Trung Quốc khẳng định không phải là chủ nhân bộ phận tên lửa sắp va chạm Mặt trăng
VOV.VN - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Wang Wenbin, đã phủ nhận rằng các mảnh vỡ tên lửa đến từ sứ mệnh Chang’e-5 T1 năm 2014 sẽ va chạm với Mặt trăng vào ngày 4/3 tới đây.
Wang cho biết tầng trên của tên lửa đó đã cháy “hoàn toàn” trong bầu khí quyển của Trái đất. Ông khẳng định rằng các nỗ lực trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của Trung Quốc luôn phù hợp với luật pháp quốc tế và nước này quyết tâm bảo vệ “tính bền vững lâu dài” của không gian vũ trụ.
Tuy nhiên, nhà thiên văn học Bill Gray - người đưa ra thông tin dự kiến về vụ va chạm - cho rằng Wang có thể đã nhầm lẫn điều đó với sứ mệnh Chang’e-5 của năm 2020. Một phi đội của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ tuyên bố tầng trên của T1 bị cháy vào tháng 10/2015, nhưng Gray lưu ý rằng phi đội chỉ cung cấp thông tin này dựa trên một bản cập nhạt quỹ đạo cho tên lửa đó. Vụ cháy về cơ bản chỉ là giả định và chưa được xác nhận.
Không chỉ Bill Gray, Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA cũng tin rằng tầng trên của T1 có liên quan đến vụ va chạm sắp tới.
Dù bất cứ bên nào chịu trách nhiệm, vụ tai nạn được dự đoán sẽ đại diện cho một cột mốc không mong muốn cho ngành hàng không vũ trụ thế giới khi một tàu vũ trụ gây ra va chạm đối với Mặt trăng. Tranh chấp về nguồn gốc của các mảnh vỡ tàu vũ trụ cũng phản ánh sự khó khăn trong việc theo dõi các mảnh vỡ không gian. Mặc dù có nhiều cảm biến tiên tiến hơn để giúp phát hiện các mảnh vỡ trong quỹ đạo Trái đất, nhưng việc giám sát không gian đơn giản không phải là ưu tiên của các nhà giám sát. Vụ va chạm sắp xảy ra có thể thay đổi suy nghĩ này, buộc các nhà khoa học phải tập trung hơn khi các chương trình sứ mệnh không gian khác được phóng lên vũ trụ trong tương lai./.