Tết của những đứa trẻ mồ côi vì Covid-19
VOV.VN - Ngày Tết - khoảnh khắc cả gia đình sum vầy - năm nay lại rất khác với gần 2.300 đứa trẻ ở TP.HCM trở thành trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19 đã cướp đi cha mẹ, người thân của mình.
Tết là khoảnh khắc để nhà nhà sum vầy, trẻ thơ được mua áo mới, được sắm đồ Tết. Thế nhưng Tết năm nay với gần 2.300 trẻ em ở TP.HCM thì lại là một cái Tết rất khác, cái Tết đầu tiên các em trở thành trẻ mồ côi, có em mất cha, có em mất mẹ, có em mất đi ông, bà, anh chị - người đang trực tiếp nuôi dưỡng và có em không còn cả hai đấng sinh thành.
Chiều 27 tháng Chạp, tại một phòng trọ nằm sâu trong con hẻm 2009 đường Phạm Thế Hiển (Quận 8), 3 anh chị em Phạm Trần Anh Thư, Phạm Trần Anh Quốc và Phạm Trần Anh Thùy đang lúi húi cùng nhau thay mới chiếc bàn thờ để đặt di ảnh của ba mẹ. Lúc này, nhiều gia đình đã có bánh chưng, bánh tét, có nồi thịt kho trên bếp, có chậu cúc, chậu mai để trưng Tết.
Còn trong căn phòng trọ 15m2 của 3 anh em chẳng có lấy một thứ gì báo hiệu Tết đã về ngoài 2 giỏ bánh kẹo, trái cây mà các các đoàn thể đã trao tặng và giờ là thêm chiếc bàn thờ mới này. Anh Thư (24 tuổi) - chị cả trong gia đình cho biết đã mua 2 bộ đồ mới cho 2 đứa em, còn mình thì đồ Tết mua từ năm ngoái vẫn chưa mặc nên chẳng cần sắm thêm.
“Tết cũng không sắm sửa gì nhiều. Mọi năm tầm này ba mẹ em sẽ bắt đầu dọn nhà nên hôm nay tụi em cũng dọn nhà. Tối nay 8h, ăn cơm rửa chén xong thì tụi em sẽ đi đọc kinh, cầu nguyện cho ba mẹ”, Anh Thư nói.
Cô em út Anh Thùy hiện đang học lớp 6 cũng rất hiểu chuyện, chẳng đòi hỏi gì bởi em biết thu nhập từ công việc bán bánh tráng trộn của chị Anh Thư và đi làm thuê của anh Anh Quốc chỉ đủ để trang trải tiền thuê trọ, điện nước và mua thức ăn hằng ngày. Tết này 3 anh em Thùy không sắm Tết mà dự định mùng 1 sẽ sang nhà ngoại đón Tết rồi mùng 2 chở nhau về Tiền Giang ăn Tết cùng bà nội để bà bớt đau buồn trước sự ra đi đột ngột của ba mẹ.
“Hồi đó có ba mẹ, ba mẹ nấu cơm, đồ ăn cho. Giờ không còn ba mẹ thì tụi em phải tự nấu. Tết này không có ba mẹ thì cũng cảm thấy thiếu, thường là 5 người ngồi ăn cơm với nhau nhưng giờ chỉ còn có 3 người thôi nên cũng buồn”, Anh Thùy chia sẻ.
Cách nhà trọ của Thùy hơn 4km, cũng trong một con hẻm khác trên đường Phạm Thế Hiển, 2 anh em Tào Nhúc Vận (25 tuổi) và Tào Quảng Doanh (14 tuổi) vẫn lầm lũi bên chiếc xe bán bánh cuốn vào chiều 28 Tết.
Mẹ mất từ 5 năm trước và tháng 8 vừa rồi thì Covid-19 đã cướp đi người cha thân yêu của 2 anh em. Ba mất, Tào Nhúc Vận quyết định nghỉ chạy xe ôm công nghệ để về gần nhà mở xe bánh cuốn, có nhiều thời gian ở nhà chăm sóc em. Hằng ngày, sau giờ học của Doanh, hai anh em đẩy xe đi bán từ 5h chiều đến 1h sáng.
Ngày cuối cùng của năm cũ, 2 anh em dự định về sớm hơn để bày biện bàn thờ, thắp nhang cho ba mẹ. Căn nhà sàn 15m2 nằm bên bờ sông của 2 anh em đã có thêm chút sắc màu Tết nhờ 2 chậu hoa mào gà và những phần quà mà các đoàn thể đã trao tặng.
“Em bán được lai rai nên cũng đỡ. Em lo cho em út nhiều hơn. Em mong ước là sửa lại được căn nhà rồi tụi em cũng vái xin ba mẹ phù hộ cho tụi em có sức khỏe để làm ăn. Em sẽ ráng cố gắng hết sức lo cho em trai học tới khi nào em ấy không muốn học nữa thì thôi”, Tào Nhúc Vận chia sẻ.
Còn Tào Quảng Doanh tâm sự, Tết vắng cha thì buồn hơn nhiều. Nhưng với sự quan tâm của mọi người và anh em tự động viên nhau, phải cố gượng dậy để sống vui, sống tốt cho ba mẹ yên lòng.
