Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – hội tụ văn hóa tâm linh

Từ ý thức thờ cúng tổ tiên của người Việt, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã xây dựng nên hệ ý thức Việt Nam về biểu tượng cội nguồn, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Giá trị đặc sắc của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vấn đề bảo tồn, mối quan hệ giữa vai trò quản lý của Nhà nước với việc tăng cường sự tham gia, làm chủ của người dân trong thực hành nghi lễ… là những nội dung chính được thảo luận tại tọa đàm khoa học với chủ đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – hội tụ văn hóa tâm linh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam”, do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức sáng nay tại thành phố Việt Trì.

Một lần nữa, các nhà khoa học khẳng định giá trị độc đáo, sức sống mãnh liệt, bản sắc văn hóa dân tộc của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Bắt nguồn từ ý thức thờ cúng tổ tiên của người Việt, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã xây dựng nên hệ ý thức Việt Nam về biểu tượng cội nguồn, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tọa đàm lần này cũng nhằm góp phần hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có việc làm rõ vai trò của cộng đồng trong thực hành nghi lễ. Trong khi có nhiều ý kiến lo ngại về sự can thiệp quá nhiều của Nhà nước trong lễ hội hơn là sự tham gia của người dân, nhất là ở các làng, xã.

Giáo sư, Viện Sĩ Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: “Tôi nghĩ về nguyên tắc không có di sản nào tồn tại vững vàng và phát huy giá trị nếu không có vai trò của Nhà nước. Nhưng vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước như thế nào để không can thiệp, hạ thấp vai trò của cộng đồng, không can thiệp ngăn cấm sự phát hiện của cộng đồng. Vai trò của Nhà nước ở đây trước hết là tổ chức chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự bảo tồn, phát hiện và nuôi dưỡng các giá trị”.

Về việc làm thế nào để đẩy mạnh vai trò của cộng đồng trong thực hành nghi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia đề xuất: “Ví dụ như: 108 làng thờ cúng Hùng Vương và rất nhiều làng xã xung quanh đền Hùng không những thờ cúng vua Hùng mà còn nhiều tín ngưỡng nữa. Nhiều lễ hội mà tỉnh vẫn chưa cho phép 1 số tín ngưỡng ở các làng xã đó phục hồi. Vậy thì ở đây phải làm thế nào để làm sống lại hoạt động tín ngưỡng của các làng xã đó, khuyến khích động viên, tạo điều kiện cho các làng xã đó phát triển các lễ hội và thực hiện, thực hành thờ cúng”.

Các đại biểu cũng xem xét sự gắn kết giữa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với các tín ngưỡng thờ phụng khác bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, như: thờ các hiện tượng tự nhiên liên quan đến nền nông nghiệp lúa nước, quan niệm tín ngưỡng cổ xưa trong quá trình dựng nước và giữ nước mà người dân sáng tạo ra, lưu truyền và thực hiện trong đời sống…

Những ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ hỗ trợ thiết thực cho quá trình xây dựng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đang đề nghị UNESCO xét duyệt trong năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên