Các gã trùm công nghệ đã phản bội nguyên tắc sáng lập của họ như thế nào?
VOV.VN - Làm thế nào những Big Tech từng rao giảng về một thế giới tốt đẹp nơi “thông tin phải được miễn phí”, lại trở thành kẻ lừa dối khách hàng, thao túng chính trị và xé nát cấu trúc nền kinh tế?
Làm thế nào những Big Tech từng rao giảng về một thế giới tốt đẹp nơi “thông tin phải được miễn phí”, lại trở thành kẻ lừa dối khách hàng, thao túng chính trị và xé nát cấu trúc nền kinh tế?
Câu trả lời sẽ được nhà báo Rana Foroohar giải đáp đầy đủ trong “Đừng trở nên xấu xa”. Cuốn sách được xem như một bản cáo trạng về cách mà các công ty công nghệ lớn nhất hiện nay đang chiếm đoạt dữ liệu, sinh kế, phá vỡ kết cấu xã hội và hủy hoại tâm trí chúng ta.
Là biên tập viên kinh tế của Financial Times và nhà phân tích kinh tế toàn cầu cho CNN, Rana Foroohar đã dành nhiều năm quan sát, phân tích các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech), đặc biệt là 5 công ty lớn thuộc nhóm FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google) từ đó đưa ra nhiều phát hiện “gây sốc” trong cuốn sách.
Nơi mọi dữ liệu đều quy ra tiền
Theo Rana Foroohar, sự giàu có của Big Tech là kết quả của sự chuyển dịch kinh tế cơ bản: từ một nền kinh tế dựa trên công cụ (và dịch vụ cung cấp công cụ) sang nền kinh tế dựa trên bit và byte. Nhờ cung cấp nhiều sản phẩm và nền tảng có sức hấp dẫn, biết lợi dụng tác động của hiệu ứng mạng để thu hút thêm người dùng và thu nhập nhiều dữ liệu, Big Tech ngày càng mở rộng quy mô đến mức ít ai ngờ đến.
Ước tính, khoảng 80% tổng tài sản doanh nghiệp hiện nay đang nằm trong tay 10% công ty công nghệ. Giá trị vốn hóa thị trường của FAANG hiện lớn hơn cả nền kinh tế của Pháp, hay số người dùng của Facebook cũng đã lớn hơn số dân của quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao một ngành công nghiệp từng rất nhiệt huyết, cách tân và lạc quan lại trở nên tham lam, phiến diện và cao ngạo chỉ sau vài thập niên? Tại sao Google, một công ty từng xem “Don’t be evil” (tạm dịch: “Đừng làm điều ác”) là câu mở đầu quan trọng trong Quy tắc ứng xử của mình, lại phản bội chính nguyên tắc đó và lừa dối người dùng?
Tất cả sẽ được Rana Foroohar giải đáp trong “Đừng trở nên xấu xa”. Cuốn sách hé lộ sự thật đằng sau mục đích nhân văn “cung cấp thông tin miễn phí” của các tập đoàn công nghệ, giải thích việc làm thế nào một phong trào ra đời vì mục đích “dân chủ hóa” thông tin lại đủ sức xé nát cấu trúc nền dân chủ, và làm thế nào các kỹ sư lãnh đạo của phong trào đó lại đi từ việc nghiên cứu bo mạch chủ trong tầng hầm đến tương lai thống trị nền kinh tế chính trị thế giới.
Thông qua cuốn sách, Rana Foroohar đã vén màn những mánh khóe kiếm tiền từ người dùng của các công ty Big Tech. Bằng cách giữ cho mọi người “sống” trên không gian mạng càng lâu càng tốt, Google, Facebook, Apple, Amazon… đang lén lút làm đầy túi tiền của mình bằng cách thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng và bán chúng cho những bên khác.
Bởi trong thời đại công nghệ thông tin, dữ liệu chính là “dầu mỏ”, là “nhiên liệu” thúc đẩy sự phát triển của những công ty vận hành bằng dữ liệu. Và con người nghiễm nhiên trở thành nguyên liệu thô trong mô hình kinh doanh ấy, được Big Tech sử dụng để tạo ra sản phẩm và bán cho các công ty quảng cáo.
