Muốn thu hút đầu tư phải “chân thành, trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"
VOV.VN - Để thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm “chân thành, tin cậy, trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa các bên.
Chiều 16/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), dự tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng chứng kiến lễ trao hai văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có văn bản hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam với NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo NYSE đã thông tin về tình hình hoạt động của sàn, đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, trao đổi về những khả năng tăng cường hợp tác giữa hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm vui được tới thăm NYSE, sở giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường và bấm nút rung chuông kết thúc phiên giao dịch; trân trọng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, trọng thị của ban lãnh đạo NYSE.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin về tình hình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, cho biết Việt Nam đang tiến hành quyết liệt các biện pháp xử lý các sai phạm của một số ít các nhà đầu tư để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng đề nghị NYSE quan tâm hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả, bền vững ở Việt Nam, xây dựng thành công trung tâm tài chính quy mô khu vực; đồng thời hướng đến quan hệ đối tác bền vững, đôi bên cùng có lợi giữa NYSE và các đối tác Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng thẳng thắn trả lời hàng loạt câu hỏi từ các đại diện tập đoàn
Phát biểu mở đầu cuộc tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, những biến động của tình hình thế giới đang tác động đến kinh tế các nước, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam, nên cần cùng chung tay giải quyết các thách thức này. Thời gian qua, Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, các yếu tố như tỷ giá, lạm phát, lãi suất trong tầm kiểm soát. Việt Nam cần phát triển thị trường vốn, thị trường tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu theo hướng lành mạnh, bền vững.
Việt Nam cũng tập trung duy trì các cân đối lớn về thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu, năng lượng, an ninh lương thực, cung cầu lao động. Thủ tướng thông tin thêm về việc triển khai gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển với quy mô tương đương 4% GDP, tập trung vào 5 lĩnh vực: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng vừa nhằm hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, vừa tạo việc làm, vừa thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra những biến đổi mang tính chiến lược và không gian phát triển mới cho đất nước.
Lãnh đạo Amphenol Corporation, doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử cung cấp cho Boeing, Apple, Tesla… cho biết đang muốn chuyển sang sản xuất tại Việt Nam, đề nghị Thủ tướng thông tin thêm về các biện pháp của Chính phủ để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ông cho biết thêm đã từng đi du lịch Việt Nam từ năm 20 tuổi, rất yêu thích đất nước và ẩm thực Việt Nam.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 dựa trên 3 trụ cột chính là xóa bỏ quan liêu, bao cấp; thực hiện đa sở hữu; và hội nhập.
Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD). Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vào tương lai ngày càng phát triển của đất nước.
Hiện, Việt Nam đang tập trung xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam xác định lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, phát huy tối đa trí tuệ, năng lực, phẩm chất con người Việt Nam.
Về mục tiêu phát triển, đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, Việt Nam phát huy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, toàn diện và kêu gọi hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Việt Nam cũng đang tập trung vào 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; xây dựng hệ thống hạ tầng; và phát triển nguồn nhân lực.
Thủ tướng cũng đánh giá, kể từ khi bình thường hóa vào năm 1995, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực và được nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013.
Để thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “chân thành, tin cậy, trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa các bên.
Việt Nam đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và các cam kết quốc tế, trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có tất cả các nền kinh tế lớn nhất, phát triển nhất trên thế giới.
Thứ hai, Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng chiến lược như hạ tầng chuyển đổi số (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số), hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế… để thu hút các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Thứ ba, Việt Nam xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả, trong đó, chuyển đối số sẽ giúp giảm giao dịch trực tiếp, chống tiêu cực, phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Một nhiệm vụ quan trọng khác là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, để người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam cũng đã kiểm soát dịch bệnh thành công, nhờ đó mà người dân trong nước và cả người nước ngoài được bảo đảm an toàn trước dịch bệnh, người nước ngoài được đối xử như người Việt Nam, trong đó các chuyên gia nước ngoài được ưu tiên. Việc kiểm soát dịch bệnh thành công cho thấy Việt Nam cũng có hạ tầng y tế tương đối bảo đảm và nhờ đó, chẳng hạn, người Mỹ có thể điều trị bệnh ngay tại Việt Nam mà không phải trở về nước.
Một lợi thế khác của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài là người lao động chịu khó, tuân thủ kỷ luật lao động và luật pháp.
Đại diện Herbalife đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 5-6 thị trường tăng trưởng nhanh nhất và là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của công ty, với triển vọng rất tích cực. Vị này đánh giá cao việc Chính phủ, các cơ quan chức năng lấy ý kiến, lắng nghe các góp ý khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Vị này đặt câu hỏi là doanh nghiệp có thể làm gì để hỗ trợ Chính phủ?
