NSƯT Trần Lực dựng kịch phi lý để đo độ “nhiệt” của khán giả
VOV.VN-Cho là thật phi lý khi than thở rằng, khán giả quay lưng với kịch khi không cho họ cái mới, Trần Lực “dũng cảm” dựng vở kịch phi lý đầu tiên ở Việt Nam.
Công diễn vở kịch “Nữ ca sỹ hói đầu” vào đúng tối 12/1 khi người hâm mộ cả nước dõi theo đội tuyển bóng đá quốc gia thi đấu, đạo diễn Trần Lực vẫn tự tin rằng “đôi khi trong cuộc sống phải ‘chiến đấu’ như thế để xem độ ‘nhiệt’ của sân khấu đến đâu”. Đây không phải lần đầu một buổi công diễn của anh trùng với ngày hội bóng đá của cả nước, nhưng vị đạo diễn này có đủ “dũng cảm” để quyết công diễn vở kịch phi lý này đúng hẹn với khán giả thủ đô.
Nghệ sỹ Ưu tú Trần Lực. |
Bỏ lại ánh hào quang của điện ảnh và truyền hình, đạo diễn – diễn viên Trần Lực trở lại với sân khấu kịch trong “một cuộc chơi hết mình” nhưng không “mù quáng”. Bằng những nỗ lực sáng tạo và niềm đam mê chảy trong huyết quản, anh cùng các cộng sự và học trò trong đoàn kịch tư nhân LucTeam đang thổi hơi thở mới cho sân khấu kịch nước nhà, một hơi thở đương đại và truyền thống đạt tới nghệ thuật đỉnh cao.
Hơn 1 năm qua, LucTeam đã mang đến cho khán giả thủ đô 3 món ăn tinh thần mới lạ, mỗi món có một hương vị riêng, từ “Quẫn” (tác giả Lộng Chương) đến “Cơn ghen của Lọ Lem” (tác giả Molière) và giờ là kịch phi lý “Nữ ca sỹ hói đầu” của tác giả người Pháp gốc Rumani Eugène Ionesco.
Trần Lực chia sẻ, cứ nghe thấy anh dàn dựng kịch, lần này lại còn là kịch phi lý vốn quá lạ lẫm với khán giả Việt Nam, nhiều người lại hỏi rằng, anh có liều quá không, có gặp nhiều khó khăn không? Liều thì không, Trần Lực khẳng định, nhưng “dũng cảm” thì có.
“Tôi rất tự tin khi dựng kịch phi lý bởi nó cũng chẳng khác các dòng kịch khác, có chăng chỉ là hình thức, còn cốt lõi vẫn là những vấn đề hết sức nhân văn trong cuộc sống” – Đạo diễn Trần Lực chia sẻ.
Dũng cảm mới “đẻ” ra được cái mới
“Liều lĩnh là khi người ta hành động mù quáng, làm bừa, còn Trần Lực, anh ấy tự tin, can đảm, mà có thế mới “đẻ” ra được cái mới” – Nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng, người bạn “nối khố” của đạo diễn Trần Lực chia sẻ. “Trần Lực làm việc với một thái độ hết sức tự tin rằng anh ấy sẽ thành công bởi những vấn đề trong ‘Nữ ca sỹ hói đầu’ hết sức gần gũi với Việt Nam, chỉ có cách thể hiện là khác.”
Một cảnh trong "Nữ nghệ sỹ hói đầu". |
Nhiều người nói rằng, kịch phi lý là dòng kịch kén khán giả. Nhưng Trần Lực lại tin rằng, kiến thức và sự hiểu biết của khán giả rất rộng, họ là những người tiêu dùng sản phẩm nghệ thuật ngày càng thông thái và đòi hỏi những thứ mới lạ.
“Ngày xưa tôi cũng nghĩ khán giả chẳng xem đâu, người ta đã quen kịch kia rồi” – Trần Lực chia sẻ. “Nhưng chết là ở chỗ đó. Chúng ta cứ nghĩ họ quen cái kia rồi thì chúng ta làm cái này ai xem. Nhưng chính vì cái kia người ta có xem đâu, nên chúng ta phải làm cái mới thì mới biết người ta có xem hay không.
Ai cũng nói sân khấu bị mọi người quay lưng, chẳng ai đến cả. Lê Khanh còn nói là ‘chết lâm sàng’ rồi! Lý do theo đại đa số là khán giả có thứ khác hay hơn, hấp dẫn hơn. Nhưng tôi chỉ đơn giản nhìn lại bản thân mình với tư cách là người làm nghề, chúng ta nói rằng mọi người quay lưng thật ra là vì sản phẩm của chúng ta dở quá, chúng ta làm cũ quá rồi.”
“Nghệ thuật đương đại từ truyền thống mà ra chứ không từ trên trời rơi xuống”
Sau 20 năm lăn lộn với điện ảnh, Trần Lực trở lại với kịch như một cái “nghiệp” của cuộc đời, tìm lại “dòng máu sân khấu” chảy trong huyết quản của con trai vợ chồng nghệ sỹ chèo Trần Bảng - Trần Thị Xuân. Đã là “máu chảy trong huyết quản” nên những yếu tố của sân khấu truyền thống như tuồng hay chèo cứ như thể tự nhiên “chảy” vào những tác phẩm sân khấu đương đại của anh.
Trong vở kịch phi lý “Nữ ca sỹ hói đầu”, người ta bất ngờ nhận ra những động tác vung tay áo của các nhân vật, cách họ diễn với những vật thể “ảo” xung quanh mình, điệu cười, giọng nói, biểu hiện gương mặt hỉ - nộ - ái - ố đều có nét gì đó rất “chèo”. Nhưng tất cả những yếu tố đó lại được đưa vào một cách tự nhiên như thể bản gốc của tác giả người Pháp Eugène Ionesco đã là như thế.
