"VinFuture chứng tỏ vị thế và tầm ảnh hưởng đặc biệt của Việt Nam"
"Đạt được một kết quả có giá trị khoa học kỹ thuật đơn thuần chưa đủ; kết quả đó phải giúp đời sống tốt đẹp hơn. VinFuture trao thưởng cho những nỗ lực hướng đến phúc lợi của con người và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học’’.
GS. Albert P. Pisano - Chủ nhiệm Khoa, Trường Kỹ thuật Jacobs, Đại học California San Diego, Hoa Kỳ, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo của Giải thưởng VinFuture, chia sẻ như vậy khi nói tầm vóc của và tiêu chí quan trọng nhất để tuyển chọn các ứng viên cho giải thưởng khoa học công nghệ có quy mô lớn nhất thế giới.
Giải thưởng VinFuture là một bài học tuyệt vời cho thế giới
PV: Với thế giới, cái tên “Việt Nam” dường như chưa thực sự gắn với “khoa học công nghệ”, vì thế việc một giải thưởng khoa học công nghệ mang tính toàn cầu được khởi xướng bởi người Việt Nam đã gây bất ngờ lớn. Còn với Giáo sư thì sao?
Theo tôi, việc một quốc gia đang phát triển như Việt Nam tạo ra một giải thưởng tuyệt vời như VinFuture có ý nghĩa rất lớn, giúp cho những quốc gia đang phát triển khác thấy rằng họ có thể tiến lên và thực hiện những điều lớn lao tương tự như Việt Nam. Điều này cũng chứng tỏ vị thế tiên phong, tầm quan trọng và ảnh hưởng ngày càng lớn của Việt Nam, đồng thời là một bài học tuyệt vời cho thế giới: Mỗi người cần nỗ lực vì lợi ích của mọi người.
Tôi cho rằng sự ra đời của Giải thưởng VinFuture là một thời khắc tuyệt vời và đầy vinh dự cho Việt Nam, và tôi rất hạnh phúc được trở thành một phần của thời khắc đó.
PV: Nhiều học giả trong giới nghiên cứu nói rằng thông điệp “Khoa học phụng sự nhân loại” của Giải thưởng VinFuture gây ấn tượng mạnh với họ. Có thể hiểu thông điệp này như thế nào thưa Giáo sư?
Con người đang phải đương đầu với rất nhiều vấn đề, từ thiếu ăn, thiên tai, dịch bệnh và rất nhiều thách thức khác. Vậy nên, tôi cho rằng “Khoa học phụng sự nhân loại” nghĩa là tạo điều kiện cho con người có một cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc.
Giải thưởng VinFuture vô cùng độc đáo ở chỗ trao thưởng cho những cá nhân đã nỗ lực sáng tạo ra những thành tựu công nghệ mới, trực tiếp hướng đến phúc lợi của con người. Việc đạt được một kết quả rực rỡ, có giá trị khoa học kỹ thuật đơn thuần là chưa đủ, mà kết quả đó phải giúp cho đời sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Đây cũng là nét đặc trưng có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ và là điều khiến cho Giải thưởng VinFuture trở nên thực sự khác biệt.
PV: Với sự khác biệt như vậy, theo Giáo sư, Giải thưởng VinFuture sẽ có tác động như thế nào đối với nền khoa học toàn cầu?
Để có thể mang lại những lợi ích to lớn, khoa học công nghệ phải tồn tại dưới dạng vật chất hữu hình. Nếu thiếu đi điều đó, công nghệ sẽ không bao giờ tới được với con người. Do đó, Giải thưởng VinFuture đang gửi một thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng khoa học thế giới, nhắc nhở các nhà khoa học rằng mục tiêu cao nhất của khoa học, của mọi phát minh, sáng chế phải hướng tới cải thiện cuộc sống của toàn nhân loại.
Các ứng viên VinFuture phải thấu hiểu con người như thấu hiểu khoa học
PV: Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, ông có thể chia sẻ về kế hoạch tổ chức tuyển chọn các ứng viên cho giải thưởng toàn cầu này?
