Thao Giang - Từ học trò đến thầy giáo

(VOV) - 9 năm làm học trò, 13 năm làm thầy giáo, nhạc sĩ Thao Giang đã để lại dấu ấn đẹp ở Học viện Âm nhạc.

Những năm 60,70 của thế kỷ trước chúng tôi đã cùng với Thao Giang thực hiện nhiều buổi thu thanh các tiết mục độc tấu và hòa tấu âm nhạc dân tộc tại 58 phố Quán Sứ để giới thiệu trên sóng phát thanh quốc gia. Năm 2000, nhạc sĩ Thao Giang đã cùng chúng tôi làm chung một “chương trình dân ca và nhạc cổ truyền” dự thi và đoạt giải của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Mỗi lần gặp nhau chúng tôi đều có dịp ôn lại những buổi thu thanh đầy kỷ niệm ấy. Nhớ nhất là chuyện sau khi Đài TNVN phát bài ”Kể chuyện ngày mùa” một thính giả gửi thư về đề nghị Đài cho biết địa chỉ của bác nghệ nhân Thao Giang! Chuyển lá thư cho Giang, anh chàng mới hơn 20 tuổi ấy đã được nâng lên thành bậc bác. Anh cười vui mà rằng: “Tiếng đàn của em làm gì đã được điêu luyện như nghệ nhân. Còn lâu mới đạt được”.

 

Nhạc sĩ Thao Giang đang thả hồn mình vào từng giai điệu xẩm (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Năm 1958, cậu bé Thao Giang, quê ở Mỹ Hưng, Thanh Oai (Hà Tây cũ) lên 10 tuổi, vào học sơ cấp âm nhạc. Thao Giang cần cù chịu khó, vượt qua được những khó khăn và cả những lời chế giễu để quyết tâm sử dụng tốt cây đàn Nhị mà mình yêu thích. Nỗi mặc cảm tự ti không làm giảm lòng yêu Nhị cũng như sự phấn đấu học tập của anh. Các điểm thi chuyên môn đều từ khá đến tốt. Nhất là từ khi lên trung cấp, được học bác Vũ Tuấn Đức, năng khiếu của Thao Giang ngày càng phát triển, tư tưởng tự ti về nhạc cụ cũng bớt dần. Bác Đức tận tình chỉ bảo Thao Giang, chú ý rèn nhiều cho anh về kỹ thuật cơ bản, đồng thời động viên anh học thêm sáng tác - lý luận. Bác tâm sự với anh: “Phải biết tự hào về cây Nhị cha ông ta để lại, ai chế nhạo kệ họ!”

Năm 1965, trường nhạc sơ tán lên Bắc Giang. Sống với bà con nông dân, Thao Giang mới thấy rõ người dân yêu nhạc cụ cổ truyền biết chừng nào! Những buổi chiều ngồi trên thềm nhà tập Nhị, bà con xúm quanh đông đảo nghe anh tập hàng giờ, rất say sưa. Được nuôi dưỡng trong bầu không khí ấy, Thao Giang cảm thấy rõ hơn bao giờ hết mối quan hệ gắn bó giữa nghệ thuật với đời sống. Anh thấy cần sáng tác một cái gì đó phản ánh được sinh hoạt của nhân dân lao động để có thể diễn tấu bằng tiếng Nhị. Dù khả năng trình độ có hạn, Thao Giang bắt đầu công việc đó bằng một tác phẩm biến tấu bài “Mừng hội cướp bông” từ một làn điệu chèo quen thuộc. Sau thành công bước đầu ấy Thao Giang đã tin hơn và hào hứng viết thêm một số bài khác.

Năm 1967 thi tốt nghiệp trung cấp, Thao Giang biên soạn và biểu diễn bài “Lý chiều chiều” mạnh dạn tự soạn bè đệm, mặc dù lý thuyết về sáng tác lúc đó anh chưa vững. Anh đã đạt điểm cao nhất và được hội đồng chấm thi khen ngợi. Sau đó Thao Giang được giữ lại ở trường làm công tác giảng dạy.

Với nhiệm vụ đào tạo, nhưng Thao Giang vẫn rất mê biểu diễn và sáng tác. Một trong những bài được anh sáng tác và biểu diễn thành công nhất là bài “Kể chuyện ngày mùa”. Bài nhạc dựa trên âm điệu tiết tấu bài nhạc Chèo nổi tiếng “Con gà rừng”, nhưng anh đã khéo nâng cao phát triển và biến nó thành những âm thanh rộn ràng sinh động giàu màu sắc, phản ánh không khí tấp nập khẩn trương và tươi vui trong những ngày gặt hái từng bừng ở một làng quê.

