Nghệ sĩ ưu tú Lê Dân và bộ phim "Những bức thư từ Sơn Mỹ"
Bộ phim dẫn dắt người xem theo những bức thư của viên trung úy Mỹ được viết trên mảnh đất đẫm máu những người dân vô tội ở Sơn Mỹ gửi về cho vợ, qua đó thấy được sức sống của người dân nơi đây…
Nghệ sĩ ưu tú- Đạo diễn điện ảnh Lê Dân và đoàn làm phim của Trung tâm UNESCO Điện ảnh truyền thông đa phương tiện đang khẩn trương hoàn thành bộ phim “Những bức thư từ Sơn Mỹ” để kịp ra mắt công chúng vào tháng 4 năm nay, sau đó sẽ dự Liên hoan phim Quốc tế Canes tại Pháp vào tháng 5 tới.
Tháng 9/2009, khi nghe tin viên Trung úy William Calley- người đã từng chỉ huy vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16/3/1968 ngỏ lời xin lỗi nhân dân Sơn Mỹ về tội lỗi của mình đã gây ra, rồi ông Phạm Thành Công - một trong những người còn sống sót sau vụ thảm sát ấy, bây giờ là Giám đốc Nhà Bảo tàng Sơn Mỹ nhân danh những người còn sống sót, chấp nhận lời xin lỗi ấy của William Calley, nếu đằng sau lời xin lỗi ấy, viên trung úy này có những việc làm thiết thực kêu gọi hòa bình, chống chiến tranh, không để xảy ra một vụ thảm sát như Sơn Mỹ nữa, đạo diễn Lê Dân nghĩ ngay đến việc dựa theo câu chuyện này, làm một bộ phim về đề tài kêu gọi hòa bình.
Thực ra, đã có nhiều người làm phim về Sơn Mỹ. Năm 2007, đạo diễn người Mỹ Oliver Stone – người 3 lần đạt giải Oscar đã muốn thực hiện bộ phim Làng Hồng. Với bộ phim này, đạo diễn người Mỹ muốn tái hiện vụ thảm sát Sơn Mỹ do quân đội Mỹ gây ra để chứng minh: đó là vụ thảm sát chứ không phải là cuộc hành quân thông thường. Qua đó tố cáo hành động dã man mà quân đội Mỹ đã gây ra cho người dân Việt Nam. Không biết khâu chuẩn bị thế nào mà đến giờ bộ phim vẫn chưa khởi quay được.
Còn đạo diễn Lê Dân, ông chọn cách làm thứ 2. Đó là bối cảnh sau vụ thảm sát, người dân Sơn Mỹ sống thế nào, họ đã đối xử với những người Mỹ biết hối lỗi ra sao. Ông cho rằng “chọn cách làm này sẽ thú vị hơn vì nói về con người, phân tích tâm lý của dân mình, phân tích tâm lý của người phạm lỗi thì nó sâu sắc hơn, hấp dẫn hơn”.
Đạo diễn Lê Dân và 2 diễn viên chính (hai bên) thắp hương trước Tượng đài Sơn Mỹ |
Còn tên bộ phim được chọn là “Những bức thư từ Sơn Mỹ” thì do bộ phim chọn bối cảnh viên Trung úy William Calley trong vụ thảm sát năm 1968 (được đổi tên thành Peter Cage, do một kỹ sư đóng tàu người Pháp lấy vợ Việt, đang định cư tại thành phố Hồ Chí Minh đóng). Peter Cage khi đến thành phố Hồ Chí Minh, tham quan địa đạo Củ Chi, hiểu thêm về cuộc chiến đấu không cân sức giữa nhân dân Việt Nam với quân Mỹ như thế nào. Từ đó ông càng khâm phục và hiểu người Việt Nam không phải khát máu như lâu nay ông ta tưởng, mà đó là những con người bình thường, bất đắc dĩ mới cầm súng chiến đấu và chấp nhận hy sinh mất mát để giành lấy độc lập cho dan tộc mình. Trên đường từ thành phố Hồ Chí Minh ra Quảng Ngãi dưới cái vỏ khách du lịch, ông ta gặp Hạnh, được cô hướng dẫn trở lại Sơn Mỹ.
Trong thời gian lưu lại nhà cô giáo Hạnh, hàng ngày, qua mạng internet, Peter viết thư đều đặn về cho vợ mình bên Mỹ, kể về những con người, cảnh vật mà ông ta từng chứng kiến tại Sơn Mỹ: Là cô giáo Hạnh, có cha và anh trai bị giết trong vụ thảm sát, bản thân cô bị thương bàn tay thành dị tật nhưng vẫn vươn lên để trở thành cô giáo dạy đàn piano. Là em Vũ, 13 tuổi, nạn nhân chất độc da cam, tay chân cong queo nhưng vẫn vẽ những bức tranh thể hiện khát vọng vươn lên, gây xúc động bao người. Là thầy giáo Dũng, cụt cả hai chân vẫn ngày ngày đến lớp học tình thương để dạy chữ cho các em nhỏ…
Đoàn làm phim "Những bức thư từ Sơn Mỹ" đang tác nghiệp |
Trước sự hồi sinh của vùng đất này, trước tấm lòng chân thật của người dân Sơn Mỹ, Peter Cage đã phải công khai quá khứ của mình, thừa nhận những tội lỗi do mình và đồng đội đã gây ra. Tất nhiên là ông ta cũng bị nhiều người phản đối nhưng rồi ông đã vượt qua những khó khăn, mặc cảm đó. Ông âm thầm giúp đỡ những gì mà người dân địa phương cần. Tại buổi lễ kỷ niệm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ 16/3, hai vợ chồng ông đã khóc và thể hiện sự ăn năn, hỗi lỗi của mình về tội ác đã gây ra hơn 40 năm trước, mong muốn người dân Sơn Mỹ tha thứ.
Theo đạo diễn Lê Dân, bộ phim dẫn dắt người xem theo những bức thư của viên trung úy Mỹ. Những bức thư được viết trên mảnh đất đẫm máu những người dân vô tội ở Sơn Mỹ rồi gửi về Hoa Kỳ bằng intenet. Qua những lá thư này, vợ của Peter hiểu rằng, người dân Sơn Mỹ đã biết đứng lên bằng đôi chân thương tật của mình. Nói về sự hồi sinh ở Sơn Mỹ, bộ phim cũng gián tiếp gửi đến nhân dân Mỹ và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới rằng: người Việt Nam sẵn sàng đứng lên chiến đấu chống quân xâm lăng để giành độc lập và họ cũng là những người luôn độ lượng, bao dung, biết khép lại cả một quá khứ đớn đau để hướng về phía trước, sẵn sàng tha thứ cho những người lỗi lầm nếu người ta biết nhìn lại, biết hỗi lỗi để cùng nhau hướng đến một thế giới hòa bình./.