây mà nghiêm trọng nhất là cuộc ẩu đả hồi giữa tháng 6/2020 khiến 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng và nhiều binh lính Trung Quốc thương vong.
Mặc dù cả 2 nước đều công khai thể hiện mong muốn hòa bình nhưng hoạt động quân sự của cả 2 bên khiến mối quan hệ này tiếp tục căng thẳng. Quân đội Trung Quốc tăng cường các hoạt động dọc dãy Himalaya, nơi mà đoạn băng được công bố hôm 7/8 cho thấy quân đội nước này lần đầu tiên khai hỏa bích kích pháo cỡ nòng 122 mm và hệ thống tên lửa chống tăng HJ-10 được lắp trên các phương tiện quân sự.
Ấn Độ cũng tiến hành các cuộc tập trận trên dãy Himalaya trong những tuần gần đây. Tuần trước, quân đội nước này dường như lần đầu tiên thừa nhận rằng quân đội Trung Quốc "vượt giới hạn" Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), vốn ngăn chia 2 bên hồi tháng 5 được xác định trong một tài liệu đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Hôm 10/8, Times of India đã dẫn lời Tổng Tham mưu trưởng Quốc phòng Ấn Độ Bipin Rawat thông báo với các nhà lập pháp rằng ông đang chuẩn bị lực lượng cho nguy cơ căng thẳng kéo dài với Trung Quốc.
Dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo hôm 10/8 lại thông báo rằng: "Trong quan hệ Trung - Ấn, cả hai bên đều nên cùng nhau đảm bảo hòa bình và an ninh ở các khu vực biên giới cũng như duy trì sự phát triển ổn định và lành mạnh trong quan hệ song phương".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm sâu sắc sự tin tưởng lẫn nhau và mở rộng những lợi ích chung với những nước láng giềng và các quốc gia đang phát triển khác".
Giữa bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc leo thang căng thẳng, Mỹ trở thành một "mắt xích" không thể bỏ qua trong mối quan hệ này. Với nỗ lực thách thức vị thế của Bắc Kinh tại châu Á, Washington đã tìm cách lôi kéo New Delhi tham gia vào một hình thức gần như là một liên minh với tên gọi "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do".
Không lâu sau khi chính quyền Tổng thống Trump chính thức bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava đã gọi khu vực này là "một phần trong lợi ích chung toàn cầu".
"Ấn Độ có lợi ích không thay đổi đối với sự hòa bình và ổn định của khu vực này", người phát ngôn Anurag Srivastava cho hay.
"Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải, hàng không cũng như hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế, đáng chú ý là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982"./.