Những khoảng lặng trong đời
VOV.VN - Cuốn sách đầu tiên anh Vũ Hải, nguyên Phó TGĐ VOV xuất bản là cuốn "Thời gian ngừng lại". Mới đây anh lại ra tiếp cuốn "Những khoảng lặng tháng năm". Nhà báo Phan Quang, nguyên TGĐ VOV có một vài nhận xét về tác phẩm mới này của anh.
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhà báo Vũ Hải, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đến thăm và lì xì cho tôi cuốn sách anh mới ra - "Những khoảng lặng tháng năm". Một món quà thật sự quý hiếm.
Tuy là nhà báo chuyên nghiệp, đi nhiều viết khỏe, từng được cử làm chuyên gia tại Campuchia, phóng viên thường trú của VOV tại Paris, Vũ Hải ít quan tâm đến việc in sách. Cuốn sách đầu tiên Vũ Hải xuất bản khi giã từ cuộc đời công chức như món quà tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp là "Thời gian ngừng lại". Cầm trên tay cuốn sách anh tặng, tôi nói vui: “Thời gian không ngừng đâu, anh Vũ Hải ạ. Thời gian không ngừng, ông bạn già này sẵn sàng đón nhận tác phẩm mới của anh”. Và cuộc sống diễn ra đúng như tôi tiên đoán, cho dù khoảng cách chờ đợi có hơi lâu.
Về tác phẩm mới này, cũng như về cuộc đời của mình, tác giả đã thổ lộ tâm tình từ đầu cuốn sách. Dòng họ anh đã sống qua năm đời tại đất Thăng Long hào hoa, từng trải qua những ngày nghèo khó cũng như tháng năm hiển đạt tại thủ đô. Thân sinh anh ước mơ con trai mình rồi sẽ trở thành nhạc sĩ. Cụ khuyến khích con thi vào Học viện Âm nhạc, chuyên sâu ngành nhạc cổ điển. Oái oăm sao, vất vả lắm mới vào được mái trường này nhưng khi thi đỗ, chàng trai được sắp xếp vào học môn đàn nhị. Và thế là cuộc đời anh ngoặt sang đường cầm bút và gõ máy tính. Làm việc tại Đài phát thanh Quốc gia, Vũ Hải có một thời được giao phụ trách Trưởng ban Âm nhạc VOV3.
Như để trả nợ đời, sau khi nghỉ hưu - Nghỉ và Hưu là ngôn từ thông dụng ngày nay nhưng không đúng trong trường hợp Vũ Hải, anh nhờ anh bạn mua giúp cây đàn piano cũ, và bắt đầu học đàn. Cô giáo dạy anh là học viên khóa đầu của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Anh học đến hôm nay đã được ba năm, “tạm gọi là xóa nạn mù âm nhạc”, vẫn theo lời Vũ Hải. Vậy là vị nguyên lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam lập được kỷ lục người nhiều tuổi học piano thời gian lâu nhất Trung tâm.
Tôi có nhiều năm làm việc với Vũ Hải tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi nghỉ việc ở nhà Đài, tôi vẫn thường lui tới các tòa nhà quen thuộc phố Quán Sứ, Bà Triệu, Nguyễn Đình Chiểu, Thi Sách... thăm và chuyện trò với anh em. Tôi luôn ý thức mình rỗi, anh em bận, chớ có làm phiền anh em quá nhiều. Mỗi lần Vũ Hải thấy tôi tháo đôi giày vải, đặt chân vào căn phòng sàn gỗ sạch bóng, anh xếp mọi công việc lúc nào cũng bề bộn, ngồi xuống bộ ghế mềm, tươi cười pha trà đón khách, lại còn bấm điện thoại mời thêm mấy anh bạn làm việc ở phòng bên đến chuyện trò. Chia tay nhau, Vũ Hải nháy mắt ra hiệu cho một bạn trẻ tiễn tôi xuống tầng trệt rồi nhờ một anh lái xe nhà đài đang rỗi việc đưa tôi về nhà, tránh cho ông già phải ra đứng ở hè phố chờ vẫy gọi taxi.
