Điểm tựa Viễn Đông hướng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương
VOV.VN - Phát biểu tại phiên họp, Tổng thống Putin khẳng định, Nga là một phần không thể tách rời của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ATP) và sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia tại khu vực.
Chiều 3/9, Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 6 diễn ra phiên toàn thể với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin và sự tham dự trực tuyến của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Zhomart Tokayev, Tổng thống Mông Cổ Ukhnagiin Khurelsukh. Tại phiên họp, ông Putin nêu một số ưu tiên trong hợp tác và phát triển khu vực Viễn Đông của Nga.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng thống Putin khẳng định, Nga là một phần không thể tách rời của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ATP) và sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia tại khu vực.
“Nga sẵn sàng hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. ATP - khu vực chiếm 1/3 GDP thế giới, là đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm. Tốc độ phát triển của các nước trong khu vực luôn cao hơn mức trung bình của thế giới. Nga là một phần không thể thiếu của ATP và chúng tôi sẽ hình thành các trung tâm thu hút vốn và nền kinh tế mới mạnh mẽ ở các vùng Viễn Đông" – Tổng thống Putin khẳng định.
Về việc phát triển vùng Viễn Đông, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định việc phát triển vùng Viễn Đông là ưu tiên lâu dài và tuyệt đối của nước này. Đây là trách nhiệm và công việc chung của chính phủ, các khu vực, các cấp chính quyền, các công ty nhà nước và tư nhân.
Tại phiên họp, Tổng thống Nga Putin nêu ra một số định hướng ưu tiên để phát triển kinh tế xã hội của khu vực này. Ông Putin cho biết, Nga sẽ mở rộng vận tải hàng hoá dọc theo tuyến đường hàng hải phương Bắc, đến năm 2024 khối lượng vận chuyển hàng hóa của tuyến này cần đạt 80 triệu tấn/năm và từ năm 2022 sẽ mở các chuyến chở container thường xuyên đầu tiên từ Vladivostosk đến St. Petersburg theo tuyến đường hàng hải phương Bắc.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin khẳng định sự quan tâm đến phát triển Viễn Đông cho thấy đời sống kinh tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 đồng thời chiến lược phát triển Viễn Đông là hình thức kinh tế mới, mở ra cơ hội lớn để hợp tác.
Ông Putin cho rằng cần đưa ra các giải pháp hiện đại để phát triển Viễn Đông, tạo điều kiện kinh doanh cạnh tranh tốt nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Về vấn đề môi trường, ông Putin đề nghị chính phủ liên bang cùng với các cơ quan địa phương hỗ trợ tối đa các dự án năng lượng sạch ở Viễn Đông, đồng thời chỉ đạo phân tích khả năng lập trung tâm sản xuất nhiên liệu xanh với sự tham gia của các đối tác nước ngoài.
Về giáo dục, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh sự cần thiết trong việc giáo dục đại học miễn phí ở vùng Viễn Đông để thu hút sinh viên học tập nghiên cứu tại đây, theo đó trong những năm tới Nga sẽ tiếp tục tăng số lượng các trường đại học ở Viễn Đông được tài trợ ngân sách nhà nước. Trong phiên họp toàn thể năm nay, Tổng thống Kazakhstan và Tổng thống Mông Cổ tham dự theo hình thức trực tuyến. TChủ tịch nước của Trung Quốc, các Thủ tướng Ấn Độ và Thái Lan gửi lời chào mừng qua video đến những người tham gia diễn đàn./.