Quân y giữa trùng khơi: Những người hồi sinh cho ngư dân nơi biển, đảo

VOV.VN - Sự có mặt của những bác sĩ quân đội giữa biển khơi không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ chắc tay súng, mà còn góp phần tạo nên sự an tâm cho bà con trên đảo và ngư dân trên các ngư trường truyền thống.

Điểm tựa ngoài khơi xa

Chiều 24/2/2022, Bệnh xá đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận và cấp cứu ngư dân Bùi Tấn Thanh, 52 tuổi, là lao động trên tàu cá QNg 96787 TS, quê xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Anh Thanh bị giảm áp sau gần 30 phút lặn ở độ sâu khoảng 45 mét dưới biển khi khai thác hải sản. Ngư dân Thanh được đưa vào đảo Song Tử Tây trong tình trạng bại yếu 2 chân, bí tiểu, tê bì, đau mỏi toàn thân, giảm cảm giác từ ngực xuống.

Kíp quân y bệnh xá đảo Song Tử Tây đã nhanh chóng tổ chức cấp cứu bệnh nhân, đặt thông tiểu, truyền dịch, chống kết tập tiểu cầu, dùng thuốc bổ não và điều trị tái tăng áp. Sau thời gian điều trị giảm áp, các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện rất rõ. Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Hiện, vẫn tiếp tục lưu trú tại khu cách li riêng của đảo để theo dõi và điều trị.

Trước đó, ngày 23/2/2022, Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hùng, sinh năm 1973, quê xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là ngư dân trên tàu cá QNg 96435 TS trong tình trạng sốt, đau tức ngực, khó thở, toàn thân mệt mỏi, huyết áp cao, nồng độ ô xy trong máu thấp. Quân y của đảo đã thăm khám và hội chẩn với Bệnh viện Quân y 175, chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp do viêm phổi diện rộng, biến chứng tràn khí màng phổi trái ngày thứ 7. Ngay sau đó, các y bác sỹ đã hồi sức cấp cứu tích cực, bổ sung điện giải, kháng sinh, truyền dịch và cho bệnh nhân thở ô xy giúp bệnh nhân dần hồi phục và tạm thời ổn định. Để đảm bảo tính mạng ngư dân, 9h15 phút, ngày 24/2, trực thăng mang số hiệu VN-8616 cùng đoàn công tác đã đến đảo Trường Sa để chuyển bệnh nhân Nguyễn Hùng về Bệnh viện 175 tiếp tục điều trị.

Còn chị Cà Thị Lượng, quê ở Sơn La, hiện đang sống và làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP. Hải Phòng không khỏi xúc động khi kể về cuộc phẫu thuật đau dạ dày cấp, được Quân y đảo Bạch Long Vĩ nhanh chóng mổ cấp cứu trong điều kiện trang bị vật chất ở đảo còn vô cùng thiếu thốn nhưng ca mổ đã thành công ngoài mong đợi bởi chị bị viêm dạ dày-tá tràng mạn.

“Khi khám và siêu âm được chẩn đoán là đau ruột thừa cấp và phải mổ cấp cứu, tôi rất lo lắng vì ở đảo xa, mọi thứ đều thiếu thốn không được như trong đất liền, nhưng được các bác sĩ động viên, kịp thời cứu chữa, ca mổ thành công nên em rất vui, yên tâm điều trị, yên tâm làm việc trên đảo”, chị Lượng chia sẻ.

Theo các y, bác sĩ đã và đang thực hiện nhiệm vụ ở các đảo, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho quân dân trên đảo thì thời gian qua Bệnh xá, Trung tâm y tế ở các đảo tiếp nhận 2 loại bệnh rất thường gặp và khá nguy hiểm ở ngư dân đánh bắt cá xa bờ, đó là viêm ruột thừa cấp và giảm áp do lặn biển sâu. Điều kiện nơi đảo xa đã khó khăn hơn trong đất liền, khối lượng công việc ở trên đảo cũng nhiều và đa dạng hơn vì các y bác sỹ phải xử lý tất cả các loại bệnh từ đơn giản đến phức tạp. Bên cạnh đó, lực lượng y bác sĩ mỏng nên bản thân mỗi cán bộ quân y ở các đảo trên quần đảo Trường Sa hay các đảo gần bờ đều phải tự trau dồi kiến thức thông qua việc học thêm nhiều qua sách, tài liệu mới đáp ứng được yêu cầu công việc nơi biển đảo.

