“Thanh tra thi tốt nghiệp không phải chỉ ngó nghiêng hỏi vài ba câu“
VOV.VN -Theo Bộ GDĐT, mỗi điểm thi sẽ có ít nhất 3 cán bộ giảng viên ĐH về thanh tra, công tác thanh tra phải có kết luận, tránh tình trạng nhắc để đấy.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác thi tốt nghiệp 2020 do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết sẽ tăng cường sự tự chủ của các địa phương trong kỳ thi năm nay. Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo công tác thi tại địa phương. Các trường đại học sẽ không coi thi, chấm thi, mà sẽ tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, đúng quy chế, công tác thanh tra đóng vai trò hết sức quan trọng.
Công tác tổ chức thi Tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được giao về cho các địa phương. (Ảnh minh họa) |
“Điểm mới của năm nay là các tỉnh tự chủ đứng ra tổ chức thi. Lực lượng thanh tra có thêm thanh tra cấp tỉnh. Năm nay không có giảng viên các trường đại học về coi thi, song công tác thanh tra kiểm tra sẽ được tăng cường, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Mỗi điểm thi sẽ có ít nhất 3 cán bộ giảng viên các trường đại học về thực hiện công tác thanh tra. Giao việc tổ chức kỳ thi cho địa phương, song Bộ vẫn sẽ thực hiện vai trò quản lý Nhà nước, không khoán trắng cho địa phương”, ông Thưởng cho biết.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, công tác thanh tra nhằm mục đích phòng ngừa sai phạm, giúp công tác tổ chức kỳ thi được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch. Như vậy, nguyên tắc Bộ không làm thay địa phương công tác thanh tra, kiểm tra. Mọi công tác thanh tra phải có tính độc lập riêng, đảm bảo không trùng chéo. Công tác thanh tra có phân rõ vai trò của từng cấp về nhiệm vụ, thẩm quyền và mục tiêu.
“Mọi công đoạn của công tác thi đều được thanh tra, đảm bảo không có khoảng trống. Các trường đại học phải sàng lọc cán bộ thanh tra, đảm bảo 100% là người có phẩm chất tốt, tinh thần trách nhiệm cao", ông Thưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đặc biệt nhấn mạnh về công tác tập huấn kỹ lưỡng cho nhân sự tham gia kỳ thi để từng thành viên đều nắm chắc nghiệp vụ chuyên môn, chú ý chọn người tham gia kỳ thi có phẩm chất, đạo đức tốt. Căn cứ vào phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, Hội đồng thi, từng thành viên trong ban chỉ đạo, hội đồng thi phải xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ một cách cụ thể, chi tiết. Căn cứ vào kế hoạch này để giám sát thường xuyên, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời, tránh tình trạng “khoảng tối dưới chân đèn”.
“Tới đây, thanh tra Bộ sẽ thanh kiểm tra công tác thực hiện của các địa phương; kiểm tra qua kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Đề nghị thanh tra Bộ khi thanh tra, kiểm tra phải có kết luận để bộ phận chưa làm tròn trách nhiệm phải khắc phục kịp thời. Thanh tra phải kiểm tra từng nội dung cụ thể, không phải đi ngó nghiêng hỏi an vài ba câu. Đã thanh tra, kiểm tra phải có kết luận để điều chỉnh, không phải chỉ nhắc để đấy”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Trong nhiệm vụ chuẩn bị kỳ thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đặc biệt lưu ý về việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Bộ trưởng Nhạ đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao, lưu ý việc chuẩn bị và lắp đặt camera bảo đảm chất lượng theo quy định, tránh hiện tượng có camera nhưng không hoạt động hoặc hoạt động trục trặc. Một số vùng miền núi hay xảy ra mưa lũ, địa phương cần có phương án dự phòng để bảo đảm an toàn cho điểm thi, hỗ trợ thí sinh đến dự kỳ thi an toàn, kịp thời.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh “Công tác in sao vận chuyển đề thi là công việc rất nhạy cảm. Người được cử in sao đề thi cần được chọn lựa, kiểm tra nhân thân kỹ. Khâu bảo bản bài thi trước khi chấm cũng cần đảm bảo an toàn tuyệt đối vì đây là khâu có thể xảy ra tình trạng tráo bài thi.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng lưu ý thêm công tác chấm thi, công bố kết quả thi, phân tích phổ điểm. Năm nay, công tác chấm thi hoàn toàn do địa phương thực hiện, cả chấm trắc nghiệm và tự luận. Việc chấm thi phải thực hiện bảo đảm đúng quy trình quy định trong Quy chế thi; cần nghiên cứu thật kỹ và dự báo những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chấm thi. Ngoài ra, một điểm mới là năm nay thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, việc này giúp phát hiện ra những “điểm trũng” để có chính sách cải thiện tốt hơn, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục./.