Tăng cường lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước về văn học, nghệ thuật
VOV.VN - Đảng và Nhà nước cần tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về văn học nghệ thuật từ Trung ương cho tới cấp ủy chính quyền các địa phương.
Đây là giải pháp quan trọng nhất được PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nêu ra tại Hội thảo khoa học toàn quốc của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương diễn ra ngày 5/12.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại Hội thảo.
Bám sát chủ đề “Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: Thực trạng và định hướng phát triển”, Hội thảo đã đón nhận nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ,... thuộc nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ dự Hội thảo nhận định, những yếu tố tác động như cơ chế thị trường, chủ trương xã hội hóa, công nghệ thông tin đã góp phần tạo nên một hình ảnh sôi động, nhiều chiều, tạo ra nhiều xu hướng mới ngày càng nảy nở, phát triển trong văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật… hiện nay.
Một trong những vấn đề thu hút nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ là sự phân hóa sâu sắc về thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Lấy dẫn chứng từ công chúng yêu điện ảnh, NSND Đặng Nhật Minh trăn trở: “Điện ảnh Việt Nam hiện nay được xã hội hóa, nổi bật lên khuynh hướng giải trí, phim giải trí ngày càng áp đảo. Được mặt này thì mất mặt khác, được khán giả đông trong nước, doanh thu cao thì mất giao lưu với thế giới. Nếu muốn giao lưu với thế giới, muốn điện ảnh Việt Nam được tôn trọng như trước đây thì phải có những phim nghiêm túc, nói về xã hội, con người, nền văn hóa của dân tộc”.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, âm nhạc hiện nay có sự khởi sắc mạnh mẽ, các loại hình phát triển đa dạng, phong phú và càng ngày càng tiếp cận, đáp ứng các thị hiếu khán, thính giả. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, ông lo ngại xu hướng lệch chuẩn, mất đi tính chính thống ngày càng thể hiện rõ nét trong âm nhạc hiện đại, đặc biệt là âm nhạc phục vụ giới trẻ.
“Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề là chúng ta chạy theo cơ chế thị trường, trong đó âm nhạc biến thành hàng hóa. Cũng có sự lỏng lẻo, nghiệp dư hóa, chúng ta chưa thực sự chú trọng đến nâng cao tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, bị buông lỏng các sản phẩm âm nhạc, chất lượng các sản phẩm âm nhạc”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.
Trước quan điểm này, nhiều nhà phê bình lại cho rằng, cần phải chấp nhận những xu hướng khác nhau theo dòng chảy của thời đại. Không nên nóng vội chê bai những xu hướng thị trường hóa, đáp ứng nhu cầu giải trí mà cần định hướng cho công chúng, nhất là công chúng trẻ. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm định hướng này, những nhà lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật cần những cơ chế, hành lang pháp lý cụ thể, thiết thực từ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Giới nghiên cứu lý luận, nghệ sĩ sáng tạo thống nhất cho rằng, văn học nghệ thuật hiện nay vẫn đang trên đà đổi mới mạnh mẽ, đã và đang thu nhận thêm những nguồn năng lượng mới từ thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực tiễn của cuộc cách mạng 4.0, thực tiễn lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực tiễn đấu tranh bảo vệ phẩm giá và hoàn thiện nhân cách con người…
Tổng kết các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nêu giải pháp: “Thứ nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về văn học nghệ thuật từ Trung ương cho tới cấp ủy chính quyền các địa phương. Đây là giải pháp chúng tôi cho rằng là hàng đầu.
Thứ hai là có những cơ chế chính sách tiếp tục bồi dưỡng đào tạo các tài năng văn học nghệ thuật. Thứ ba là hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo nguồn lực cho văn học nghệ thuật phát triển.
Điểm nữa là hướng dẫn thị hiếu thẩm mỹ văn học nghệ thuật cho công chúng. Ngay cả công tác lý luận phê bình cũng cần phải chỉ ra được cái hay, cái đẹp. Từ Hội thảo, từ lý luận mà đi đến thực tiễn mà có được những cố gắng để tạo những đột phá thì chắc chắn là mục đích của Hội thảo sẽ đạt được trong đời sống”.
Sau Hội thảo, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ tiếp thu ý kiến của các nhà nghiên cứu để tổng kết, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện các chính sách về văn học, nghệ thuật; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường sự lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật trong tình hình mới./.