Tranh cãi chuyện thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ
VOV.VN - Nhân vật Trần Hoằng Nghị (thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ) và ngôi đền thờ gây tranh cãi vẫn được giới truyền thông giới thiệu, ngày càng gây bức xúc.
Nhân vật “tồn nghi” chưa từng có tên trong sử sách
Trong các tài liệu lịch sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, An Nam chí lược, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt Nam sử lược, Việt sử lược,…thì thân phụ của Trần Thủ Độ chỉ thấy ghi: Cha mẹ mất sớm, từ nhỏ sống với người bác là Trần Lý. Hoàn toàn không thấy dòng nào, câu nào nói về nhân vật Trần Hoằng Nghị.
Bàn thờ Hoằng Nghị Đại Vương trong ngôi đền thờ tổ họ Trần đồ sộ được xây dựng tại thôn Phương La, xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình. |
Tìm hiểu các tài liệu đề cập đến Trần Hoằng Nghị, sớm nhất thấy có bài tham luận “Trần Thủ Độ với Thái Bình” của tác giả Dương Quảng Châu (đã chết) được trình bày tại hội thảo ngày 26/4/1994, do Viện Sử học và Sở VHTT tỉnh Thái Bình tổ chức. Ông Dương Quảng Châu vốn là cán bộ hưu trí, nhà nghiên cứu lịch sử ở địa phương. Năm 1995, Viện Sử học và Sở VHTT tỉnh Thái Bình đưa bài tham luận này vào sách “Trần Thủ Độ - con người và sự nghiệp”.
Theo bài viết của ông Châu, vào năm 1989, ông về thôn Tô Hiệu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, Thái Bình lấy tư liệu, được cho xem tấm bia ghi bà Đàm Thị Vương Phi (thành hoàng làng) lấy ông An Hạ vương. Hai ông bà chết ở Động Núi (Tây Thanh - Nghệ) năm Bảo Phù thứ 9 (1276). Sau đó được đưa về an táng ở Trực Nội (Đông Xuân, Đông Hưng, Thái Bình). Từ thông tin nói trên, các bô lão ở Trực Nội vào vùng Động Núi được các bô lão địa phương cho biết: ở vùng này nhiều nơi thờ An Hạ đại vương. Theo thần phả ghi An Hạ vương là con trai thứ hai của Trần Hoằng Nghị đại vương, em An Quốc vương, là anh Trần Thủ Độ”.
Điều đáng nói, ở cuối bài tham luận của mình, ông Châu viết: “Do có nhiều khó khăn, hạn chế về tư liệu, trên đây là mấy suy nghĩ bước đầu, mong được các nhà khảo cổ, văn hóa, lịch sử tiếp thêm công sức làm sáng tỏ vấn đề...”.
Theo bài viết trên của ông Dương Quảng Châu, người làm khoa học khó mà kiểm chứng “mấy suy nghĩ bước đầu” của ông. Thêm nữa, các bô lão nào ở Trực Nội đã vào Động Núi tìm tư liệu?; Động Núi cụ thể ở đâu?; Thần phả nào ghi An Hạ vương là con thứ hai của Trần Hoằng Nghị, anh Trần Thủ Độ?...
Từ những “suy nghĩ bước đầu, mong được các nhà khảo cổ, văn hóa, lịch sử tiếp thêm công sức làm sáng tỏ vấn đề...” của ông Châu, đã có thêm nhiều hội thảo, bài viết, sách được xuất bản, trong đó cuốn “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam thờ 21 vị có công lớn nhất thời Trần thế kỷ XIII - XIV” do ông Trần Đại Thanh, Giám đốc Trung tâm văn hóa Đại Việt biên soạn và được xuất bản vào năm 2013; cuốn sách “Đức Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn - tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La, Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình” do NXB Thế giới xuất bản năm 2015… nhằm làm sáng tỏ về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Điều đáng nói, các bài trong cuốn sách đều sử dụng những tư liệu ban đầu của ông Dương Quảng Châu.
Nhiều ấn phẩm viết về Trần Hoằng Nghị lấy căn cứ từ "những thông tin ban đầu" của nhà nghiên cứu Dương Quảng Châu. |
Bài viết trong cuốn “Đức Hoằng Nghị đại vương”, PGS.TS Nguyễn Minh Tường lại cho rằng, Hoằng Nghị đại vương không ai khác chính là Trang Nghị đại vương.
Là người dịch nhiều văn bản Hán Nôm, tiến sĩ Mai Hồng chia sẻ: “Khoảng tháng 6/2006, ông Vũ Xuân Trường - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và Trưởng thôn Phương La đã gặp tôi đề nghị dịch một số tài liệu”.
Theo đó, bản thần phả có liên quan đến Trang Nghị đại vương khi phù trợ cho Thứ sử Cao Biền đánh giặc Nam Chiếu và phù trợ vua Lê Đại Hành đánh tan 30 vạn quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy, sắc phong và thần tích viết: “Sau khi quân Tống bị tiêu diệt, quân sĩ ta khải hoàn, triều đình khao thưởng tướng sĩ là nhờ có công trợ giúp của thần linh. Cho nên triều đình phong tặng cho 4 vị sấm sét (Lôi Oanh), sắc phong nguyên chữ thần hiệu: Phong Thanh Cung đại vương; Phong Chàng Chiểu đại vương; Từ Kinh đại vương; Trang Nghị đại vương”.
Tại hội thảo ngày 9/1/2007 do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức với nội dung: “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn - tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La, Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình”, TS. Mai Hồng chia sẻ: Tôi đã dịch sắc phong và thần tích về Trang Nghị đại vương được thờ ở làng Mẹo (tên gọi khác của làng Phương La). Đó là thiên thần chứ không phải nhân thần. Mà vị thiên thần này lại phù giúp Thứ sử Cao Biền đi đánh giặc Nam Chiếu. Tức là cách thời Trần tới 5 thế kỷ. Hai yếu tố này cho phép khẳng định Trang Nghị Đại vương không thể là bố của Trần Thủ Độ…”.
Tại hội thảo, trước những “phản biện” sắc sảo, GS. Vũ Khiêu đã kết luận: nhân vật Trần Hoằng Nghị còn nhiều tồn nghi.
Từng bị cắt bỏ khỏi sách lịch sử nhưng vẫn được VTV giới thiệu
Tháng 10/2018, PGS.TS Nguyễn Minh Tường lại đưa nhân vật còn tồn nghi là Trần Hoằng Nghị vào cuốn Lịch sử Việt Nam phổ thông do chính ông chủ biên. Việc này một lần nữa gây bức xúc đối với dòng họ Trần Việt Nam. Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát, Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam, Trưởng Ban đại diện Ban liên lạc họ Trần Việt Nam đã có thư kiến nghị gửi Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học. Viện cũng đã ra văn bản ngày 12/10/2018, yêu cầu PGS.TS Nguyễn Minh Tường cắt bỏ phần liên quan đến nhân vật Trần Hoàng Nghị trong sách sử.
Sách "Thuyết Trần" - Sử nhà Trần. |
Trong khi nhân vật Trần Hoằng Nghị còn nhiều tồn nghi, thì đến ngày 30/12/2018, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) lại cho phát sóng phim tài liệu ngắn (15 phút) “Đức Hoằng Nghị Đại Vương”, và sau đó phát lại 4 lần trên sóng VTV. Việc này một lần nữa lại làm nóng lên những bức xúc của con cháu dòng họ Trần Việt Nam, dấy lên những nghi ngờ của người dân xung quanh việc có hay không công nhận nhân vật còn tồn nghi - Trần Hoằng Nghị.
Về vấn đề này, Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát nêu ý kiến: Tôi cho rằng, sự việc bịa ra nhân vật Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là một sự lừa đảo. Cho nên đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý việc này. Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc để cho PGS.TS Nguyễn Minh Tường và những nhà nghiên cứu liên quan viết ra nhân vật không có thật. Chúng tôi cũng đã có đơn đề nghị các cơ quan như Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL); Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu làm rõ sự việc. Các cơ quan này cũng đã yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình; Sở VH,TT&DL tỉnh Thái Bình báo cáo sự thật. Tuy nhiên đến nay chưa thấy hồi âm.
Trong khi giới nghiên cứu lịch sử tiếp tục tranh cãi, các cơ quan quản lý chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm thì nhân vật còn tồn nghi - Trần Hoằng Nghị vẫn tiếp tục được tuyên truyền, giới thiệu và “đi vào sử sách”.
Sự việc người dân, giới khoa học lịch sử tập trung nghiên cứu, tìm hiểu ai là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ đã và đang làm sáng tỏ sự thật của lịch sử, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người dân. Tuy nhiên những nhận định, kết luận về một vấn đề lịch sử cần phải dựa vào những chứng lý thuyết phục. Trong khi đó, nhiều tham luận, sách được xuất bản sau này chỉ dựa vào “những thông tin ban đầu” của tác giả Dương Quảng Châu để khẳng định Trần Hoằng Nghị là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ thì quả thật tính thuyết phục trong nghiên cứu khoa học lịch sử là chưa cao. Vì thế, giới nghiên cứu khoa học lịch sử, dòng họ Trần phản ứng là điều dễ hiểu./.