Với Đại úy Phạm Mạnh Thắng, bác sĩ ngoại khoa Bệnh viện Quân y 4, Quân khu 4 dẫu không thể nhớ hết những lần cấp cứu, khám chữa bệnh cho ngư dân trong thời gian anh công tác ở các đảo Nam Yết, đảo Tiên Nữ (Quần đảo Trường Sa) nhưng anh luôn nhớ rất rõ niềm vui khi ngư dân được anh cứu chữa khỏe mạnh, quay trở lại đảo bắt tay và ôm anh thật chặt thay cho lời cảm ơn vì đã kịp thời cứu sống họ vượt qua lưỡi hái tử thần. Trong quá trình công tác ở biển, đảo, anh đã cùng các bác sĩ quân y khác trong cụm đảo xử trí nhiều ca bệnh nặng của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân, giảm tử vong và chuyển về tuyến sau an toàn.

Vợ chồng anh Nguyễn Tấn Thi và chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, quê ở Cam Lâm, Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa ra đảo Trường Sa lập nghiệp đã có một dấu ấn không quên khi sinh con gái thứ 3 bằng phương pháp đẻ mổ đầu tiên ở Trường Sa qua cầu truyền hình. Anh Thi, chị Thúy cho biết, từ lúc mang thai, cũng rất lo lắng vì điều kiện ở đảo xa nhưng chị Thúy đã được bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc thăm khám chu đáo và tư vấn rất kỹ nên vợ chồng anh chị đã mong muốn đứa con của mình được sinh ra trên đảo bởi anh chị rất tin tưởng vào bàn tay, tình yêu thương của các y bác sĩ bệnh xá đảo Trường Sa.

Bé gái Nguyễn Ngọc Trường Xuân ra đời với cái tên đầy kỷ niệm. Ngọc là tên của bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc - người đã khám bệnh cho hai mẹ con suốt thời gian mang thai, Trường là Trường Sa, còn Xuân là tên đệm của bác sĩ Hồ Xuân Lãng - người cùng bác sĩ Ngọc trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật để bé ra đời. Anh Thi, chị Thúy đặt tên con như vậy để mong sau này cháu lớn lên bé không bao giờ quên những người giúp cháu chào đời, không quên nơi mình sinh ra.

Nhớ lại thời khắc chào đời của bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, Bệnh viện 175, nguyên bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa lúc đó kể, quá trình theo dõi thai cho sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy, ban đầu rất bình thường nhưng đến tháng thứ 8, qua siêu âm, thăm khám, chúng tôi xác định đây là ca khó, không thể sinh thường. Chị Thúy bị u xơ tử cung, khối u có đường kính hơn 10 cm. Gần đến ngày sinh, diễn biến của thai phụ càng thêm phức tạp. Ngôi thai nằm ngang, bị thiểu ối và dây nhau quấn cổ thai nhi. Sau khi báo cáo về đất liền với lãnh đạo, Bệnh viện Quân y 175 quyết định dùng phương pháp mổ đẻ chỉ đạo trực tiếp qua cầu truyền hình để bảo đảm an toàn cho mẹ và con.

Ngày 4/4/2011, bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân chào đời trên đảo Trường Sa. Tiếng khóc đầu đời của bé nơi nghìn trùng sóng vỗ trong niềm hạnh phúc không chỉ của gia đình bé mà còn là niềm vui khôn xiết của tất cả lực lượng y tế có mặt trên đảo và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, y, bác sỹ có mặt tại bệnh viện 175 tham gia hỗ trợ qua hệ thống Telemedicine. Còn với bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, đó là một dấu ấn không thể quên trong cuộc đời.

“Ca mổ đẻ “mẹ tròn con vuông” đã giúp tôi rút đi áp lực “ngàn cân” khi quyết định vận động sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy ở lại sinh con trên đảo… Chúng tôi thật sự lo lắng không phải giữa thầy thuốc và bệnh nhân mà là vì điều kiện trang bị ở đảo còn thiếu thốn…và có thể nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con…Ca mổ thành công. Tôi thật sự bất ngờ khi bố em bé lấy tên tôi đặt trong tên em bé, tôi thấy đó là một niềm vui không tả, nguồn động viên lớn để tôi phấn đấu hơn, nỗ lực hơn. Tôi thấy yêu nghề hơn và thấy mình có trách nhiệm hơn đối với biển, đảo Tổ quốc”, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc bày tỏ.

Độc lập, quyết đoán, vững vàng nơi đầu sóng.