Trần Lực vẫn nói rằng, “Nữ ca sỹ hói đầu” quá xuất sắc đến nỗi chẳng có gì Việt hóa cả, trừ màn ngắn cuối cùng đề cập những vấn đề của xã hội châu Âu đã được anh chuyển thành những vấn đề gần gũi với người Việt Nam. Nhưng thực tế, anh đã Việt hóa nó ở khía cạnh vô cùng tinh vi và tinh tế.
Chính Trần Lực cũng chia sẻ rằng, điểm Việt hóa mà anh tự tin nhất trong “Nữ ca sỹ hói đầu” là việc dựng nó theo phong cách sân khấu ước lệ biểu hiện, vốn ảnh hưởng từ sân khấu truyền thống tuồng, chèo, cải lương, qua đó kể một câu chuyện phương Tây bằng ngôn ngữ phương Đông.
Với “Cơn ghen của Lọ Lem” cũng vậy, Trần Lực cho rằng, kịch nước ngoài khi vào Việt Nam thì ít nhiều phải có sự Việt hóa.
"Cơn ghen của Lọ Lem" do LucTeam thể hiện. |
“Chúng tôi đưa câu chuyện của Molière cách đây gần 500 năm về thế kỷ 21, kể lại câu chuyện đó bằng quan điểm của những nghệ sỹ thế kỷ 21 và trở thành câu chuyện của Việt Nam” – Trần Lực chia sẻ. “Ví dụ Molière là 1 thị dân ở Paris thời điểm đó thì chúng tôi biến thành anh xe ôm, các nhân vật khác cũng được Việt hóa và trang phục cũng rất gần gũi. Những lời thoại rất gần gũi với chúng ta bây giờ, đặc biệt là thế hệ trẻ”.
“Sân khấu có không gian riêng của sân khấu”
Trần Lực dựng “Quẫn”, rồi “Cơn ghen của Lọ Lem” và bây giờ là “Nữ ca sỹ hói đầu” nhưng không phải để làm hài lòng đông đảo khán giả bởi với anh “sân khấu có không gian riêng của sân khấu”.
Với anh, thế mạnh của sân khấu là tính ước lệ, ngôn ngữ biểu hiện, khác hẳn với điện ảnh hay những loại hình nghệ thuật khác. Sân khấu hay ở chỗ, nó biến đổi không ngừng theo thời gian, mỗi một lần diễn, mỗi một lần thay đổi yếu tố diễn viên, thậm chí, chỉ là phục trang, sân khấu, ánh sáng, đạo cụ hay âm nhạc… đều mang lại sự mới mẻ, thú vị cho tác phẩm.
“Như trong ‘Quẫn’, trước kia là các bạn trẻ diễn nhưng tôi chỉ cần thay Lê Khanh vào 1 vai diễn thôi thì các diễn viên khác lại cảm thấy một không khí mới, phá tan sự nhàm chán của việc diễn mãi với nhau, mọi người lại hứng khởi, lại hay” – Trần Lực hào hứng chia sẻ.
Còn với “Nữ ca sỹ hói đầu”, lần công diễn tới, họa sỹ mỹ thuật thiết kế sân khấu người Pháp George Burchett cho biết, ông đã chuẩn bị những bộ trang phục mới cho diễn viên. Phần âm nhạc cũng sẽ có sự tham gia của nhạc sỹ Lương Huệ Chinh để tác phẩm trở nên sống động hơn.
“Tác phẩm sân khấu sống lâu được là vì thế, vì nó có thể thay đổi và sáng tạo không ngừng” – Trần Lực khẳng định. Nhưng anh cũng phải thừa nhận, bi kịch của sân khấu Việt Nam hiện nay là nghệ sỹ không thể sống được bằng nghề.
Một cảnh trong hài kịch "Quẫn" do Trần Lực đạo diễn. |
“Nghề diễn viên sân khấu mà không giữ được chất của sân khấu, pha với điện ảnh, gần với đời thường, pha vào sự hài hước của gameshow là đánh mất nghệ thuật sân khấu đích thực” – Trần Lực đau đáu chia sẻ.
“Không kiếm được tiền thì dẹp”
Trần Lực luôn coi sân khấu là một cuộc chơi phải hết mình nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, “nếu chẳng kiếm được tiền thì cũng dẹp luôn”.
“Tiền không chỉ mang lại giá trị về vật chất mà còn là một trong những thước đó đánh giá sản phẩm của mình có được quan tâm, thừa nhận hay không, có đủ hấp dẫn để người ta bỏ tiền ra mua vé hay không” – Trần Lực khẳng định.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội lại dốc hết sức hỗ trợ LucTeam dàn dựng vở “Nữ ca sỹ hói đầu” lần này. Sau ‘Quẫn’ và ‘Cơn ghen của Lọ Lem’, Trung tâm Văn hóa Pháp nhận thấy rằng, khán giả rất thích kịch, chỉ là chưa có những tác phẩm xứng tầm và đáp ứng được thị hiếu của công chúng. Vốn có ý định dựng “Nữ ca sỹ hói đầu” nhưng chưa thực hiện được, sau khi biết ý tưởng lớn gặp nhau với đạo diễn Trần Lực, Trung tâm Văn hóa Pháp đã tích cực hợp tác đưa vở kịch phi lý này đến khán giả thủ đô, coi đây là một đóng góp vào nỗ lực làm cho khán giả, đặc biệt là giới trẻ quay lại với sân khấu kịch./.