ĐBQH tán thành bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn với người nghiện ma tuý
VOV.VN - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xác định đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nên thực hiện theo Luật Phòng, chống ma tuý.
So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định.
Trong phiên thảo luận sáng 22/10, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, đa số ý kiến đại biểu đề nghị không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mà thực hiện cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Một số ý kiến tán thành áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng không quy định trong Luật này mà quy định trong Luật Phòng, chống ma túy. Một số ý kiến tán thành bỏ quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn Tiền Giang) tán thành giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn với người nghiện ma tuý.
“Đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý từ 14-18 tuổi, có nơi cư trú ổn định và tự nguyện khai báo thật thà, có môi trường thuận lợi cho thực hiện biện pháp quản lý tại gia đình thì giao gia đình quản lý. Nhưng với vấn đề ma tuý giao gia đình quản lý rất khó, bởi bản thân gia đình cũng có thể chưa hiểu sâu sắc về nguy hại của việc sử dụng ma tuý như thế nào. Việc giúp đỡ người bắt đầu sử dụng trái phép chất ma tuý cần những cán bộ chuyên môn”, đại biểu Mai nêu ý kiến.
Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy được quy định theo hướng cơ bản kế thừa các quy định của Luật hiện hành, đã được thực hiện ổn định từ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đến nay, đồng thời chỉnh lý để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng, tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội về Dự án Luật Phòng, chống ma tuý sửa đổi, theo đó các đại biểu có điều kiện so sánh 2 Dự án luật. Để hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Hoa cho rằng, đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được quy định ngay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
“Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tư cách là chế tài hành chính. Tôi đề nghị, đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên thì áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Với nội dung bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện ma tuý đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý và quy định thời hạn tạm giữ trong trường hợp này là không quá 5 ngày kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Nơi tạm giữ là khu lưu giữ tạm thời tại cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính. Tôi đề nghị cân nhắc quy định này, bởi Dự án Luật Phòng, chống ma tuý sửa đổi đã bổ sung một chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, trong đó có định nghĩa người bị coi là người sử dụng trái phép chất ma tuý và chưa xác định tình trạng nghiện. Do đó, điểm mấu chốt là họ chưa được coi là người nghiện. Thứ 2, tạm giữ người theo thủ tục hành chính là biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại của công dân và có thể làm ảnh hưởng đến quyền cơ bản khác, do đó phải được quy định chặt chẽ và cân nhắc thật chặt”, đại biểu Hoa góp ý.
Các đại biểu cũng cho rằng, để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi cần xác định rõ đối tượng bị tạm giữ, cụ thể là “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy”. Tranh luận lại về nội dung này, đại biểu Đặng Thuần Phong, đoàn Bến Tre đề nghị: “Biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc đã được điều chỉnh cả trong Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Xác định đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải theo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Chúng ta đã trải qua quá trình rất dài để thay đổi biện pháp hành chính, từ kỹ thuật hành chính của UBND sang thẩm quyền cho Tòa án để đưa người đi cai nghiện bắt buộc, trong đó, xác định rõ tình trạng nghiện để đưa đi cai nghiện. Nếu chúng ta trở lại hành chính thông thường thì đã đi ngược lại xu thế tiến bộ hiện nay”.
Phát biểu sau khi nghe các ý kiến và tranh luận của các đại biểu, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Luật Phòng, chống ma túy quy định tổng thể về cai nghiện ma túy, trong đó có hình thức cai nghiện bắt buộc tập trung. Đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính, được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; chỉnh lý quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp này (khoản 1 Điều 96) để tránh phát sinh mâu thuẫn do dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua sau dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính nên chỉ quy định trong Luật Phòng, chống ma túy mà không quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quy định như vậy để góp phần bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, phù hợp với Luật Trẻ em và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.