Thành Chương tìm người để hiến tặng Việt Phủ
(VOV) - "Tôi xây dựng Việt Phủ với một động cơ trong sáng là lưu giữ lại những cái đẹp tinh tế của văn hóa mỹ thuật Việt..."
Hoạ sĩ Thành Chương: Theo lẽ bình thường nhất thì không cần tính toán gì, chúng tôi hoàn toàn có thể để lại cho các con. Giữ được gì thì giữ, chẳng giữ được thì đó là việc của chúng. Thế nhưng sự việc ở đây không đơn thuần và đơn giản bởi cái thực tế Việt Phủ đã trở thành một giá trị tinh thần chung của xã hội
Lịch sử Việt Nam không thiếu di sản, nhưng số lượng mất mát vì chiến tranh, thiên tai, vì quan niệm sai lầm của con người là vô cùng lớn. Cái còn lại phải nói rất ít ỏi, mong manh. Ra nước ngoài, đến bất cứ quốc gia nào, nhìn họ mà ngẫm đến ta. Tôi thấy di sản của cha ông mình còn lại sơ sài quá, nghèo quá. Ý thức được điều đó mà nghĩ đến một việc lớn hơn, lâu dài hơn, là tìm cách để khi mình không còn nữa, thì nó không bị mất đi. Đó là một trách nhiệm lớn.
Họa sĩ Thành Chương (ảnh: Nguyễn Việt Thanh) |
PV: Vậy đối tượng hiến tặng của anh là ai và tiêu chí như thế nào?
Hoạ sĩ Thành Chương: Có thể là bất kì ai. Một tổ chức chính thống, không chính thống, một cá nhân.v.v. Việt Phủ là một quần thể văn hóa nghệ thuật đã có bề dày, được mọi người yêu mến và công nhận về giá trị xã hội, vì vậy tất nhiên việc cho tặng không thể như cho tặng một chiếc nón lá. Chúng tôi sẽ mời một hội đồng, gồm các chuyên gia uy tín hàng đầu tư vấn cho chúng tôi để đảm bảo tính toàn vẹn của mục đích này.
PV: Đưa ra lời đề nghị vào lúc này, liệu có phải giờ chi phí cho Việt Phủ Thành Chương quá lớn và anh không kham nổi?
Hoạ sĩ Thành Chương: Không hoàn toàn như vậy. Chúng tôi đủ sức duy trì trong một thời gian dài nữa, nhưng việc chuyển giao cần phải chuẩn bị từ bây giờ. Tôi đã ngoài 60 rồi. Việc duy trì nó tồn tại như bây giờ thực sự là chưa xứng với giá trị của nó. Đó là điều mà tôi và vợ tôi nghĩ. Tuy nhiên, chúng tôi dù rất muốn cũng không thể đầu tư thêm.
Tôi mong rằng ý tưởng này của tôi sẽ thu hút sự chú ý của những người giàu Việt Nam đến với việc duy trì một giá trị tinh thần cho xã hội, cùng quan tâm, lo lắng giữ gìn văn hóa Việt, và cùng tâm huyết như tôi. Chúng ta sẽ mang ơn họ. Xin nói thật rằng, chúng tôi cảm thấy khá hồi hộp (Cười).
PV: Được biết, Việt Phủ có thành lập công ty và có tổ chức bán vé để lấy thu bù chi?
Hoạ sĩ Thành Chương: Ban đầu là như vậy, nhưng hiện nay chúng tôi đã chuyển đổi hình thức, thành hộ kinh doanh gia đình, nhẹ nhàng hơn, vừa sức hơn. Mục đích là có nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc duy trì môi trường, cảnh quan và dịch vụ phục vụ cho khách đến thăm. Đúng là lấy thu bù chi thôi.
PV: Nói thật là khi nghe thiên hạ đồn anh xây Việt Phủ tôi từng nghĩ anh là người rất giàu, thừa tiền đến độ chơi…ngông. Nhưng khi đặt chân đến đó, tôi lại có một cảm nhận hoàn toàn khác. Phải có lòng tin vững chắc và mạnh mẽ vào sức lan toả của văn hoá Việt Nam thì mới làm được như vậy.