Do đặc thù nơi biển đảo nên hầu hết các y, bác sĩ phải độc lập tác chiến. Trước đây,  khi cơ sở vật chất thiếu thốn, trong nhiều trường hợp cần thiết các bác sĩ ở đảo sẽ nhờ tư vấn từ đất liền qua điện thoại hoặc ghi điện phim, chụp ảnh lại rồi gửi email để các bác sĩ ở các bệnh viện trong đất liền như Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện TW Quân đội 108, 103… xem và chẩn đoán. Nhưng giờ đây, tại bệnh xá các đảo, nhiều thiết bị như máy chụp X quang, máy siêu âm, gây mê cho đến hệ thống truyền dữ liệu và hội chuẩn từ xa đã được trang bị, giúp các y, bác sĩ trên đảo được tham khảo chuyên môn, xử lý nhanh chóng các ca bệnh khó. Tuy nhiên, không phải ca bệnh nào cũng giống nhau, nhiều bệnh xá tiếp nhận bệnh nhân gặp nạn hay chỉ là đau ruột thừa nhưng lại có diễn biến “không theo quy luật”. Do vậy, chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp ở các đảo đặc biệt quan trọng. Vì thế, những bác sĩ quân y nơi đầu sóng ngọn gió vừa phải luôn tự học để nâng cao trình độ chuyên môn lại vừa phải độc lập, quyết đoán trong mọi tình huống.

Giữa mênh mông biển cả, việc mổ ca ruột thừa không hề đơn giản, một mình bác sĩ vừa chỉ đạo, điều khiển người gây mê, người truyền dịch, rồi tự mổ trong điều kiện gây mê không được tốt. Có những ca mổ diễn ra mấy tiếng đồng hồ, trong sự hồi hộp, nín thở của đồng đội. Khi ca mổ thành công, tất cả lại nín thở chờ sự phục hồi của bệnh nhân và ngày ngư dân được mổ có đủ sức khỏe quay lại làm việc trở thành ngày hội của kíp Quân y đảo.

Kể về ca mổ ruột thừa kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ - kỷ niệm có lẽ là nhớ nhất trong cuộc đời làm nhiệm vụ cứu người của bác sĩ Phan Quốc Khánh, lúc đó là bệnh xá trưởng đảo An Bang (Quần đảo Trường Sa). Là bác sĩ chuyên ngành chấn thương, chân ướt chân ráo ra đảo nhận công tác, anh Khánh đã gặp ngay ca khó – một ngư dân quê ở Quảng Ngãi được người thân đưa vào đảo trong tình trạng đau bụng dữ dội. Anh Khánh phải xác định nhanh xem bệnh nhân làm sao và trong thời gian rất ngắn anh khẳng định là viêm ruột thừa. Không còn cách nào khác, phải mổ ngay vì không kịp đưa vào đất liền hoặc qua Bệnh xá đảo Trường Sa vì tình trạng bệnh nhân đã bị cơn đau kéo dài cả tuần.

Bác sỹ Khánh nhớ lại, bệnh nhân có thể trạng béo, thành mỡ bụng dày nên khi mổ, kíp tìm mãi không thấy ruột thừa nên điện về đất liền hỏi. Tôi nghĩ có lẽ đã phải bỏ cuộc, bởi vì là tôi chưa mổ ruột thừa bao giờ. Tôi cảm thấy quá căng thẳng, không còn đường lùi nữa, tôi vẫn tiếp tục phải chiến đấu. Ca mổ kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ và đã thành công. Đó là kỷ niệm để đời của tôi. Chúng tôi ra đây, chúng tôi xác định vì nhiệm vụ, vì anh em bộ đội trên đảo, vì ngư dân khai thác ở quanh đảo cho nên là chúng tôi phải cố gắng hết mình.

Còn đối với một xã đảo nằm cách xa đất liền hàng trăm cây số như Thổ Châu ( tỉnh Kiên Giang), phương tiện đi lại vài ngày mới có một chuyến tàu, mất gần 7 giờ mới đến được đảo Phú Quốc, thì chỉ một phút chậm trễ trong công tác sơ cứu, khám, chữa bệnh là thêm phần nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Do vậy, theo Thiếu tá, bác sĩ Đinh Văn Sức, Chủ nhiệm Quân y, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y Trung đoàn 152, toàn đơn vị luôn trong tư thế sẵn sàng cấp cứu người bệnh 24/24 giờ.

Kể về lần cấp cứu ngư dân bị đứt khí quản do xô xát với bạn tàu. Thiếu tá Đinh Văn Sức vẫn hồi hộp bởi trước tình huống bệnh nhân “ngàn cân treo sợi tóc” song anh đã bình tĩnh xử lý, đưa ra những quyết định đúng đắn để cứu sống bệnh nhân khi mới chân ướt chân ráo ra đảo nhận nhiệm vụ được 2 tuần. Đó là năm 2013, khi ngư dân vào cấp cứu là bị chém đứt khí quản, đứt hết cả hai động mạch tuyến giáp, đứt cả trên phần cánh tay, máu nó chảy, phun ra, lượng máu rất nhiều. Ngày đấy là trang bị còn rất là thiếu, chỉ có cái bàn tiểu phẫu mấy cái máy hút dịch chứ cũng không có gì cả.

