Nhớ Tào Mạt

Chẳng biết những phiến đá bậc thềm và chân cột cổ kính kia giờ lăn lóc nơi đâu? Vì thế nên tôi vẫn thường nhớ và mơ thấy ông về  

Ông là nghệ sĩ nhân dân. Giới nghệ thuật và công chúng gọi ông là “vua chèo xứ Bắc”.

Tôi còn nhớ, vào năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước - nhân kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, trong khuôn khổ chuyên mục “Đất nước và danh nhân” (Chương trình Câu lạc bộ Người cao tuổi, Đài TNVN), tôi có làm chương trình “Ngàn năm yêu dấu”, nói về di sản cha ông trên đất Rồng bay. Tất nhiên điểm nhấn là điện Kính Thiên trong khu Hoàng Thành, khi ấy đang là đại bản doanh của Bộ Quốc phòng. Phần giá trị lịch sử được điểm qua, chủ yếu là những ghi nhận, cảm thức, những câu chuyện có liên quan.

Ví như ở khu tập thể quân đội 1A Hoàng Văn Thụ kế đó, tôi thấy nhiều phiến đá bậc thềm và chân cột được gọt đẽo rất công phu, với các họa tiết hoa văn cổ được một số gia đình mang về kê làm lối đi qua các rãnh nước bẩn. Rồi những mái cong lầu cũ trong thành cổ đang gẫy nát và rêu phong… Nhiều lần mải ngắm bị người lính bảo vệ ra nhắc nhở. Lại đôi khi giơ máy ảnh định chụp vài kiểu từ xa, liền bị đuổi ra… Cứ thế mà thành suy tư và bỗng thấy hình bóng cha ông trước mắt đấy mà thành xa xôi quá…

Nỗi niềm cứ trào lên và tôi đã gửi vào trong câu kết trong chương trình: “Mong sao cho khu di tích quý giá bậc nhất này sớm được trả về với đúng vị trí của nó, cho mọi người đều có thể lui tới, được tận mắt chiêm ngưỡng và tắm gội trong dòng chảy cội nguồn cha ông, để biết tự hào và biết cân chỉnh bản thân cho xứng với tiền nhân”.

Ngay sáng hôm đó, bảo vệ cơ quan báo có người đến gặp tác giả vì bài viết trên. Đó là Tào Mạt. Ông đứng chờ bên chiếc xe đạp tuềnh toàng, người cao gầy, mái tóc xõa rối trước trán. Riêng có đôi mắt quá sáng và nhìn thẳng. Ông bảo: “Sáng mai tôi sẽ đưa anh vào thăm thành cổ”. Tôi rất cảm kích.

Ông đưa tôi qua trạm 66 phía cửa Bắc, vào lầu Công chúa. Xơ xác quá! Dù quen biết nhưng chúng tôi cũng không được phép vào sâu hơn. Quay sang cửa Tây cũng thế. Ông bảo: “Ta vào thăm anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, ở ngôi biệt thự đối diện)”. Đại tướng rất quý Tào Mạt và cho biết, đó là khu vực tối mật, không thể vào. Rồi ông dẫn tôi về phía Bảo tàng Quân đội. Người phụ trách Bảo tàng đưa chúng tôi lên đỉnh Cột Cờ, chọn ô cửa trống nhìn về phía điện Kính Thiên. Toàn cây và những căn nhà mái bằng xây chen. Rõ nhất là sân bóng đá. Có cảm giác mỗi khi cầu thủ tung chân sút, quả bóng có thể bay thẳng về phía chúng tôi… Ông đưa tay lên ngực và lặng lẽ đi xuống. Gần 150 bậc cầu thang.

Về nhà ông ở “khu gia binh” Lý Nam Đế, ông bảo: “Để tớ làm công văn xin Bộ Quốc phòng vậy”. Và ông chép tặng tôi hai câu thơ, viết bằng chữ Hán, nét thảo như phượng múa rồng bay:

Tri túc tâm thường lạc

Vô cầu phẩm tự cao

Có nghĩa: Biết tự đủ thì lòng dễ vui. Không cầu xin thì phẩm giá khắc thanh cao.

Sau đó ít lâu, ông qua đời. Giờ thì một phần khu Hoàng Thành đã được trả lại, với việc xuất lộ di chỉ khảo cổ quý giá bên Tòa nhà Quốc hội, khẳng định tầm vóc di sản văn hóa thế giới. Đó là việc lớn và tự hào.

Riêng tôi vẫn cứ tự hỏi: Chẳng biết những phiến đá bậc thềm và chân cột cổ kính kia giờ lăn lóc nơi đâu? Vì thế nên tôi vẫn thường nhớ và mơ thấy ông về./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.