Hoạ sĩ Thành Chương: Ôi, hạnh phúc vì việc làm của mình, tình yêu văn hoá mạnh mẽ của mình đã truyền cảm xúc đến nhiều người. Du khách đến đây thường chia sẻ rằng họ bỗng cảm thấy yêu đất nước mình, điều tưởng như sách vở và xa xôi, nay thấy yêu thật cụ thể, yêu cha ông và tự hào về cha ông, thêm yêu dân tộc và mảnh đất mình sinh ra. Đó là hiệu ứng mà tác phẩm nghệ thuật của tôi mang lại cho xã hội. Thực ra lúc đầu tôi chẳng nghĩ đến mức như thế. Mình không định trước như thế. Chỉ dâng hiến hết mình. Và thành công đến ngoài sức tưởng tượng.
Một góc Việt Phủ (ảnh: Hữu Bảo) |
Tất nhiên phải tiêu tốn nhiều tiền thì mới làm được như thế. Bởi vì từng món đồ trong đấy, món nào cũng là tiền hết. Chưa kể một cái nhà như thế bê về cũng là tiền đã đành, đập đi cũng là tiền, vác đi vứt đi cũng là tiền. Nhiều tiền đến mức độ mình không dám tính toán, bởi vì nếu tính toán thì mình sẽ không dám làm nữa. Mục đích có rồi và mình làm mọi cách để đạt được nó.
Nếu tôi là Phạm Nhật Vượng (tỉ phú đôla đầu tiên của Việt Nam - theo Forbes) thì số tiền ấy chẳng thấm tháp gì. Nhưng tôi là họa sĩ, cả đời chỉ biết mỗi chuyện làm nghệ thuật, làm mà không tính toán được thua là để khỏi nhụt chí nữa (cười). Vợ tôi đã phải chịu đựng tôi rất nhiều.
PV: Đúng vậy, để có một cơ ngơi thế này, không thể không nhắc đến hậu phương vững chắc là chị Ngô Hương, vợ anh. Tuy nhiên vì có lúc muốn giúp anh một cách thiết thực, chính chị đã đề nghị anh đưa “tác phẩm” của anh vào hoạt động phục vụ du khách để mong tự nó nuôi nó, điều đã khiến anh hiểu lầm chị, thậm chí rất…nặng nề. Thì ra chắp cánh cho tâm huyết và thành công của một người nghệ sĩ có khi không phải là sự lãng mạn mà lại phải là một cái nhìn hiện thực khách quan?
Hoạ sĩ Thành Chương: Tôi xây dựng Việt Phủ Thành Chương với một động cơ trong sáng là lưu giữ lại những cái đẹp tinh tế của văn hóa mỹ thuật Việt, gắn liền với đời sống tâm linh. Đầu óc chuyên chú vào nghệ thuật đơn thuần, tôi đã không chú ý đến việc phải duy tu bảo dưỡng nó cũng tốn tiền thế nào.
Hương là người văn minh lắm. Cô ấy nhìn thấy mọi vấn đề từ ngày đầu tiên. Mình thì lãng mạn nên chỉ nghĩ đến cái đẹp, lúc đầu nghĩ đến chuyện đem ra kinh doanh mình cũng khó chịu. Sau này hiểu ra vấn đề không phải là như vậy. Vì thế, bây giờ có những người hiểu không đúng về mình thì mình cũng thông cảm bởi mình cũng đã từng như thế.
Ở nước mình là như vậy. Thực sự, việc gọi là kinh doanh như bây giờ không vì lợi nhuận, chỉ để là để thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc duy tu bảo dưỡng thôi. Tự nó nuôi nó mà mình không phải bỏ tiền túi ra nữa. Với thế giới, một nơi như Việt Phủ sẽ vừa được bảo vệ, vừa được tôn vinh, tạo điều kiện khai thác triệt để nhằm đem lại lợi ích và lợi nhuận. Câu chuyện lại quay về chính sách của Nhà nước đối với phát triển văn hóa.
PV: Xin cảm ơn anh./.
Việt Phủ có diện tích 10.000m2 được khởi công từ năm 2001, hoàn thành cơ bản sau 3 năm và từ đó đến nay không ngừng được hoàn thiện.
Việt Phủ là một công trình làm theo nghệ thuật và quan điểm của riêng hoạ sĩ Thành Chương về cách lưu giữ và bảo vệ di sản văn hóa. Ông đã làm ra nó với một tinh thần độc lập cao nhất, về quan điểm nghệ thuật, cũng như về kinh phí đầu tư.