Nhiều cây cầu sẽ được xây dựng nối Bình Dương với Đồng Nai, Tây Ninh

VOV.VN - Bình Dương là địa phương được bao bọc bởi sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và 2 phụ lưu của nó là sông Thị Tính và sông Bé. Để giảm thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa với các tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh, UBND tỉnh Bình Dương đã lên kế hoạch, thống nhất với các tỉnh xây dựng nhiều cây cầu kết nối.

Bình Dương và Đồng Nai là 2 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng bị ngăn cách bởi sông Đồng Nai nên phần nào ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại của vùng. Do đó, ngoài cầu Đồng Nai, cầu Hóa An, cầu Thủ Biên đã được xây dựng, đưa vào hoạt động thì hiện nay, 2 tỉnh này đang cùng nhau xây dựng thêm cầu Bạch Đằng 2 với tổng mức đầu tư 490 tỷ đồng. Cầu Bạch Đằng 2 nối xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Dự kiến, cầu Bạch Đằng 2 sẽ đưa vào sử dụng cuối năm nay.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương và Đồng Nai cũng đã thống nhất xây dựng thêm 4 cây cầu nữa, gồm: cầu Hiếu Liêm nối xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) với xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai); cầu Tân An - Lạc An, nối xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên với xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu; cầu Tân Hiền - Thường Tân, nối xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu với xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên; cầu Thạnh Hội 2, có vị trí kết nối tại bến phà Bình Hòa (Đồng Nai) và bến phà Nhật Thạnh (Bình Dương). Các cây cầu này có quy mô 6 làn xe, trong đó có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, kinh phí xây dựng từ ngân sách hai tỉnh.

Việc xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai nối liền huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối giao thương các khu công nghiệp phía thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên của Bình Dương với thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom của Đồng Nai.

Đối với Bình Dương và Tây Ninh, chia cắt bởi sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 50km. Kết nối giao thông của 2 tỉnh này đã có 3 cây cầu là cầu Sài Gòn, cầu Bến Củi và một cây cầu tạm thời chưa có tên được khánh thành vào cuối tháng 12/2022 (kết nối huyện Dầu Tiếng, Bình Dương và huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh).

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, thời gian tới sẽ có thêm 3 cây cầu được xây dựng nối Tây Ninh và Bình Dương. Cụ thể, cầu Thanh An trên đường Hồ Chí Minh (thuộc dự án Chơn Thành - Đức Hòa), dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025. Hai cây cầu khác được tỉnh Bình Dương và Tây Ninh thống nhất chủ trương xây dựng thuộc địa phận thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) và huyện Dầu Tiếng (Bình Dương).

Như vậy, trong tương lai, dọc bờ sông Sài Gòn giữa hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, bình quân cứ cách từ 7 - 10km sẽ có một cây cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bình Thuận khởi công xây dựng thêm cầu bắc qua sông Cà Ty
Bình Thuận khởi công xây dựng thêm cầu bắc qua sông Cà Ty

VOV.VN - Ngày 14/1, tỉnh Bình Thuận khởi công xây dựng cầu Văn Thánh. Cầu Văn Thánh khi hoàn thành sẽ mở rộng không gian kiến trúc, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của TP.Phan Thiết.

Bình Thuận khởi công xây dựng thêm cầu bắc qua sông Cà Ty

Bình Thuận khởi công xây dựng thêm cầu bắc qua sông Cà Ty

VOV.VN - Ngày 14/1, tỉnh Bình Thuận khởi công xây dựng cầu Văn Thánh. Cầu Văn Thánh khi hoàn thành sẽ mở rộng không gian kiến trúc, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của TP.Phan Thiết.

Hơn 800 tỷ đồng xây cầu mới bắc qua sông Đồng Nai
Hơn 800 tỷ đồng xây cầu mới bắc qua sông Đồng Nai

Cầu mới sẽ nối thành phố mới Bình Dương và Thành phố Biên Hòa. Dự kiến cầu sẽ được khởi công vào đầu năm 2015.

Hơn 800 tỷ đồng xây cầu mới bắc qua sông Đồng Nai

Hơn 800 tỷ đồng xây cầu mới bắc qua sông Đồng Nai

Cầu mới sẽ nối thành phố mới Bình Dương và Thành phố Biên Hòa. Dự kiến cầu sẽ được khởi công vào đầu năm 2015.