Chiếc Nóp Nam Bộ
VOV.VN -Ở Đồng Tháp Mười, trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến chính những nghĩa quân chống Pháp là tác giả của những chiếc Nóp.
Mở cuốn nhật ký ghi năm 1969, tôi dừng lại ở ngày 19/8 buổi chiều. Anh chị em văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN) tập trung lại để nghe Phó Tổng biên tập Huỳnh Văn Tiểng nói chuyện về ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9. Mở đầu cuộc nói chuyện, các bạn người Nam Bộ: Lưu Cầu, Hoàng Mãnh, Triều Dâng, Phan Nhân, Xuân Mai (vợ ông Tiểng) cùng lên hát bài “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn.
“Mùa Thu rồi ngày hăm ba
Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến
Rền khắp trời lời hoan hô
dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền…
Nóp với giáo mang ngang vai
nhưng thân trai nào kém oai hùng …”
Mặc dù là người trong cuộc (một trong những người lãnh đạo chính quyền cách mạng của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định), nhưng ông Tiểng ít nói về mình mà kể nhiều đến tinh thần quyết kháng chiến chống xâm lăng của đồng bào Nam Bộ cùng với công lao của các vị lãnh đạo cuộc kháng chiến như: Trần Văn Giàu, Phạm Văn Bạch, Tô Ký, Thái Văn Lung v.v…
Qua lời ông Huỳnh Văn Tiểng tôi mới rõ thêm về chiếc “Nóp” của bà con Nam Bộ đã đồng hành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn đã nhắc đến trong bài hát.
Chuyện truyền miệng kể rằng, cách đây hàng trăm năm, trong một trận tấn công vào nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười, một sĩ quan Pháp thấy một vật lạ - một cái bao hình như bằng rơm đan, đủ cho một người chui vào, có thể xếp lại làm tấm lót ngồi, liền hỏi tên thông ngôn (phiên dịch). Tên này cũng chưa rõ là cái gì, muốn trả lời ngay là “chiếu xếp”, nhưng không dám động đến tiếng “xếp” (tiếng Pháp có nghĩa là chỉ huy) vì sợ xúc phạm đến “quan lớn” (vì cái xếp dùng để lót ngồi). Y bèn nói trại ra là “chiếu nếp”.
Ít lâu sau, một tên đội nguười Việt đóng đồn ở Đồng Tháp Mười tên là Nếp, cấm không được dùng tên y để chỉ “chiếu nếp”. Từ đó “chiếu nếp” được gọi là “chiếu Nóp” rồi dần dà thành “chiếc Nóp”. Cái tên đó lưu truyền cho đến bây giờ.
Cỏ bàng sinh sống vùng nhiễm phèn, Đồng Tháp Mười. |
Ở Đồng Tháp Mười, trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến chính những nghĩa quân chống Pháp là tác giả của những chiếc Nóp, tức những mảnh đệm của cây Bàng khâu lại. Bàng là loại cây vùng nước phèn, thân cỏ hình ống dài. Những người Nam Bộ thời khai hoang đã dùng nó làm đệm, làm túi xách, mũ…(cắt về phơi, giã thành cọng dẹp rồi đan). Nghĩa quân dùng Nóp để thay cho “mùng khói” (lấy khói làm mùng); “mùng nước” (ngâm mình dưới nước, chỉ ló lên cái đầu), bởi mùng khói thì phải đốt lửa, sẽ lộ; mùng nước thì không phải ai cũng chịu được…Chiếc Nóp vừa chống được muỗi, vừa ấm, lại có thể gấp lại rất nhỏ gọn, hành quân cũng tiện…
Hoá ra, cọng Bàng đã đi vào lịch sử khai hoang, còn chiếc Nóp ra đời từ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp đầu tiên ở Đồng Tháp Mười. Người dân Nam Bộ từ nhiều thập kỷ nay đều xem chiếc nóp của mình là biểu tượng lịch sử, một hình bóng thân thương của quê hương đã đi vào ca dao thân thuộc:
Chiều hôm em đứng giã bàng
Thương anh quảy nóp trong hàng quân đi…
…Nóp nầy em gửi tặng anh
Thuyền em bơi tận trong kinh Tháp Mười…
…Gởi ba nó ngủ ấm lòng
Để đi giết giặc lập công thật nhiều.
Và, mỗi lần nghe bài hát “Nam Bộ kháng chiến” thì hình ảnh chiếc Nóp cứ hiện lên, tôi lại nhớ đến người anh rất chân tình và đa tài, người có công lớn với bà con Nam Bộ, người Phó Tổng biên tập phụ trách văn nghệ của Đài TNVN những năm 60 của thế kỷ trước: Huỳnh Văn Tiểng./.