Nam cán bộ, công chức Sở VH-TT Huế mặc áo dài đi làm vẫn chưa có sự đồng thuận
VOV.VN - Sau khi Sở Văn hóa - Thế thao tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai cho nam cán bộ, công chức mặc áo dài truyền thống đến công sở vào thứ Hai đầu tháng, dư luận đặc biệt quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều.
Ngày 7/9 vừa qua, toàn thể cán bộ, công chức khối Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài truyền thống đến công sở dự lễ chào cờ, giao ban đơn vị và làm việc. Một cán bộ làm việc ở tỉnh Thừa Thiên - Huế ngỡ ngàng khi biết thông tin này. Anh cho rằng, việc mặc áo dài ngũ thân trong các nghi lễ, khánh tiết, đón khách nước ngoài, lễ hội, khi cúng kính ở họ tộc gia đình là hoàn toàn phù hợp. Nhưng yêu cầu công chức mặc cả ngày trong giờ làm việc thì không dễ ai chấp nhận. Bởi áo dài ngũ thân có nhiều tà, bất tiện trong thi hành công vụ, nhất là khi mà công việc ngày càng nhiều lên, người thì ít đi do giảm biên chế.
Nam công chức này ở Huế nêu quan điểm: "Chắc có lẽ Hội quảng cáo chứ không có chuyện đàn ông mặc áo dài đi làm. Ai đời đàn ông mà mặc áo dài đi làm việc. Tưởng phụ nữ thì được, áo tứ thân nó quá bất tiện. Lễ lạt thì rõ ràng là nên mặc, áo rất đẹp. Nhưng mặc áo dài đi làm lại là chuyện khác. Vào ngày lễ thì quy định mặc áo dài rất được hoan nghênh".
Ông Ngô Hòa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là người từng có nhiều năm phụ trách mảng văn hóa xã hội của tỉnh, có 10 năm làm Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế rất băn khoăn về cách làm này. Ông Hòa cho rằng, việc vận động khôi phục áo dài ngũ thân là đúng. Tuy nhiên, việc biến áo dài thành trang phục công sở là không nên. Theo ông Ngô Hòa, Huế đang có Đề án Xây dựng kinh đô áo dài nên có các hoạt động khôi phục truyền thống áo dài nhưng chỉ nên khôi phục trong hoạt động lễ hội hoặc trong các nghi lễ thôi chứ không thể mặc đi làm cả ngày.
Cũng theo ông Ngô Hòa, chỉ nên vận động cán bộ, công chức và người lao động mặc áo dài khoảng 30 phút mỗi sáng thứ hai đầu tuần hoặc đầu tháng hoặc trong các dịp Lễ; sau đó mặc trang phục trở lại bình thường: "Ví dụ như một tuần hoặc trong các nghi lễ hoặc trong số các ngành nghề, như ở Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, ngành du lịch... thì có thể trang phục áo dài. Nhưng mà đối với cán bộ, công chức chỉ mặc khi có dịp lễ hội hoặc là 30 phút đầu tuần hoặc đầu tháng để mà biểu thị một nét đẹp văn hóa truyền thống áo dài. Quan điểm của tôi là ủng hộ hoàn toàn khôi phục áo dài nhưng phải sử dụng đúng mục đích, đúng ý nghĩa, đúng về không gian và thời gian".
Trước đó, vào ngày 8/9, trả lời phóng viên VOV, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định Sở đã nghiên cứu và trang bị cho cán bộ, cả nam và nữ khối văn phòng trang phục áo dài truyền thống. Đặc biệt, đối với người nam, khi tạo nên hình ảnh với chiếc áo dài ngũ thân cũng sẽ rất đẹp, lịch lãm, trang nhã và rất truyền thống. Ông Hải cho biết áo dài ngũ thân đẹp, rất tiện dụng, mặc mùa hè và mùa đông đều rất phù hợp bởi đây là trang phục đã được thử thách qua hàng trăm năm.
Thế nhưng đến chiều hôm nay (10/9), sau khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, ông Phan Thanh Hải cho biết Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ khuyến khích chứ chưa có văn bản nào quy định phải mặc trong suốt cả ngày thứ hai đầu tháng: “Chúng tôi chỉ kêu gọi mọi người mặc vào ngày thứ hai đầu tháng, tức là khi có Lễ Chào cờ giao ban đầu tháng, sau Lễ chào cờ, Sở cũng có giao ban ngắn như: quán triệt tình hình trong tháng, nhiệm vụ trong tháng, thời gian này kéo dài khoảng 30 phút. Sau này thì ai trở về việc nấy. Và tùy theo từng người, người nào thích thì tiếp tục mặc áo dài, người nào không thích thì cởi áo dài treo một bên đó để trở lại làm việc bình thường. Tôi khẳng định rằng, không có văn bản cấm hay quy định, hay bắt buộc cán bộ, công chức của ngành văn hóa phải mặc áo dài, mà đây hoàn toàn là sự khuyến khích”.
Việc cán bộ ở Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài khăn đóng vào thứ hai đầu tuần hàng tháng đang gây ra nhiều thắc mắc trong người dân. Những cán bộ, công chức ấy khi xuống dân vào ngày đầu tuần thì ăn mặc như thế nào? Tiền may trang phục ấy lấy từ đâu? Liệu mặc như vậy có tiện cho công việc?...
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Việt Nam cho rằng, nam giới rất cần có trách nhiệm bảo tồn áo dài truyền thống Việt Nam: "Một tháng mặc một tuần đầu thôi, mà trong tuần đầu đó mặc sáng thứ hai thôi đã là tốt lắm rồi hoặc là trong những dịp lễ. Thay vì mặc vest thì mặc áo dài. Bởi mặc vest có khi còn nóng hơn áo dài. Bởi áo dài rộng hơn, chứ còn mặc vest thì phải mặc sơ mi, mặc có lót còn nóng hơn. Trong những dịp lễ long trọng thì mặc áo dài, nhất là dịp đón khách quốc tế"./.