Dưới ngòi bút sắc sảo và văn phong mạch lạc của một phóng viên kinh tế kỳ cựu, Rana Foroohar đã phá vỡ câu thần chú đầy mê hoặc mà những gã khổng lồ công nghệ sử dụng với chính phủ các nước, đồng thời thức tỉnh những người dùng đang say sưa với các ứng dụng và thiết bị công nghệ bóng bẩy. Cuốn sách không chỉ phân tích các vấn đề kinh tế về sự méo mó của thị trường và quyền lực độc quyền, mà còn đi xa hơn khi xem xét những tác động xã hội lớn hơn do những “vị vua” công nghệ tại Thung lũng Silicon gây ra.
Sự kiêu ngạo những “vị vua” công nghệ
Trên thực tế, những vấn đề do Big Tech gây ra không chỉ gói gọn trong lĩnh vực kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến khía cạnh chính trị và nhận thức. Sự trỗi dậy của Google, Facebook cũng như những gã khổng lồ khác đã đặt các nhà lãnh đạo của họ lên trên kỳ vọng, tiêu chuẩn đạo đức và cả những quy định pháp luật đang áp dụng cho công dân bình thường.
Đơn cử, Big Tech đã góp phần tiếp tay cho các thế lực nước ngoài thay đổi cục diện cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Các nhà vận động hành lang của Big Tech còn thao túng cả hệ thống để đảm bảo họ có thể tiếp tục hoạt động tự do mà không bị chính phủ can thiệp.
Sự trỗi dậy của Big Tech còn khiến số vốn đầu tư mạo hiểm cho giai đoạn đầu lẫn số lượng công ty khởi nghiệp được tài trợ giảm mạnh, làm cho số lượng việc làm mới cũng giảm theo. Và thay vì đóng thuế để tái đầu tư cho xã hội, Big Tech lại tìm cách đưa phần lớn lợi nhuận ra nước ngoài để lách luật và né tránh những quy định về thuế mà mọi công dân bình thường đều phải tuân thủ.
Dù vậy, Rana Foroohar cho rằng, suy cho cùng, tội lỗi thật sự của Google cũng như nhiều gã khổng lồ công nghệ khác ở Thung lũng Silicon có lẽ là sự kiêu ngạo. Những lãnh đạo cấp cao của Google luôn muốn công ty đủ lớn mạnh để xác lập luật chơi riêng. Và đây chính là mặt xấu của Google cũng như rất nhiều công ty Big Tech khác.
“Larry Page và Sergey Brin tin rằng nếu bạn cứ làm những việc sai trái không ai biết, mọi người sẽ dần chấp nhận hành động của bạn cho đến khi họ nhận ra mình đã quá gắn bó với điều đó. Điều đáng buồn là lối tư duy này đã sớm trở thành phong cách của Google”, cô viết trong cuốn sách.
Họ nhất mực làm theo nguyên tắc bất thành văn “thà xin lỗi còn hơn xin phép”, dù thật sự là họ không xin lỗi mà chẳng xin phép. Họ cho rằng bản thân chỉ đơn giản là tìm cách nắm bắt những kiến thức đang ẩn giấu trong kho lưu trữ máy tính để mang lại lợi ích cho nhân loại. Và nếu việc đó mang lại lợi ích cho cả họ thì càng tốt.
Chính tư duy kiêu ngạo cùng tham vọng làm “nền tảng” cho mọi thứ đã khiến Big Tech ngày càng lún sâu vào việc lừa dối khách hàng, thao túng chính trị và xé nát cấu trúc nền kinh tế. Các gã khổng lồ công nghệ đã dùng quy mô của mình để nghiền nát hoặc nuốt chửng đối thủ, cũng như lấn lướt những tay chơi nhỏ hơn và đánh cắp tài sản trí tuệ của họ.
Với tư duy lý luận sắc bén, cùng kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tác giả Rana Foroohar hy vọng cuốn sách là một lời cảnh tỉnh không chỉ cho các nhà điều hành và nhà lập pháp mà còn dành cho bất kỳ ai tin tưởng vào một tương lai tương sáng hơn. Tác phẩm “Đừng trở nên xấu xa” từng được trao giải Porchlight cho hạng mục Sách kinh doanh và được vinh danh là một trong những cuốn sách hay nhất của năm, theo Evening Standard./.