Đánh cá có trách nhiệm để tiến tới gỡ thẻ vàng của EC
VOV.VN - Nếu đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU sẽ ảnh hưởng tới lộ trình “gỡ thẻ vàng” cho các loại thủy, hải sản Việt Nam.
“Mấy năm nay, Quảng Ninh yêu cầu ngư dân đánh bắt xa bờ thì dân chúng tôi chấp hành, hộ nào không có tiền cũng phải vay mượn để đóng tàu to hơn, mắt lưới ngày trước thì dày và bé nhưng ngày nay thì sử dụng mắt lưới to hơn để đánh bắt cá to hơn”
“Thuyền tôi sử dụng chã ván, đánh bắt bề bề, tôm, cá, mực... Cứ con nào bán ra tiền thì chúng tôi mang vào bờ bán hết. Cá to thì phân loại, loại bé thì bán cá lợn, cá gà...”.
Chia sẻ trên của 2 ngư dân phường Hà An, thị xã Quảng Yên cho thấy những nhận thức khác nhau trong việc đánh bắt thủy sản. Bên cạnh những ngư dân có ý thức đánh bắt xa vùng lõi di sản và không sử dụng những ngư cụ hủy diệt nguồn lợi thủy sản thì vẫn còn không ít ngư dân đang đánh bắt theo kiểu tận thu bằng lưới mắt nhỏ và lồng bát quái, kích điện, súng điện, máy nén khí, quần áo lặn...
Nhiều tàu công suất lớn tự trang bị giám sát hành trình và định vị để vươn khơi đánh bắt xa bờ. |
Từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh luôn đứng top đầu các tỉnh ven biển phía Bắc về xử lý tàu cá vi phạm với số tiền phạt hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm chỉ là một giải pháp trước mắt nhằm thực hiện những khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về đánh bắt thủy hải sản hợp pháp, đặc biệt là việc cấp giấy phép khai thác và lắp đặt giám sát hành trình cho tàu cá.
Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó phòng Nông nghiệp huyện Vân Đồn cho biết: “Trước đây, tàu tính theo công suất 90Cv là được khai thác xa bờ nhưng theo luật mới thì phải tính theo chiều dài. Tàu dưới 6m trở lên tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên phải thực hiện đăng kiểm, Vân Đồn có 62 tàu cá trên 15m phải lắp hành trình và chúng tôi đang đề nghị tỉnh hỗ trợ bước đầu cho ngư dân....”.
Quảng Ninh hiện có khoảng 8.000 tàu cá, trong đó chỉ có 237 tàu cá đạt tiêu chuẩn hoạt động vùng khơi. Mặt khác, 2 cảng cá cấp vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch nhưng việc triển khai còn chậm, chưa hình thành cảng cá đúng nghĩa để ngư dân khai báo hành trình và nguồn gốc các mặt hàng thủy sản.
Ngư dân Quảng Ninh giờ đã sử dụng lưới mắt to để hạn chế đánh bắt thủy sản tận diệt. |
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ nay cho tới tháng 10, Sở cùng các địa phương ven biển sẽ tập trung tuyên truyền và hỗ trợ ngư dân tuân thủ việc đánh bắt cá đúng quy định của pháp luật.
“Chúng tôi sẽ rà soát toàn bộ tàu, thuyền trên 15m đánh bắt xa bờ để tuyên truyền, vận động, cầm tay chỉ việc gồm cả sơn tàu, kẻ vẽ biển số, nhật ký khai thác, lắp đặt giám sát hành trình và các chứng chỉ của thuyền viên trong tháng 7. Tháng 8 chúng tôi sẽ rà soát tất cả các tàu thuyền từ 12-15m để tập huấn, hỗ trợ hoán cải, nâng cấp và trong tháng 9 sẽ cùng các địa phương tiến hành xử lý các vi phạm quản lý tàu thuyền”, ông Nguyễn Văn Công cho hay.
Đánh cá có trách nhiệm hiểu đơn giản là tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản, đúng ngư trường và khai báo trung thực. Nhưng để ngư dân thay đổi nhận thức và tuân thủ thực hiện không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai.
Quảng Ninh cần dành nguồn lực để đầu tư cảng cá đúng nghĩa giúp ngư dân thực hiện khai báo hành trình, nguồn gốc và số lượng thủy, hải sản. |
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục thủy sản, Bộ NN&PTNT đề nghị: “Đối với Quảng Ninh, cần đầu tư hạ tầng, xây dựng cảng cá Cái Rồng và Cô Tô để bà con có điểm neo đậu và bốc dỡ các sản phẩm thủy sản lên bến; các cơ quan chức năng kiểm soát được tàu cá ra khỏi cảng. Toàn bộ hồ sơ, giấy phép và sản lượng bốc dỡ qua cảng phải đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường tuyên truyền bà con nhân dân tuân thủ các quy định của pháp luật bởi đây là bước là lộ trình để Việt Nam tiến tới gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban EC”.
Việc tham gia tích cực để “gỡ thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu là nhiệm vụ trước mắt của chính quyền, các lực lượng chức năng cùng ngư dân cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng để góp phần cải thiện kinh tế biển Việt Nam. Đó cũng là bước ngoặt để tạo vị thế mới cho ngư dân Việt Nam, nâng cao trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho thế hệ mai sau, đặc biệt là đảm bảo thương hiệu, uy tín của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế./.