Điện còn thiếu. Mọi người đứng ở ngoài đều xác định là ca này khó qua khỏi. Tôi mạnh dạn vào tổ chức cấp cứu. Tôi dùng cái kìm kẹp được hai cái mạch máu, động mạch tuyến giáp, dùng máy hút dịch trong khí quản ra thì bệnh nhân thở được. Sau đó chúng tôi dùng thuốc cắt phản xạ, ho, nôn nấc, tái tạo được khí quản và đặt ống thở cho bệnh nhân. Khi cấp cứu thành công, bệnh nhân ổn định, ngày hôm sau  chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy, ở đó các bác sĩ phẫu thuật mất 6 tiếng đồng hồ để tái tạo lại phần cổ khí quản. Sau đó bệnh nhân khỏi bệnh và trở về tàu làm việc bình thường.

Có thể nói, nhiều năm trở lại đây, người dân trên các đảo rất yên tâm về tình hình khám chữa bệnh, tin tưởng vào lực lượng y, bác sỹ. Khi khai thác xa bờ, ngư dân chẳng may bị tai nạn lao động hoặc cần trợ giúp về y tế đều được các bác sĩ, y sĩ ở các đảo cấp cứu, khám, chữa bệnh miễn phí. Nhiều ngư phủ đã chết lâm sàng do sức ép của nước hoặc bị bệnh hiểm nguy nhưng được các y bác sĩ cấp cứu kịp thời. Họ đã được cứu sống trong niềm vui vỡ òa xúc động. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, các bác sỹ Quân y được bà con gọi thân thương là “những người hồi sinh cho ngư dân biển, đảo”.

Những việc làm của đội ngũ thầy thuốc Quân y đã để lại trong lòng nhân dân trên đảo xa nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” xứng đáng với danh hiệu cao quý “Lương y như từ mẫu”, góp phần cùng các lực lượng giúp người dân an tâm sinh sống trên đảo, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vùng 2 Hải quân cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển
Vùng 2 Hải quân cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển

VOV.VN - Ngày 8/11, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ ngư trường trên biển, tàu 268, Vùng 2 Hải quân nhận được tín hiệu thông tin cấp cứu từ tàu cá BV 92693TS cho biết tàu cá bị đâm chìm cách khu vực tàu 268 đang thực hiện nhiệm vụ khoảng 30 hải lý.     

Vùng 2 Hải quân cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển

Vùng 2 Hải quân cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển

VOV.VN - Ngày 8/11, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ ngư trường trên biển, tàu 268, Vùng 2 Hải quân nhận được tín hiệu thông tin cấp cứu từ tàu cá BV 92693TS cho biết tàu cá bị đâm chìm cách khu vực tàu 268 đang thực hiện nhiệm vụ khoảng 30 hải lý.     

Vùng 5 Hải quân kịp thời điều tàu cấp cứu ngư dân nguy kịch trên biển
Vùng 5 Hải quân kịp thời điều tàu cấp cứu ngư dân nguy kịch trên biển

VOV.VN - Chiều 9/5, một ngư dân khi đang đánh bắt trên biển bị viêm ruột thừa cấp đã được được cán bộ, chiến sĩ Tàu 264, Hải đội 512, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân đưa vào bờ điều trị kịp thời.

Vùng 5 Hải quân kịp thời điều tàu cấp cứu ngư dân nguy kịch trên biển

Vùng 5 Hải quân kịp thời điều tàu cấp cứu ngư dân nguy kịch trên biển

VOV.VN - Chiều 9/5, một ngư dân khi đang đánh bắt trên biển bị viêm ruột thừa cấp đã được được cán bộ, chiến sĩ Tàu 264, Hải đội 512, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân đưa vào bờ điều trị kịp thời.

Biên đội tàu Vùng 5 Hải quân: Tự hào “nhịp cầu nối” tình hữu nghị trên biển
Biên đội tàu Vùng 5 Hải quân: Tự hào “nhịp cầu nối” tình hữu nghị trên biển

VOV.VN - Các CBCS biên đội tàu vùng 5 Hải quân luôn nỗ lực phấn đấu, trau dồi bản lĩnh chính trị, mài sắc ý chí quyết tâm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn trong thực hiện là “nhịp cầu nối” của tình hữu nghị trên biển.

Biên đội tàu Vùng 5 Hải quân: Tự hào “nhịp cầu nối” tình hữu nghị trên biển

Biên đội tàu Vùng 5 Hải quân: Tự hào “nhịp cầu nối” tình hữu nghị trên biển

VOV.VN - Các CBCS biên đội tàu vùng 5 Hải quân luôn nỗ lực phấn đấu, trau dồi bản lĩnh chính trị, mài sắc ý chí quyết tâm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn trong thực hiện là “nhịp cầu nối” của tình hữu nghị trên biển.