Các doanh nghiệp tại Tiền Giang sẵn sàng sản xuất theo phương án "3 tại chỗ"
VOV.VN - Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang có chiều hướng giảm. Cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương trong tâm thế sẵn sàng khôi phục và phát triển sản xuất, phát huy thành quả của phương án “3 tại chỗ”.
Sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ” mô hình thích ứng trong điều kiện dịch bệnh
Từ đầu tháng 8 đến nay, tỉnh Tiền Giang có 22 doanh nghiệp bước vào hoạt động sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ” ổn định theo Bộ tiêu chí tạm thời của tỉnh ban hành. Trong số này, có 12 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và 10 doanh nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp với hơn 3.600 lao động.
Rút kinh nghiệm từ hoạt động “3 tại chỗ” trước đó, các doanh nghiệp trước khi hoạt động chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần và đủ như thực hiện 1 lần test nhanh và 2 lần xét nghiệm PCR trong 7 ngày. Sau khi đi vào hoạt động, mỗi tuần xét nghiệm PCR 1 lần cho các công nhân, người lao động. Các doanh nghiệp phải bố trí ăn, nghỉ tại nơi làm việc, 100% công nhân được trang bị khẩu trang, kính chống giọt bắn và được tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch Covid-19.
Qua gần một tháng hoạt động “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định; đặc biệt đã không phát sinh ca nhiễm Covid-19. Công ty TNHH Vạn Đức, tại cụm công nghiệp Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có công nhân lao động “3 tại chỗ” nhiều nhất địa phương với hơn 1.000 công nhân. Từ ngày dịch bệnh bùng phát đến nay, công ty Vạn Đức vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo thực hiện các hợp đồng với đối tác.
Anh K., một công nhân lao động “3 tại chỗ” tại công ty TNHH Vạn Đức cho biết, đã tham gia sản xuất gần 2 tháng qua, công việc tuy có vất vả hơn trước đây nhưng thu nhập thỏa đáng và được ưu tiên tiêm phòng vaccine, nên rất yên tâm.
"Tôi làm việc “3 tại chỗ” từ 5h30' đến 17h30' và được công ty hỗ trợ 50.000 đồng/ngày tiền ở, cơm công ty lo mỗi ngày 3 bữa: sáng- trưa- chiều. Lúc này nhiều khi về muộn hơn và được công ty tính vào giờ làm thêm, tăng ca cho tôi. Ở trong công ty, chúng tôi được trang bị khẩu trang, mặt nạ nhựa" - anh K. chia sẻ.
Theo các chủ doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, hoạt động “3 tại chỗ” đã phát sinh thêm chi phí hơn 30%, nhất là chi phí xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2; cung cấp 3 bữa ăn/ngày... Công nhân còn được chủ doanh nghiệp hỗ trợ thêm ít nhất 50.000 đồng/ngày, nên chủ không có lãi, chủ yếu để “giữ chân” lao động và thể hiện trách nhiệm, uy tín với khách hàng.
Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, 2 tháng qua, hầu hết các đơn vị trực thuộc công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng TICCO Tiền Giang đều ngưng hoạt động, chỉ duy nhất có công ty TNHH MTV Bê tông TICCO- Tân Phước có 28 cán bộ, công nhân lao động "3 tại chỗ” để phục vụ dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Bê tông TICCO Tân Phước chia sẻ: "Công ty tôi thực hiện “ 3 tại chỗ” từ tháng 7/2021 đến nay. Công việc chủ yếu phục vụ dự án đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, đảm bảo tiến độ để thông tuyến trong năm nay. Sắp tới, công ty tôi chắc phải xin thêm khoảng 70 người làm việc "3 tại chỗ" thay vì chỉ có 28 người như hiện nay. Việc thực hiện "3 tại chỗ” giúp mọi người thấy an toàn hơn ở ngoài, nhưng tốn kém chi phí hơn”.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, các sở, ngành chức năng và các đoàn thể ở tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm, hỗ trợ, nhất là đời sống công nhân. Chỉ riêng Liên đoàn lao động các cấp ở tỉnh Tiền Giang đã chi hơn 1,3 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang làm việc tại 11 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” với mức 1 triệu đồng/người.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang áp dụng thực hiện phương án “3 tại chỗ” là nỗ lực rất lớn của địa phương để duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng không bị đứt gãy. Dù giai đoạn đầu, việc thực hiện phương án này, có những chệch choạc, hạn chế, nhưng từ khi bước vào giai đoạn 2, việc sản xuất theo phương án “3 tại chỗ" đã chặt chẽ, nghiêm túc, an toàn.
Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng hoạt động xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương đã có gam màu sáng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Tiền Giang đạt tổng kim ngạch xuất khẩu được hơn 1,6 triệu USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được hơn 5.300 tỷ đồng, đạt hơn 50% dự toán năm.
Các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, sẵn sàng cho sản xuất “bình thường mới”
Tuy hoạt động sản xuất, kinh doanh “3 tại chỗ” đã ổn định, nhưng đa phần các doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang phải thu hẹp quy mô sản xuất, “gồng mình” trước giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhiều chi phí khác cũng tăng cao. Để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”, doanh nghiệp đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Hà Văn Tín, Giám đốc công ty TNHH Đại Thành – doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang kiến nghị: "Công ty tôi mong Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêm vaccine mũi 2 đối với toàn bộ công nhân; và giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội, chọn một phương án thích hợp để công ty đẩy mạnh sản xuất”.
Do dịch bệnh Covid-19 tại địa phương đang có chiều hướng lắng dịu, Tiền Giang đã có chủ trương trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy, nhân rộng sản xuất “3 tại chỗ” và nghiên cứu, cho phép các doanh nghiệp ở một số lĩnh vực, ngành nghề khác hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Tiền Giang ưu tiên cho phép hoạt động các ngành nghề trong chuỗi sản xuất các mặt hàng nông sản, các lĩnh vực hàng hóa như điện, điện tử, công nghệ thông tin... và các lĩnh vực đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước; trong đó vấn đề đảm bảo an toàn dịch bệnh là trên hết.
Chủ trương của Tỉnh ủy-UBND tỉnh Tiền Giang là mở rộng sản xuất nhưng phải thận trọng, chắn chắn, các doanh nghiệp cần chuẩn bị phương án phòng, chống dịch bệnh tốt nhất để sản xuất, kinh doanh trở lại.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: "Tỉnh đang xây dựng kế hoạch trong những điều kiện rất chặt chẽ; trong “3 tại chỗ” vẫn lấy nền tảng của Bộ tiêu chí tạm thời để bổ sung, điều chỉnh sao cho phù hợp. Đặc biệt, ở Tiền Giang chúng tôi vẫn duy trì việc đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp hàng tuần để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp.
Sắp tới đây, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị với quy mô lớn, để triển khai đối với các doanh nghiệp mà trước đây chưa thực hiện phương án “ 3 tại chỗ”. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đang đề nghị yêu cầu được khôi phục sản xuất. UBND tỉnh sớm triển khai các chủ trương của Chính phủ cũng như các chính sách gì khác đưa xuống người lao động, xuống doanh nghiệp”.
Tiền Giang có hơn 5.000 doanh nghiệp; 4 khu, 5 cụm công nghiệp. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các ngành, các cấp và sự chủ động, nỗ lực thích nghi với điều kiện “sống chung với dịch” của cộng đồng doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang, tin rằng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ từng bước phục hồi. Tiền Giang sẽ sớm khống chế dịch bệnh và ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống dân sinh./.