​Xử lý nghiêm các đối tượng đốt phá rừng ở Đắk Lắk

VOV.VN -Tỉnh Đắk Lắk đang vào cuộc kiểm tra, xử lý những đối tượng liên quan cũng như truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra phá rừng.

Như Đài TNVN đã liên tục thông tin về nạn phá rừng nghiêm trọng tại khu vực giáp ranh hai huyện Ea Kar và Krông Bông, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đang vào cuộc kiểm tra, xử lý những đối tượng liên quan cũng như truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra phá rừng. Tuy nhiên, trong khi chính quyền, ngành chức năng khẳng định quyết liệt xử lý, thì những người đốt phá rừng lại đòi hỏi được giao đất rừng đã phá để canh tác và có phương án ăn chia khi trồng lại rừng.   

Rừng bị đốt phá nghiêm trọng tại vùng rừng giáp ranh Ea Kar và Krông Bông.

Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng huyện Ea Kar, có khoảng 140ha rừng và đất rừng tại các Tiểu khu 701 và 704, lâm phần Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, đã bị người dân đốt phá, lấn chiếm trong mùa khô vừa qua. Bên phía huyện Krông Bông, tình trạng đốt phá rừng cũng diễn ra rất nghiêm trọng tại lâm phần thuộc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông và diện tích đã bàn giao cho UBND xã Cư Pui quản lý bảo vệ. Đối tượng đốt phá rừng được xác định chủ yếu là người dân ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông. 

“Qua báo cáo của hai huyện, không phải chỉ riêng phá rừng bên Ea Kar, mà bên Krông Bông cũng bị phá. Báo cáo của Krông Bông 5 tháng đầu năm là phá trên 37ha, mà riêng phạm vi thôn Ea Rớt là phá 4 Tiểu khu thuộc lâm phần quản lý Công ty Lâm nghiệp Krông Bông”- ông Y Thức Ê Ban, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông nêu thực trạng.

Lãnh đạo huyện Ea Kar khẳng định kiên quyết trồng lại rừng, không hợp thức hóa đất lấn chiếm.

Trước tình trạng này, mới đây, chính quyền, ngành chức năng hai huyện Ea Kar và Krông Bông cùng với đại diện Sở NN-PTNT Đắk Lắk tổ chức cuộc họp khẩn ngay tại một phân trường bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh. Tại cuộc họp, đại diện các hộ dân thôn Ea Rớt đã thừa nhận hành vi đốt phá rừng. Tuy nhiên, một số người lại yêu cầu chính quyền phải giao đất rừng đã khai phá cho dân sản xuất hoặc phối hợp với công ty lâm nghiệp trồng lại rừng. 

Dân đốt phá rừng rõ ràng là vi phạm pháp luật, nhưng ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông lại có tư tưởng cổ xúy cho việc hợp thức hóa việc lấn chiếm đất rừng. 

“Đất bà con lấn chiếm, bây giờ họ bảo đất lâm trường lên trồng là không được. Đề nghị Công ty lâm nghiệp có phương án trồng lại rừng trên đồi cao, cần có phương án công ty hỗ trợ để phổ biến sớm cho bà con”- ông Nguyễn Văn Tâm cho biết.

Cần nói rõ rằng, không chỉ phá rừng đốt nương làm rẫy, khu vực này còn xảy ra việc sang nhượng đất lâm nghiệp, gây bất ổn về an ninh trật tự, tranh chấp đất rừng. Chính quyền cơ cở cũng như chủ rừng buông lỏng quản lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng liên tiếp bị phá qua từng năm. Tuy nhiên, năm nay, diện tích rừng bị đốt phá, lấn chiếm tăng đột biến với khoảng 170ha đã được thống kê. Việc phá rừng cùng với người dân còn có các đối tượng trong mác “đại gia”, “nhà đầu tư” cũng nhảy vào thâu tóm đất rừng quy mô lớn.

Không chỉ phá rừng đốt nương làm rẫy, khu vực này còn xảy ra việc sang nhượng đất lâm nghiệp, gây bất ổn về an ninh trật tự.

Trước những đòi hỏi vô lối của một số người, ông Lê Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar khẳng định, việc người dân phá rừng là vi phạm pháp luật và các cơ quan chức năng huyện Ea Kar sẽ điều tra, xử lý nghiêm. Không có chuyện hợp thức hóa đất rừng thành đất sản xuất. Ông Lê Đình Chiến nhấn mạnh: rừng bị phá thì buộc phải trồng lại và nhiệm vụ này thuộc về Công ty lâm nghiệp Ea Kar nếu không truy ra kẻ phá rừng. 

"Mất rừng là phải trồng lại rừng. Nếu không bắt được người nào đốt rừng, phá rừng để buộc trồng lại thì Công ty phải bỏ vốn ra trồng lại rừng”- ông Lê Đình Chiến cho biết.

 Đề cập hướng xử lý tình trạng phá rừng tại khu vực giáp ranh 2 huyện Ea Kar và Krông Bông, ông Đỗ Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc này đã vượt quá khả năng của đơn vị. Chỉ có cơ quan công an mới đủ khả năng làm rõ rằng có hay không việc bảo kê cho nạn phá rừng chiếm đất, sang nhượng đất rừng. 

Các đối tượng trong mác “đại gia”, “nhà đầu tư” cũng nhảy vào thâu tóm đất rừng  tại vùng giáp ranh Ea Kar- Krông Bông.

“Vụ việc này có dấu hiệu vi phạm nhưng vi phạm một cách tiềm ẩn. Với chức năng, nghiệp vụ của Kiểm lâm, chúng tôi không đủ điều kiện để làm việc này. Về phía Chi cục Kiểm lâm, chúng tôi đang tham mưu cho Giám đốc Sở báo cáo UBND tỉnh về vụ việc này để đề nghị UBND tỉnh giao Công an tỉnh cùng với các ngành khác để điều tra, xử lý tận gốc vấn đề, giải quyết dứt điểm vụ việc này”- ông Đỗ Xuân Dũng cho biết.

Những diện tích rừng đã bị đốt phá, lấn chiếm, thâu tóm bởi người dân và những “đại gia” ở vùng rừng giáp ranh Ea Kar – Krông Bông, cũng như ở khu vực hồ thủy lợi Ea Rớt, mà chúng tôi đã liên tục thông tin sẽ được xử lý ra sao. Vấn đề này, dư luận chờ câu trả lời từ chính quyền, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên