Quản trị, phân tích dữ liệu tàu cá nhằm giảm thiểu rủi ro khai thác thủy sản IUU
VOV.VN - Theo đại diện Trung tâm thông tin thủy sản, tính tới thời điểm giữa năm 2022, hệ thống theo dõi giám sát hành trình tàu cá toàn quốc đã cơ bản hoàn thành
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản và Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) ngày 17/6/2022 đồng chủ trì Hội thảo tham vấn các bên, rà soát tổng kết sáng kiến hợp tác trong phát triển hệ thống phân tích dữ liệu tàu cá góp phần giảm thiểu rủi ro khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hội thảo diễn ra tại Hà Nội, có sự tham gia của hơn 50 đại biểu từ các đơn vị thuộc Tổng cục, đại diện chi cục một số tỉnh ven biển, cảng cá, chủ tàu, ngư dân và các tổ chức.
Hội thảo tập trung thảo luận hai khâu trọng yếu trong phòng chống khai thác IUU là năng lực quản trị hệ thống giám sát hành trình tàu cá – VMS và hệ thống truy xuất thủy sản điện tử quốc gia (eCDT). Sự tham gia của các tổ chức ngoài khu vực Nhà nước như MCD vào quá trình triển khai thí điểm tại thực tế cùng các địa phương đã góp phần đưa ra nhiều bài học quý giá cho tiến trình hoàn thiện chính sách liên quan.
Theo đại diện Trung tâm thông tin thủy sản, tính tới thời điểm giữa năm 2022, hệ thống theo dõi giám sát hành trình tàu cá toàn quốc đã cơ bản hoàn thành với việc phân quyền quản lý dữ liệu giữa quản lý cấp trung ương và địa phương áp dụng cho hai loại tàu khai thác có chiều dài trên 24 m và trên 15 m.
Sáng kiến do MCD thúc đẩy cùng hỗ trợ kĩ thuật từ tổ chức Global Fishing Watch- GFW đã tạo các cơ hội trao đổi những mô hình thực hành tốt từ quốc tế và khu vực về phân tích dữ liệu từ VMS, đặc biệt là xây dựng các tiêu chí nhận diện rủi ro phục vụ phòng chống IUU. Qua quá trình làm việc, chuyên gia GFW đã chỉ ra những điểm hệ thống thông tin VMS có thể phân tích để giúp các quyết định quản lý như các yếu tố bất thường trong vận tốc tàu, việc ngắt tín hiệu hay phát tín hiệu không đúng theo quy định của các tàu cá.
Bà Nguyễn Thu Huệ, giám đốc MCD cho biết: “Các hoạt động triển khai trong 2 năm qua bao gồm tập huấn cán bộ ngành thủy sản các cấp khu vực miền Trung và miền Tây được tổ chức ở Bình Định, Kiên Giang về cách thức vận hành hệ thống VMS, thí điểm thực hành nhật ký khai thác điện tử E-log Book tại Bình Định, hướng dẫn ngư dân tại Nha Trang, cung cấp hướng dẫn kĩ thuật về VMS và thảo luận về truy xuất nguồn gốc điện tử - eCDT đồng thời tổ chức các phiên đối các bên nhằm hỗ trợ rà soát việc thực thi và cải thiện các quy định/chính sách liên quan”.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nói: “Chúng tôi đánh giá cao sự chung tay của các tổ chức như MCD/GFW. Các bài học từ sáng kiến đã đóng góp những kinh nghiệm thực tế cho quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT, trong đó liên quan tới tiêu chí đánh giá rủi IUU bao gồm các khâu như rủi ro về chủ tàu, thuyền trưởng, rủi ro tàu cá, khai thác hải sản, hành trình tàu cá, công nghệ giám sát và quản lý thông tin trên bờ”.
Sáng kiến hợp tác cần được tiếp tục phát triển ở tầm cao mới để hỗ trợ các địa phương và cơ quan quản lý ngành trong thực hiện những nhiệm vụ cấp bách như tinh thần Thông báo 245/TB-VPCP ngày 14/9/2021 kết luận của Thủ tướng, trong đó có đề cập về Khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát hành trình tàu cá; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý dữ liệu tàu cá qua VMS để xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác IUU; Tiếp tục tăng cường tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá, phòng, chống khai thác IUU giữa Việt Nam và các nước, tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đối với các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia để ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ khai thác IUU./.