Cảnh báo xả thải gây ô nhiễm khiến cá nuôi bè chết hàng loạt
VOV.VN - Trung tâm Quan trắc môi trường & bệnh Thủy sản Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II (Tổng cục Thủy sản - bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cảnh báo ô nhiễm nguồn nước khiến cá nuôi bè chết hàng loạt
Theo thông tin từ Trung tâm Quan trắc môi trường & bệnh Thủy sản Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II (Tổng cục Thủy sản - bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong phạm vi của chương trình quan trắc môi trường phục vụ vùng nuôi tôm nước lợ, cá tra và nghêu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các đợt quan trắc đột xuất khu vực nuôi cá lồng bè khu vực Đông Nam Bộ, Trung tâm Quan trắc môi trường & bệnh Thủy sản Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II đã tổng hợp kết quả quan trắc môi trường trong năm 2020 cùng với tình hình các tháng đầu năm 2021 để làm cơ sở đưa ra một số nhận định, khuyến cáo cho vùng nuôi.
Ô nhiễm nguồn nước dẫn tới cá lồng bè chết hàng loạt
Theo đó, trong năm 2018 và 2019, khu vực nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà, xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt sau mưa lớn đầu mùa (tháng 4-5). Hiện tượng cá chết trong 2 đợt đều tương tự nhau: Chất lượng nước trong lưu vực được khảo sát của sông La Ngà trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ cao, ô xy hòa tan thấp, tổng vi khuẩn hiếu khí khá cao. Cá có hiện tượng nổi đầu và chết hàng loạt vào ban đêm sau cơn mưa lớn kéo dài, không phát hiện tác nhân vi khuẩn gây bệnh (Aeromonas sp., Pseudomonas sp., Streptococcus sp.).
Cá chết xảy ra đồng thời trên nhiều đối tượng như cá lăng, cá chép và điêu hồng với đủ kích cỡ từ giống đến thương phẩm.
Năm 2021, theo thông tin báo đài và địa phương, chiều 2/4/2021 trên địa phận huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bè lờ đờ, nổi đầu và chết hàng loạt (cá chết xảy ra trên nhiều đối tượng như cá lăng, trắm cỏ, điêu hồng).
"Hiện tượng cá nuôi bè chết hàng loạt trên khu vực sông La Ngà và sông Sài Gòn vừa qua là do những biến động bất lợi về môi trường. Lượng mưa lớn kéo dài, cuốn theo tất cả các vật chất hữu cơ từ thượng nguồn vào thủy vực, làm môi trường thay đổi đột ngột. Sau cơn mưa lớn kéo dài các hợp chất hữu cơ được cuốn trôi vào thủy vực, các vi sinh vật hiếu khí hoạt động mạnh sẽ khiến ôxy hòa tan trong nước bị giảm đáng kể, đặc biệt là vào ban đêm và sáng sớm", Trung tâm Quan trắc môi trường & bệnh Thủy sản Nam bộ nhận định nguyên nhân.
Bên cạnh đó, sự phân hủy các chất hữu cơ tích tụ trong thủy vực nuôi cũng làm giảm lượng oxy hòa tan. Mưa lớn đầu mùa cuốn trôi mùn bã hữu cơ, đất cát trên đất liền làm gia tăng hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng (TSS) gây tắt nghẽn cấu trúc mang cá, cản trở hô hấp gây ngạt và tử vong.
Tất cả các yếu tố trên có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu hụt ô xy trầm trọng vào ban đêm khiến cá nổi đầu và chết hoàng loạt. Ngoài ra sự thiếu hụt ô xy dẫn đến quá trình phân hủy thiếu khí tạo thành các khí độc như NH3, H2S, CH4 sẽ dẫn tới tình trạng cá bị sốc, ngộ độc, giảm sức đề kháng và bệnh sẽ phát triển.
Nếu quá trình thiếu khí xảy ra trong thời gian dài, các động vật thủy sản nuôi sẽ bị chết ngạt do thiếu ô xy. Ngoài ra, tại thời điểm giao mùa mực nước sông/hồ đã và đang rút xuống nhiều làm thu hẹp không gian sống của cá nuôi lồng bè. Mật độ bè nuôi neo đậu dày khiến khoảng cách giữa các bè khá sát nhau, điều này dẫn đến khả năng trao đổi nước trong bè bị hạn chế, thêm vào đó là quá trình phân hủy các hợp chất hữu từ các chất tích tụ (bài tiết của động vật, nguồn thức ăn dư thừa...) làm cho hàm lượng ô xy hòa tan trong nước bị suy giảm.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết
Theo bản tin cập nhật về hiện tượng ENSO và nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 4 đến tháng 9/2021 khu vực Nam bộ của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc Gia: Dự báo, từ nay đến khoảng tháng 5/2021 ít có khả năng xuất hiện bão và ATNĐ trên Biển Đông; giai đoạn tháng 6-7/2021 bão và Áp thâp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2021.
Trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4-6/2021) đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc trên phạm vi toàn quốc.
Nhiệt độ trung bình trong các tháng 4-5/2021 trên cả nước phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Từ tháng 6-9/2021 nhiệt độ trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.
Khu vực Tây nguyên và Nam Bộ, trong các tháng 4-5/2021 tổng lượng mưa (TLM) ở khu vục phổ biến cao hơn so với TBNN từ 10-20%, trong tháng 6-7/2021 TLM ở mức xấp xỉ so với với TBNN, riêng hai tháng 8-9/2021 TLM có xu hướng thiếu hụt từ 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ. Mùa mưa có khả năng đến sớm trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ khoảng nửa cuối tháng 4 sang nửa đầu tháng 5/2021.
Trung tâm Quan trắc môi trường & bệnh Thủy sản Nam bộ (Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II) khuyến cáo, người nuôi theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, kết quả quan trắc chất lượng nước (nếu có) để ứng phó kịp thời. Trước, trong và sau những cơn mưa lớn đầu mùa sục khí cung cấp thêm ôxy cho bè nuôi, treo túi vôi phòng bệnh cho cá.
Các bè đang có cá chết cần vệ sinh khu vực nuôi, thu gom cá chết ra khỏi khu vực nuôi ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và phát sinh mầm bệnh. Dừng thả nuôi mới nhằm giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng xấu của môi trường và có thời gian để cải thiện môi trường nước vùng nuôi.
Chỉ đạo, hướng dẫn cho người nuôi tại địa phương các biện pháp kỹ thuật quản lý nuôi cá lồng bè hiệu quả theo Quy chuẩn Việt Nam 02:22:2015/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt – điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại vùng nuôi cá lồng/bè theo kế hoạch đã được phê duyệt tại địa phương; tăng cường kiểm soát các nguồn xả thải để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.
Khuyến cáo người nuôi trong các năm tới thu hoạch cá trước tháng 4 và ngưng thả nuôi đến hết tháng 6 (thời gian giao mùa) hoặc di dời lồng bè sang khu vực khác để giảm thiệt hại./.