Tình trạng “xe dù bến cóc” tồn tại dai dẳng: Tỏ ra phức tạp?

VOV.VN - Tình trạng “xe dù bến cóc” tồn tại dai dẳng và ngày càng công khai, gây mất trật tự an toàn giao thông khiến dư luận rất bức xúc. Việc xử lý tình trạng này chưa triệt để, cùng với lúng túng của cơ quan quản lý càng khiến tình trạng xe dù, bến cóc có lý do để tồn tại.

Chỉ trong vòng 1 tháng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên tiếp 2 lần đề nghị Hà Nội có biện pháp dẹp xe dù bến cóc để đảm bảo công bằng cho vận tải khách tuyến cố định. Trong khi, TP.HCM cũng ra quân dẹp xe dù bến cóc với lý do tương tự.

Vì sao phải đề nghị các đô thị làm việc này, trong khi họ đã nhiều lần thông tin về công tác xử lý? Đó như một động thái sốt ruột của bộ chuyên ngành, khi tình hình đang trở nên xấu đi nhiều mà địa phương vẫn đủng đỉnh hoặc làm chưa tới.

Sự sốt ruột của Bộ GTVT là đương nhiên. Bởi cứ sau mỗi lần báo chí phản ánh, dư luận lên tiếng, các lực lượng lại rốt ráo vào cuộc. Hoặc, thỉnh thoảng vẫn có những kế hoạch của CSGT, thanh tra giao thông, cả công khai lẫn mật phục để phát hiện, xử lý các xe chạy “rùa”, xe chạy “dù” ở quanh bến xe hay các tuyến đường nội thị.

Nhưng rồi, đâu vẫn hoàn đó.

Điều đáng nói, chiêu thức vi phạm không có gì tinh vi. Đến người đi đường cũng rất dễ nhận ra, dễ bắt gặp. Hàng loạt bằng chứng hình ảnh được đưa lên mạng xã hội và các kênh truyền thông. Nhưng biện pháp chỉ dừng lại ở “đẩy đuổi”.

Mà đẩy đuổi, thì vi phạm chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, lúc này sang lúc khác.

Không chỉ bộ GTVT, mà ngay cả người dân cũng thấy sốt ruột và lấy làm lạ. Bởi từ góc nhìn của họ, việc xử lý dứt điểm các vi phạm này đâu có gì quá khó khăn.

Các hành vi lập bến cóc xe dù, đón trả khách sai quy định, dừng đỗ sai quy định gây ách tắc giao thông, đều đã có chế tài. Không cần phải kỳ công mật phục theo dõi, cũng không cần quá nhiều camera đầu tư tốn kém, chỉ cần công khai kế hoạch xử lý, sẽ có rất nhiều bằng chứng được người dân cung cấp.

Cơ quan chức năng chỉ cần hoàn thiện quy trình để phạt nguội thật hiệu quả từ các chứng cứ này, tiến hành xử phạt thật nghiêm, công khai lên phương tiện thông tin đại chúng, vi phạm nhiều lần thì rút giấy phép hoạt động… Các chủ xe và tài xế sẽ không có nhiều cơ hội để tái phạm.

Lực lượng chức năng địa phương cũng đâu cần phải “bắt tận tay” mới xử phạt được. Tất cả xe khách đã buộc phải lắp camera trên xe và giám sát hành trình. Vậy các thiết bị này đi đâu, làm gì, vì sao không hoạt động, hoặc hoạt động thì dữ liệu được quản lý ra sao.

Dữ liệu liên thông, chỉ cần kiểm tra là hoàn toàn có thể xác thực vi phạm.

Nếu lý do là sự “nương tay” khó nói nên lời của lực lượng thực thi công vụ, do thông cảm với tình cảnh của các nhà xe sau 2 năm “đắp chiếu” vì dịch bệnh, điều đó lại càng không thuyết phục, vì đó là việc của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Không thể đánh đổi trật tự an toàn giao thông bằng danh nghĩa của lòng thương cảm.

Tiếp cận câu chuyện bến cóc xe dù từ người quản lý vận tải, người dân cũng không thấy phức tạp gì ghê gớm.

Nếu nhà xe buộc phải chạy “dù” vì ít khách quá, không đủ tiềm lực kinh tế để tồn tại, đương nhiên phải tái cấu trúc doanh nghiệp, liên kết để tăng tiềm lực thay vì hoạt động nhỏ lẻ manh mún;

Nếu khó vì bến xe quá ít khách, thì phải xem lại vị trí bến có còn phù hợp trong sự thay đổi mau chóng nhu cầu đi lại của người dân nữa hay không.

Nếu xe hợp đồng trá hình, hay việc cấp phù hiệu hợp đồng quá dễ dãi để cho các xe nhỏ, xe limousine luồn sâu vào nội đô và ngang nhiên hoạt động như vận tải tuyến cố định, thì phải xem lại việc cấp phù hiệu đã ổn chưa, vì sao bó tay trước xe hợp đồng trá hình.

Nếu các văn phòng giao dịch nhà xe dễ dàng được thành lập trong trung tâm và trở thành nơi tập kết, đón trả khách - tức một bãi xe thu nhỏ, thì không thể không xét đến trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi đó.

Mạch lạc từng lý do dẫn đến bến cóc xe dù, sẽ thấy lý do nào cũng có cách giải quyết. Nhưng vấn đề thực sự, có vẻ như không nằm ở đó, mà ở điểm nhìn.

Bộ GTVT đề nghị địa phương xử lý, với lý do chính là để bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng cho xe khách tuyến cố định.

Còn các đô thị giãi bày chưa thể xử lý được, vì lý do thiếu trang thiết bị, thiếu phương tiện, thiếu người.. điểm nhìn đặt vào sự khó khăn của lực lượng thực thi công vụ.

Trong khi đó, điểm nhìn của người dân hướng về sự ùn tắc vô lý ở những tuyến đường có bến cóc xe dù hoạt động. Sự vô lý của việc, bến cóc xe dù vẫn cứ ngang nhiên hoạt động, ngay cả khi có lực lượng chức năng ở đó.

 Dưới quan sát của nhiều người, câu chuyện đang được làm cho phức tạp hơn nó vốn có.

Khi các điểm nhìn chưa gặp nhau, thì con đường đưa tới giải pháp sẽ vẫn cứ lùng nhùng. Và dù ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông vận tải có “mấy chấm không”, thì bến cóc xe dù vẫn sẽ chuyện “biết rồi, khổ lắm”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên