Giữ lại hồn thiêng dân tộc

Nhiều người đổ tâm huyết, bán gia sản để làm trống đồng. Trống đồng là biểu tượng quốc gia, là linh hồn của dân tộc

Trong buổi gặp mặt đầu Xuân với bà con Việt kiều ở nước ngoài về thăm quê hương tối 6/2/2010 tổ chức tại Hà Nội, dàn trống đồng tỉnh Thanh đã đồng loạt gióng lên âm thanh vang vọng, gợi nhớ lại một thời các vua Hùng dựng nước. Đó là kết quả của cả một sự nghiệp tìm tòi phục chế và khôi phục lại nghề đúc trống đồng của người Việt cổ mà các nghệ nhân thuộc Liên chi hội di sản văn hoá Lam Kinh Thanh Hoá dày công thực hiện. Việc làm này góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống dân tộc, đồng thời thể hiện sự tự tôn văn hiến của người Việt Nam.

Ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch Liên chi hội di sản Thanh Hoá là người lăn lội với hoạt động khôi phục lại nghệ thuật đúc trống đồng thủ công ở Thanh Hoá trần tình thế này: Trống đồng là biểu tượng quốc gia, là linh hồn của dân tộc. Theo năm tháng, nghề trống đồng cũng thất truyền đi… Hội di sản Thanh Hoá đã tìm cách khôi phục lại. Vì chúng tôi nghĩ rằng, Thanh Hoá là nơi phát hiện ra văn minh Đông Sơn đầu tiên. Sử cũ còn ghi, nghe tiếng trống đồng nổi lên quân thù đã bạt vía và bạc đầu vì sợ”.

Giáo sư Trần Văn Khê cũng đã từng nói rằng: “Từ ngày nghiên cứu về văn hoá dân gian, tôi chỉ được xem xác trống đồng, nhưng bây giờ thì đã được nghe tiếng trống đồng”.    

Sắp bước sang năm mới Canh Dần, các nghệ nhân đúc trống đồng ở Thanh Hoá lại cùng nhau đúc một chiếc trống đồng nhỏ. Đã thành tục lệ, người làm phải biện một mâm cỗ cúng thần linh, cúng thần trống để xin làm trống. Ngọn lửa để đúc trống đồng năm mới phải lấy từ ngôi đền thờ đức Khổng Minh Không ở làng Chè, Liêu Trung, còn những lò đúc trống ở xa thì xin lửa ở các khu di tích thờ Bác Hồ, để tiếng trống đồng vang lên thật trầm hùng.

Hiện Thanh Hoá còn 2 đền thờ thần trống đồng ở làng Đan Lê xã Yên Thọ, huyện Yên Ninh; đền thứ 2 ở làng Mỹ Đà, xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hoá.

Thanh Hoá đang khôi phục nghề đúc thủ công loại trống đồng Đông Sơn theo các di chỉ ở Ngọc Lũ, Quảng Xương, Hoàng Hạ, Sông Đà, Miếu Môn. Các loại trống này khác nhau ở hoa văn khắc trên mặt trống, sự thêm bớt hàng hươu, hàng chim lạc, nét khác biệt hoạ tiết giáo mác hay răng cưa, bố trí hoa văn mau hay thưa, có vòng tròn kép hay vòng tròn đơn…

Tuy còn trẻ nhưng nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn ở Phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá có thể nhận biết rất tốt các thể loại trống. Anh cũng hiểu rất rõ cái khó của việc đúc thủ công trống đồng: Các sản phẩm đồng khác được đúc công nghiệp, nhưng trống đồng với hoạ tiết, hoa văn tinh xảo nên nghệ nhân đúc trống đồng làm bằng cảm giác tay và theo phương thức gia truyền. Cách làm này đương nhiên sẽ khó hơn rất nhiều”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Khiếu, Tổng thư ký Liên chi hội di sản văn hoá Lam Kinh Thanh Hoá cho biết: Khi đổ đồng vào khuôn, để kiểm tra độ dầy của trống có đều và chuẩn hay chưa, nghệ nhân đúc trống chỉ có thể dò thủ công bằng que và tự điều chỉnh. Mặc dù vậy, độ dầy trống rất đều. Nhiều nghệ nhân nói vui rằng những lúc dò bằng tay để kiểm tra trống họ thấy mình như “người trần gian làm việc âm phủ” vậy”.

Nghề đúc trống đồng thủ công đòi hỏi sự tỉ mẩn, chính xác và điều quan trọng là thợ trống phải hiểu trống đồng, hiểu văn hoá lịch sử đất nước dân tộc và yêu nghề của mình.

Dân trong nghề đúc trống vẫn kháo nhau rằng ít người say nghề được như nghệ nhân Thiều Quang Tùng ở Đông Sơn. Năm đầu tiên khi anh Tùng quyết tâm bán nhà, bán đất để mở xưởng đúc trống đồng, hai vợ chồng anh đã phải dựng túp lều tạm để đón Tết. Rồi đến khi những chiếc trống đồng đầu tiên thành công gia đình anh đón Xuân trong sự phấn khích…

Nghệ nhân Thiều Quang Tùng tâm sự: “Mấy nghìn năm trước, ông cha ta đã để lại di sản thì tại sao chúng ta không gìn giữ phát huy? Làm văn hoá thì phải hiểu văn hoá,  người đúc trống đồng thủ công vừa phải có tâm hồn văn hoá vừa phải có tâm sáng hướng về lịch sử thì mới làm được. Trống đồng là tâm linh nên thợ làm trống phải đặt mục tiêu văn hoá lên trên lợi ích kinh tế. Tôi mong những người thợ của mình làm ra trống đồng tốt để quốc tế nghe trống đồng là biết đến Việt Nam”.            

Trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội do thành phố Hà Nội tổ chức vào tháng 10 tới, Liên chi hội di sản Lam Kinh Thanh Hoá sẽ cử một đội gồm 100 chiếc trống đồng tham gia, cùng tấu lên những giai điệu trầm hùng, mang quốc tuý, quốc hồn dân tộc. Dàn trống đồng thế kỷ 21 gióng lên, cũng là lời hứa với Tổ quốc, đất nước về quyết tâm của những người con đất Việt đoàn kết xây dựng quê hương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên