Dịch Covid-19 có thể làm gia tăng căng thẳng, mâu thuẫn trong gia đình
VOV.VN -Ngay cả khi không có vấn đề về kinh tế thì vợ chồng cũng có thể căng thẳng, mâu thuẫn trong việc chia sẻ trách nhiệm gia đình, hay chấp nhận những thói quen của đối phương. Cha mẹ cũng có thể cảm thấy mất cân bằng giữa việc chăm sóc con cái, việc học tập của con và công việc.
Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống, người lớn bị mất việc hoặc làm việc tại nhà, trẻ em chuyển sang hình thức học online, những tương tác trực tiếp với người ngoài bị hạn chế, thậm chí là bị cấm, làm gia tăng những lo lắng căng thẳng.
Gia tăng cảm giác lo lắng, căng thẳng
PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, Khoa Tâm lý học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các yếu tố gây căng thẳng lớn từ bên ngoài như thiên tai hoặc đại dịch không chỉ tác động đến tâm lý của mỗi cá nhân, làm gia tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng mà còn có thể tác động đến những mối quan hệ mật thiết trong gia đình như vợ - chồng, cha mẹ - con cái.
Theo PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái, đại dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp đến những mối quan hệ trong gia đình theo cả hướng tiêu cực và tích cực. Trong đó, những tác động tiêu cực như cả cha mẹ và con cái đều có thể trải nghiệm cảm giác mất sự riêng tư do sự hiện diện thường trực của các thành viên khác trong gia đình.
“Ngay cả khi không có vấn đề về kinh tế thì vợ chồng cũng có thể căng thẳng, mâu thuẫn trong việc chia sẻ trách nhiệm gia đình, thậm chí trong việc chấp nhận những thói quen của đối phương mà ngày thường ít thời gian gần nhau. Cha mẹ có thể cảm thấy mất cân bằng giữa việc chăm sóc con cái, việc học tập của con và công việc của bản thân. Nhiều bậc cha mẹ cũng có thể khó khăn trong quản lý cảm xúc của bản thân và của con cái. Khi làm việc ở nhà khiến cha mẹ gần con nhiều hơn và có thể đặt ra những kì vọng, yêu cầu về học tập mà con có thể khó lòng đáp ứng được. Những điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng bạo lực gia đình cả về mặt tinh thần lẫn thể chất”, PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái phân tích.
Nói về những tác động của dịch bệnh với tâm lý mỗi người, TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn cuộc sống thường nhật, làm dấy lên nỗi căng thẳng, sợ hãi, lo lắng về những mất mát cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Cô đơn, hoang mang, hoài nghi về mọi thứ là vấn đề tâm lý cá nhân xuất hiện ngay khi con người phải đối diện với những áp lực đến từ công việc, gia đình hay các mối quan hệ xã hội nói chung.
Dịch bệnh với những yếu tố khó lường, đe dọa tới sức khỏe, tính mạng, sinh kế và vì thế việc xuất hiện các cảm xúc tiêu cực này là đương nhiên. Những cảm xúc này cũng ngay lập tức ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, gia đình và công việc cả mỗi cá nhân.
Chuyên gia tâm lý này cho rằng, thực tế khi giãn cách xã hội, con người có thể tự phá vỡ hầu hết các giới hạn, các thói quen thường nhật của mỗi người. “Lúc bận rộn thì ước có những ngày được tự do muốn làm gì thì làm, giờ được “tự do trong giới hạn” thì lại thấy áp lực và chợt nhận ra sự “được – mất” trong cái tự do mà trước đây đã từng mong chờ”, TS Trần Thu Hương cho rằng đây là tâm lý chung của nhiều người.
Làm gì để vượt qua áp lực tâm lý mùa dịch?
Ở một góc độ khác, PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái cũng cho rằng, đại dịch giúp cho mỗi cá nhân và gia đình có cơ hội sống chậm hơn, tận hưởng cuộc sống, do đó cũng có thể giúp cải thiện mối quan hệ gia đình.
Đơn cử như khi ở nhà nhiều hơn, làm việc ở nhà, ít tương tác với bên ngoài, giúp các cặp vợ chồng, cha mẹ có cơ hội suy ngẫm và đánh giá lại những mối ưu tiên trong cuộc sống, công việc, sự nghiệp, điều này có thể thúc đẩy sự quan tâm, việc thể hiện tình cảm, chia sẻ những trách nhiệm chung với các thành viên trong gia đình.
“Thời gian này cũng khiến nhiều người nhận ra rằng những thứ vốn coi là hiển nhiên, trong điều kiện bình thường lại trở thành niềm mơ ước khi dịch bệnh xảy ra. Điều này cũng khiến mọi người gia tăng sự chấp nhận, lòng vị tha, trân quý những điều bình thường, giản dị trong cuộc sống”, PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái cho biết.
Theo PGS.TS Thái, có một điều chắc chắn rằng khi hoàn cảnh thay đổi, con người cần thay đổi về suy nghĩ, cảm xúc, hành động để có thể vững vàng trước những biến cố không mong muốn. Để tăng cường sự hài lòng trong các mối quan hệ gia đình, mỗi thành viên có thể thiết lập những thói quen mới lành mạnh và mang tính hỗ trợ lẫn nhau như cùng làm việc chung, cùng đọc sách, chia sẻ công việc gia đình, cha mẹ, con cái cùng ngồi làm việc và học tập cùng nhau.
Để vượt qua những áp lực tâm lý trong mùa dịch, mỗi người cũng có thể xây dựng thái độ tích cực với vợ/chồng và với con, vợ chồng chấp nhận sự khác biệt của nhau, cùng đồng hành, sẻ chia với nhau hơn là cố gắng thay đổi nhau, hướng tới sự tha thứ và trò chuyện trực tiếp về hành vi không mong muốn của đối tác hơn là chỉ trích và quy kết đó là bản chất của họ, cha mẹ giao tiếp với con trong sự tôn trọng và thống nhất.
Riêng với trẻ em, TS Trương Quang Lâm, Khoa Tâm lý học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, mỗi đứa trẻ đều cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc, nhận tình yêu thương, hoặc khi có những trải nghiệm tích cực, đáp ứng những yêu cầu cơ bản của trẻ. Trong bối cảnh dịch bệnh, bố mẹ có thể tạo ra những trải nghiệm tích cực trong điều kiện phải ở nhà và giãn cách.
Một vài cách để giúp trẻ không căng thẳng, khó chịu, thoải mái hơn trong thời gian giãn cách được TS Trương Quang Lâm đưa ra như tăng cường các hoạt động tương tác giữa cha mẹ và con cái thông qua nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, chơi các trò chơi… Để trẻ không căng thẳng trong mùa dịch, chán cảm giác ở nhà hay có những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ cũng cần học cách cân bằng cảm xúc, tránh việc áp lực tài chính, công việc ảnh hưởng xấu đến con cái./.