Chúng tôi vẫn đang trong trình hoàn thiện kế hoạch, tuy nhiên, tôi có thể đảm bảo rằng tất cả đều được xây dựng một cách rất nghiêm túc và chặt chẽ.
Theo tôi, Hội đồng vẫn cần bổ sung một hoặc một vài thành viên nữa. Song, tôi cảm nhận sâu sắc trách nhiệm của bản thân trong việc giúp đỡ các thành viên làm việc tốt nhất có thể, nhằm chọn ra những ứng viên phù hợp nhất, đại diện cho tầm quan trọng của Giải thưởng.
PV: Nhân nói về ứng viên, VinFuture là một giải thưởng non trẻ, lại đến từ một nước đang phát triển, theo Giáo sư, làm thế nào để chúng ta có được những đề cử chất lượng?
Cách tốt nhất là mỗi thành viên trong Hội đồng Sơ khảo cần ghi nhớ mục đích của Giải thưởng. Những giải thưởng cao nhất phải được trao tới những cá nhân điển hình nhất cho giá trị mà VinFuture muốn khuyến khích. Tôi cho rằng, đối với mỗi đề cử, chúng ta cần xem xét sự kết hợp chặt chẽ, cân bằng giữa giá trị khoa học kỹ thuật và khả năng mang đến phúc lợi và sự phát triển kinh tế - xã hội cho con người.
Tôi hy vọng, những ứng cử viên của Giải thưởng sẽ là những cá nhân thấu hiểu con người như thấu hiểu khoa học, bởi khi làm được như vậy, họ sẽ tạo ra được những thành tựu khoa học công nghệ phục vụ tốt nhất cho con người.
PV: Còn đối với những người được trao thưởng thì sao, Giáo sư mong đợi Giải thưởng VinFuture sẽ giúp được gì cho các nhà khoa học sau khi vinh danh họ?
Các nhà khoa học, đặc biệt là những người thắng giải VinFuture chắc chắn đều mong muốn công trình nghiên cứu của bản thân mang lại lợi ích cho con người, bởi họ là những người có tâm và có tài đã được lựa chọn. Với sự tôn vinh cùng nguồn lực từ Giải thưởng, tôi tin họ sẽ làm việc cần mẫn hơn và có thể mang lại những tác động tích cực hơn đối với mọi người trên thế giới. Họ cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc và cống hiến nhiều hơn cho nhân loại.
PV: Cuối cùng, xin được hỏi Giáo sư một câu hỏi hơi riêng tư. Ông có thể chia sẻ lý do nhận lời mời làm Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture?
Thực tế là tôi đã quá nhiều việc và không có nhu cầu nhận thêm một trách nhiệm nào nữa. Nhưng tôi luôn có thời gian cho những điều quan trọng và mang ý nghĩa lớn lao như VinFuture. Thật tuyệt vời khi được cùng làm việc với những người đang cố gắng làm thật nhiều điều tốt đẹp cho thế giới. Có một luồng năng lượng ấm áp và tích cực tỏa ra khi mọi người hội tụ vì những mục đích quan trọng như thế này.
Khi nhận được lời mời đảm nhận vị trí này, tôi cảm thấy rằng đây là một niềm vinh dự to lớn và tôi cần phải cố gắng hết sức mình. Nhiệm vụ cũng giúp tôi hiện thực được điều mà tôi luôn tâm đắc, đó là khoa học và công nghệ luôn nên mang lại lợi ích cho con người. Khoảnh khắc quan trọng và tươi đẹp nhất đối với tôi sẽ sớm xuất hiện và tôi mong chờ điều đó!
PV: Xin cảm ơn Giáo sư./.
Giáo sư Albert P. Pisano là một nhà khoa học người Mỹ, Chủ nhiệm Khoa, Trường Kỹ thuật Jacobs, Đại học California San Diego. Năm 2001, Giáo sư được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (National Academy of Engineering). Trước đó, ông đã được bầu vào Hiệp hội Kỹ sư Hoa Kỳ, Chủ tịch tài trợ Hệ thống Cơ khí. Ông được trao Huân chương Thomas Egleston cho cựu sinh viên xuất sắc nhất của Fu Foundation, Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng, Đại học Columbia, New York...