Thủ tướng cảm ơn doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam và đóng góp ý kiến để góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế. Chính phủ coi trọng việc lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài, chẳng hạn như trong quá trình xây dựng dự thảo quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng đã lấy ý kiến các doanh nghiệp nước ngoài về chuyển đổi năng lượng.
Việt Nam có quy hoạch phát triển với nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trên tinh thần các ngành, nghề, lĩnh vực cần bổ sung cho nhau và phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Trong lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam muốn xây dựng ngành công nghiệp chế tạo phát triển bền vững, trong đó định hướng phải làm chủ được các ngành luyện kim, cơ khí, đây là những ngành nền tảng; các ngành chế biến chế tạo vừa sản xuất hàng hóa tiêu dùng, vừa phục vụ các ngành khác; phát triển các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp y tế…
Về câu hỏi của doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình phát triển, ngoài nguồn lực nhà nước, cần huy động nguồn lực của khu vực tư nhân và khu vực doanh nghiệp nước ngoài bằng việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác công tư. Việc phát triển công nghiệp phải dựa trên chuyển đổi công nghệ, bảo đảm phát triển theo chiều sâu, bảo vệ môi trường, xanh và bền vững.
Đại diện ngân hàng Duetsche Bank cho biết vừa qua đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết. Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp để có thể niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán nước ngoài, trong đó có thị trường chứng khoán New York?
Thủ tướng cho biết Chính phủ có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững, tuân thủ luật pháp. Trong đó, môi trường pháp lý là rất quan trọng, cần sự hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để hoàn thiện. Trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn bám sát tình hình, thích ứng với môi trường bên trong và bên ngoài để doanh nghiệp yên tâm, đồng thời định hướng cho doanh nghiệp.
Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng phải cố gắng vươn lên, tạo dựng uy tín trong nước và ngoài nước, chủ động học tập, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ, trên tinh thần “chân thành, tin cậy, trách nhiệm”. Doanh nghiệp cần nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam như Vietcombank, FPT, Vinfast đã có mặt tại Hoa Kỳ và rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp ở đây.
“Thứ nhất, Nhà nước tạo cơ hội, môi trường, điều kiện để doanh nghiệp lớn mạnh; thứ hai, doanh nghiệp phải nỗ lực để tự lớn mạnh, đáp ứng quy luật cung cầu; và thứ ba là sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ”, Thủ tướng chốt lại.
Đại diện Goldman Such – tập đoàn quản lý quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới, cho biết muốn tìm hiểu kỹ hơn về định hướng chính sách với giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như khả năng tiếp cận và sử dụng ngoại tệ.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải thiện hơn nữa điều kiện đầu tư vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng, minh bạch hóa các hoạt động ngân hàng, tăng cường quản trị theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của một nước đang phát triển như Việt Nam không thể giống như Nhật, Mỹ hay Hàn Quốc. “Chúng tôi có những hạn chế về hạ tầng, cơ chế, chính sách, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên tiếp cận thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Điều này có lợi cho cả nhà đầu tư và cho Việt Nam. Tôi hay so sánh là một người lẽ ra gánh được 20kg thì cố gắng nhiều cũng chỉ gánh được tới 25kg chứ không thể gánh tới 50kg được. Người còn yếu thì phải vậy thôi, phải đi từng bước thận trọng, mong các nhà đầu tư chia sẻ”, Thủ tướng thẳng thắn. Việt Nam cũng có cách tiếp cận tương tự với việc tiếp cận và sử dụng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông cho biết thêm, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, xác định nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, thường xuyên và đột phá. Việt Nam luôn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành mới nổi, như thị trường chứng khoán, chuyển đổi năng lượng, số, y tế, dược phẩm…
Thủ tướng một lần nữa khẳng định Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và các cam kết tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. “Chúng tôi muốn tạo niềm tin và hiệu quả, cơ hội chắc chắn trong kinh doanh, không gây phiền hà, lo lắng cho các nhà đầu tư”, Thủ tướng nói.
Là người cuối cùng kịp phát biểu ý kiến, CEO của Vinfast, doanh nghiệp vừa đầu tư tại Hoa Kỳ, cho biết tham vọng của doanh nghiệp này là trở thành nhà đầu tư ô tô điện công nghệ cao hàng đầu để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ thành công. Vị CEO hỏi Thủ tướng có lời khuyên gì với doanh nghiệp này?
Thủ tướng cho rằng, điều rất quan trọng là phải tôn trọng luật pháp và văn hóa, nhất là văn hóa kinh doanh của Hoa Kỳ. Doanh nghiệp phải bám sát thị trường, phát huy những kinh nghiệm đã có được từ thị trường trong nước. Đồng thời, tích cực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đóng góp vào chuyển đổi số của đất nước; Thủ tướng cho rằng việc đầu tư vào xe điện là đúng xu thế nhưng cần mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Luôn khiêm tốn học hỏi từ các doanh nghiệp, đồng nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ./.