Họa sĩ Cao Trọng Thiềm và niềm tự hào về bức tranh “Điện Biên năm ấy“
VOV.VN -Nói về tác phẩm “Điện Biên năm ấy”, ký ức và cảm xúc về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của hoạ sĩ Cao Trọng Thiềm.
Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là một mốc son chói lọi, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chiến dịch đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ không chỉ trên chiến trường mà còn trên cả mặt trận nghệ thuật.
Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, giai đoạn kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ là mảng đề tài lớn có nhiều tác phẩm còn lưu lại đến giờ đều trở thành tài sản vô giá. Bởi những tác phẩm ấy không chỉ là những chứng tích ghi nhớ về thời kỳ lịch sử hào hùng, mà còn có giá trị giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
Ký hoạ "Hành quân qua suối" của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân. |
Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ trong hội hoạ, không thể không kể đến thế hệ những hoạ sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch. Bằng những cảm nhận và sự sáng tạo, những người chiến sĩ – hoạ sĩ ấy không dùng súng mà dùng bút sắt, bút lông, màu nước... ghi lại chân thực, sinh động cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân ta. Nhiều bức tranh phản ánh hơi thở cuộc sống kháng chiến ra đời như loạt ký họa chiến trường của các tác giả Tô Ngọc Vân, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Văn Tỵ….
Sau này, mảng đề tài về chiến thắng Điện Biên hào hùng vẫn được nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công. Tiếp nối thế hệ cha anh viết tiếp câu chuyện về những tháng ngày gian khổ, khốc liệt của chặng đường hành quân trong cuộc kháng chiến chống Pháp và gặp gỡ những con người bình dị mà vĩ đại đã làm nên chiến thắng lẫy lừng này.
Tác phẩm sơn mài "Kéo pháo" của hoạ sĩ Dương Hướng Minh. |
Đó là hình ảnh của những chiến sĩ vượt đèo kéo và đẩy pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ đầy nhọc nhằn, gian truân nhưng không kém phần lãng mạn trong tác phẩm “Đẩy pháo” của hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm, “Kéo pháp Điện Biên” của hoạ sĩ Trần Đình Thọ,….Trên những chặng đường hành quân gian khổ là tình quân dân thắm thiết, như “Gặp nhau” hay giây phút thảnh thơi lắng nghe “Tiếng hát mùa chiến dịch” của hoạ sĩ Mai Văn Hiến...Tất cả đều mang cái nhìn chân thực, xúc động về những con người đã làm nên lịch sử, vùng đất lịch sử và về một thời hào hùng của dân tộc.
Là người sống và hòa mình vào cuộc chiến đấu khốc liệt và gian khổ, chứng kiến thế hệ cha anh đi trước dũng cảm đồng lòng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc hơn 65 năm trước, họa sĩ Cao Trọng Thiềm, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tái hiện sống động khí thế của toàn dân tộc qua các tác phẩm như “Điện Biên năm ấy”, “Nắng chiều” sáng tác năm 1994 và “Pha Đin” sáng tác năm 2003.
Hoạ sĩ Cao Trọng Thiềm. |
Nói về tác phẩm “Điện Biên năm ấy”, ký ức và cảm xúc về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của hoạ sĩ Cao Trọng Thiềm. Đó chính là vốn tư liệu quý báu được tác giả tích lũy để sau này đưa vào tác phẩm của mình. Đối với họa sĩ, “Điện Biên năm ấy” chính là hình dung, là niềm tự hào của ông về chiến dịch Điện Biên Phủ, mà cho đến tận sau này ông mới có điều kiện tái hiện.
Chiến dịch Điện Biên Phủ trong tác phẩm “Điện Biên năm ấy” hiện ra với địa hình lòng chảo Mường Thanh, một thung lũng rộng lớn và bằng phẳng, bốn bề là núi đồi trùng điệp. Trong không gian ấy là trận địa pháo với sức mạnh áp đảo, một không gian kháng chiến tiêu biểu cho hệ thống trận địa của quân đội và nhân dân ta.
Tác phẩm "Điện Biên năm ấy" của hoạ sĩ Cao Trọng Thiềm. |
Sử dụng chất liệu truyền thống của hội hoạ Việt Nam với những gam cơ bản của nghệ thuật sơn mài như màu son, màu trứng, màu cánh gián và vàng, tác giả đã tạo nên một không gian bừng sáng, rực rỡ ánh hào quang. Hình ảnh những người chiến sĩ pháo binh đang khẩn trương hướng nòng pháo về cứ điểm địch, nữ dân công tải đạn gấp rút chuẩn bị hỏa lực cho cuộc tổng tấn công, phía sau là chiến sĩ đang truyền tin qua máy phát tín hiệu… được hiện lên vô cùng sống động. Công chúng thưởng thức dường như cảm nhận được không khí khẩn trương, tinh thần đoàn kết một lòng hướng đến độc lập, tự do của toàn dân tộc trong “Điện Biên năm ấy”.
Tác phẩm còn là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần, lý tưởng, niềm tin trong một chặng đường lịch sử hào hùng của đất nước. Tuy không được diễn tả bằng ngôn từ nhưng đôi khi, những hiệu ứng về hình ảnh trong hội hoạ đã khơi dậy cảm xúc tự hào, tri ân những người con Việt Nam đã hy sinh máu xương vì Tổ quốc, làm nên chiến thắng vĩ đại, để các thế hệ hôm nay và mai sau có được cuộc sống bình yên.
Hình ảnh nữ dân công tải đạn đang gấp rút chuẩn bị hỏa lực. |
65 năm đã trôi qua nhưng những hình ảnh hào hùng của trang sử vàng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn luôn là niềm hứng khởi, mạch nguồn sáng tạo thôi thúc ông cầm cọ. Hoạ sĩ Cao Trọng Thiềm chia sẻ rằng ông vẫn còn nhiều chất liệu sáng tác về đề tài này. Điều đó càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt, vượt thời gian của chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng.
Tác phẩm “Điện Biên năm ấy” của hoạ sĩ Cao Trọng Thiềm với gần 40 tác phẩm mỹ thuật trên nhiều chất liệu khác nhau được 26 hoạ sĩ sáng tác trong và sau thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày trong triển lãm chuyên đề “Điện Biên năm ấy” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 3/5 -19/5./.
Họa sĩ Cao Trọng Thiềm sinh năm 1942, quê ở xã Thanh Phong, Thanh Liêm, Hà Nam. Năm 1963, ông tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, sau đó được phân công về làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc đang diễn ra ác liệt. Ông đi khắp các tỉnh thành, lấy tư liệu viết tin, ảnh, bài và chính thực tế làm báo ấy cho ông nhiều trải nghiệm, cảm xúc cho các sáng tác hội họa.