“Lúc trước ba còn sống thì không nghĩ gì nhiều, còn giờ ba mất rồi thì anh em phải đoàn kết, yêu thương nhau hơn. Quận với phường cũng quan tâm, cho em nhiều quà, các nhà hảo tâm cũng cho em tiền học, em cũng đang cố gắng học để không phụ lòng mọi người”, Doanh nói.
Đó tiếng gọi mẹ và thủ thỉ tâm tình của cô bé 3 tuổi Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc. Thực ra, người mà bé đang gọi “mẹ” ấy là mợ của bé. Mẹ ruột của Bảo Ngọc đã mất vào tháng 8/2021, trước đó 1 tuần thì cha em cũng qua đời, đều vì Covid-19.
Covid-19 đã khiến Bảo Ngọc cùng 3 anh chị cùng mẹ khác cha khác bỗng chốc trở thành những đứa trẻ mồ côi. Thương các cháu bơ vơ, không nơi nương tựa nên cậu mợ, tức anh chị ruột của mẹ các bé đã đóng cửa nhà ở Bình Chánh để về Quận 4 này chăm sóc cho các cháu.
Dù năm nay đều đã ngoài 50 tuổi, con gái lớn đã học năm 2 đại học nhưng vợ chồng chị Phúc - anh Lành lại phải trở về công việc chăm đàn cháu thơ, đứa lớn nhất đang học lớp 9, còn đứa nhỏ nhất chỉ mới 3 tuổi. Dẫu vất vả nhưng cậu mợ đều thương và coi các cháu như con ruột của mình. Mợ Phúc thì ở nhà lo cơm nước, chợ búa mỗi ngày, còn cậu Lành thì chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập.
Bên cạnh đó, cả đại gia đình với các cô cậu, chú dì khác cũng chung tay mỗi người một ít góp vào để chăm lo cho 4 đứa cháu thiệt thòi. Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc - mợ của các bé chia sẻ, dịch bệnh đã cướp đi tổng cộng 5 người trong đại gia đình nên giờ đây chị và những người còn lại đều tâm niệm phải sống thật tốt, bù đắp cho nhau nhiều hơn, nhất là cho những đứa trẻ trong nhà.
“Thực sự là cũng khó khăn nhưng nếu bây giờ trẻ nhỏ tụi nó chia ra mỗi đứa một nhà thì tội tụi nó quá. Các cháu đã mất mát quá lớn mà giờ lại phải tan đàn xẻ nghé nữa. Cho nên cuối cùng thì mình nghĩ thôi mình hy sinh một chút gì đó, cậu mợ không có gì cả nhưng 4 đứa tụi nó lại được ở chung 1 mái nhà. Các con sẽ có một nơi chốn để mỗi buổi chiều tan học về quây quần ăn cơm với nhau”, chị Phúc bày tỏ.
Nhận được yêu thương và nối tiếp tâm nguyện của người mẹ đã lao mình vào tâm dịch để làm từ thiện trước đây, 4 anh em- Hải Bằng, Đình Chương, Bảo Trân và Bảo Ngọc đã nói cậu mợ đem gạo, bánh kẹo, quà Tết mà các nhà hảo tâm trao tặng chia sớt cho những người nghèo khó khác.
“Tết năm ngoái, gia đình còn đầy đủ lắm, còn cười vui đi du lịch với nhau. Năm nay thì đã mất đi 5 người. Tết này về vật chất thì cũng chẳng còn quan trọng mấy, con chỉ mong cho năm mới được an lành, đừng có ai trong gia đình mất nữa thôi. Con cũng cảm ơn cậu mợ đã đến đây chăm sóc, chăm lo cho tụi con”, Phạm Hải Bằng nói.
Câu chuyện của các anh chị em Anh Thùy, Quảng Doanh hay Bảo Ngọc chỉ là 3 trong số những câu chuyện cảm động của hơn 2.300 trẻ mồ côi do Covid-19 tại TP.HCM trong năm vừa qua. Dẫu chẳng gì có thể bù đắp được nỗi đau, sự mất mát của các em, nhưng sự quan tâm, chăm sóc của người thân và cộng đồng, để các em vẫn được sống cùng nhau, được đến trường cũng mang đến phần nào sự ấm áp, yêu thương.
Hơn 3 tháng nay, đặc biệt là 1 tuần trước Tết, Mặt trận Tổ quốc các cấp, Sở LĐTB-XH TP.HCM, Thành đoàn, hội đồng đội TP, các đoàn thể địa phương cùng hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tổ chức rất nhiều chương trình để chăm lo, bảo trợ học tập, tặng quà Tết cho các em, thậm chí đến tận nhà giúp các em dọn dẹp, sắm sửa Tết. Mong rằng trong năm mới, những sự chung tay ấy tiếp tục được nối dài để xoa dịu nỗi đau cho các em. Hơn cả là mong rằng dịch bệnh sẽ sớm lùi xa, để không có thêm một đứa trẻ nào phải mồ côi vì Covid-19./.