Thân tình với nhau như thế, mà tuyệt nhiên tôi không hề biết Vũ Hải từng có thời gian làm guide, hướng dẫn viên du lịch. Đọc "Những khoảng lặng tháng năm", tôi ớ người. Hóa ra Vũ Hải làm guide cho Công ty Việt Ý, chuyên cho hãng Club Mediterranée (Câu lạc bộ Địa Trung Hải). Một ngày làm guide được trả 20 USD, hướng dẫn một tour 10 ngày, ngoài số tiền công còn thêm mấy khoản khác, như tiền hoa hồng, tiền boa. Chỉ cần đi làm guide một tua, đã kiếm được món bằng lương cả năm của anh em nhà Đài thời ấy.
Vẫn lời Vũ Hải, người làm guide cũng học được nhiều điều. Tiếng Pháp nói tốt hơn vì ngày nào cũng phải giao dịch bằng tiếng Pháp với đủ các giọng vùng miền khác nhau, các từ ngữ thông dụng thậm chí tiếng lóng. Thứ hai là vốn hiểu biết rộng hơn vì buộc phải đọc sách để có thêm kiến thức trả lời cho khách.
Trở lại với:"Những khoảng lặng tháng năm"...
Sách có thể tạm chia thành hai phần. Một phần dành tặng những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, bắt đầu bằng Mẹ tôi, những lớp liền anh, liền chị ở nhà Đài, nơi anh gắn bó lâu dài nhất trong suốt 28 năm ở Phòng tiếng Pháp, Ban Biên tập Đối ngoại (VOV5). Người viết bài đọc sách này vinh dự được Vũ Hải dành cho một chương Xin đừng quên nhau: Lời hoa muốn nói, nhan đề một cuốn sách mỏng chuyên viết về hoa, bắt đầu từ loại Forget me not đặc trưng cho hoa Đà Lạt tôi viết trong chuyến thăm Lâm Đồng - Đà Lạt lần đầu năm 1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Tôi phải cố gắng mới vượt qua sự áy náy khi phải nói về mình, để thông qua bài viết của Vũ Hải giới thiệu sự tinh tế của anh. Vũ Hải đã trích dẫn khá dài từ bài “Hoa trên mộ chí” tôi viết về các loài hoa trong Nghĩa trang Montparnasse, nhân một chuyến thăm Paris. Trong nghĩa trang sang trọng nằm giữa lòng thủ đô nước Pháp vẫn có nhiều mộ chí hiu hắt, tuyệt nhiên không hề thấy một bông hoa dù đã tàn úa hay khô quắt... Lại có những bó hoa tươi rói, có cụm hoa đã héo, có bông hoa vừa lụi tàn nói lên nhịp độ những người thân đến viếng. Lại có những khóm hoa quanh năm tươi rói như không hề biết đến sự khắc nghiệt của thời gian. Đơn giản vì đó là hoa giả, khi những người thân của vị an nghỉ nơi đây còn mải mê những công chuyện làm ăn mang lại lợi nhuận lớn... Và Vũ Hải hạ bút sau khi dành gần hai trang sách trích dẫn và luận bàn về hoa: “Đọc những chi tiết này thấy vừa chua xót vừa cay đắng cho thực tiễn tàn nhẫn”.
Phần hai của "Những khoảng lặng tháng năm" tập hợp những bài nặng tính hồi ký, viết về những ngày làm việc ở Campuchia, thường trú tại Pháp, hay về sáng kiến của Đài TNVN sớm cho ra đời báo VOV điện tử, hay khánh thành Trạm phát sóng phát thanh tại đảo Trường Sa Lớn. Còn lại là những bài viết mang chất du ký, khi tác giả đã có đủ quỹ thời gian vi vu thăm viếng đó đây, từ Mù Cang Chải vùng núi cao Tây Bắc đến Vũng Rô ven bờ biển Nam Trung Bộ, từ đất nước Triệu Voi gần gũi đến Đảo Saint Michel bên bờ biển Tây Bắc nước Pháp xa xôi, Độc đáo Cu Ba và Praha ngày trở lại.
Văn phong của Vũ Hải sáng trong như thể nhẹ tuôn dòng nước suối. Dễ hiểu thôi. Ảnh hưởng ghi dấu ấn trong đời tác nghiệp của một nhà báo suốt đời ngày nào cũng phải đụng đến tiếng Pháp, chịu ảnh hưởng của một nền văn hóa dù từng qua biết bao trường phái nhưng sợi chỉ đỏ vẫn là sáng trong, thi thoảng điểm một nốt vẫn được người đời xưa nay quen gọi là humour francais, cái dí dỏm không chỉ có trong ngôn ngữ, văn học mà cả trong hội họa, sân khấu của đất nước Con gà trống Gaulois./