Bài “Kể chuyện ngày mùa” đã cho thấy ngôn ngữ của Nhị quả là phong phú hâp dẫn. Thường mỗi lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nông dân, Thao Giang phải biểu diễn lại theo yêu cầu của khán giả. Sau khi tiết mục này phát trên Đài TNVN, Thao Giang nhận được khá nhiều thư thính giả yêu cầu gửi cho họ bản nhạc đó để tập. Cùng với bài “Xe chỉ luồn kim”, nó đã được dư luận đánh giá là bài tiêu biểu cho trình độ Nhị hiện thời. Nhưng Thao Giang không chủ quan, luôn nhớ lời bác Đức, người thầy mà anh kính mến: “Phải dè chừng ảnh hưởng của phong cách chơi Violon, đừng để người nghe nhầm lẫn âm thanh giữa hai nhạc khí ấy!”.

 Anh gặp Tạ Bôn, Bích Ngọc, những nghệ sĩ Violon nổi tiếng, cả Bùi Gia Tường, nghệ sỹ chơi đàn Senlo để tham khảo ý kiến. Anh còn xin tiếp tục học một số nghệ nhân như các bác Đinh Lạn, Trần Kinh để cố nắm bắt được phong cách cổ truyền. Cứ thế Thao Giang quyết tâm vươn lên, đến năm 1979, anh được đặc cách tốt nghiệp Đại học.

Sau 5 năm thực tập trên đại học tại Cộng hòa Ấn Độ, trình độ Thao Giang được nâng lên trong giảng dạy và cả trong tiếng đàn điêu luyện của mình. Ngoài việc hoàn thành giáo trình cho lớp trung học 11 năm về đàn Nhị và đàn Hồ, anh còn cố gắng nâng cao phương pháp biến tấu và chú ý đến việc cải tiến nhạc cụ. Nắm vững phương châm dân tộc và hiện đại, ngay từ những năm đầu giảng dạy và biểu diễn, anh đã nhận thấy cây Nhị của ta bị hạn chế vì dây cước chỉ có thể đánh được âm vực ngắn (một quãng 8) âm thanh thường cao hơn âm chuẩn. Anh thử thay dây sắt nhưng vẫn không hơn được bao nhiêu. Sau khi tham khảo đàn Nhị của Triều Tiên, Trung Quốc, anh đề nghị mở rộng hộp cộng hưởng và quy định lại hệ thống lên dây cho thật chuẩn. Âm vực do đó đã được mở rộng hơn, nhưng Thao Giang vẫn chưa hài lòng về mặt da, anh đã đặt thêm một miếng đệm phía dưới da cho tiếng đàn khỏi sạn và tiếng đàn nghe tốt hơn hẳn.

 

 Nghe bản nhạc Kể chuyện ngày mùa của Nhạc sĩ Thao Giang

Những công trình cải tiến đàn Nhị của Thao Giang đã được báo cáo trước hội nghị sáng kiến, phát minh cấp nhà nước. Ngoài bài “Kể chuyện ngày mùa” viết cho đàn Nhị, anh còn có “Hương rừng” viết cho đàn Tam thập lục, “Ao cá Bác Hồ” viết cho đàn Tranh, “Du thuyền trên sông Hương” viết cho đàn Bầu, “Đường xa vui những tiếng đàn”viết cho đàn Tỳ bà…

9 năm làm học trò, 13 năm làm thầy giáo, nhạc sĩ Thao Giang đã để lại dấu ấn đẹp nơi mái trường Học viện Âm nhạc.

Vài năm gần đây, vào tối thứ bảy hàng tuần trên phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân, tiếng trống phách, tiếng nhị cùng với tiếng hát Xẩm lại rộn ràng giữa trung tâm Thủ đô; thu hút không ít người Hà Nội và khách nước ngoài đến thưởng thức. Người ta thấy nhạc sĩ Thao Giang trong vai nghệ nhân kéo Nhị, nhưng ít người biết rằng anh còn là Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển âm nhạc nghệ thuât của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh cùng với nhạc sĩ Minh Khang và các nghệ nhân, nghệ sĩ khác góp phần bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc trong thời đại mới. Cây Nhị đã đưa anh đến với đỉnh cao của nghệ thuật, với sự khâm phục của nhiều lớp học trò thân yêu như Thế Dân, Đình Nghi, Sĩ Toán, Văn Hà… Cây Nhị cũng đã cùng anh đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới.

Những biên tập viên âm nhạc trẻ hiện nay ở Đài TNVN rất vui lại cùng với thầy giáo Thao Giang tiếp tục giới thiệu hát Xẩm với thính giả cả nước và bà con Việt Nam đang sống xa Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên