UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm là di sản đại diện của nhân loại
VOV.VN - UNESCO đã chính thức công nhận di sản Ví, Giặm của Việt Nam vào Danh sách di sản đại diện của nhân loại.
Ngay sau báo cáo của hội đồng xét duyệt, đại biểu Marc Jacobs của Bỉ - 1 trong 24 nước thành viên Ủy ban Liên chính phủ của Công ước 2003 đã có phát biểu, nhấn mạnh hồ sơ của Việt Nam rất đặc biệt với nhiều giá trị quan trọng, đặc biệt và rất xứng đáng được vinh danh.
Trả lời phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nói: ""Đây là một quyết định quan trong với hai tỉnh nói riêng, với Việt Nam nói chung. Nhận thức được Dân ca Ví, Giặm là di sản đại diện của nhân loại, là tài sản của nhân loại, Việt Nam cam kết thực hiện tốt các quy định công ước để bảo tồn di sản".
Ông Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ niềm vui và tự hào đồng thời khẳng định tỉnh sẽ có chiến lược bảo tồn, phát huy và đặc biệt là truyền dạy cho các thế hệ trẻ để gìn giữ Dân ca Ví, Giặm - nay đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
"Đây là niềm vinh dự và tự hào chúng tôi sẽ có chiến lược và các kế hoạch với các nội dung cụ thể để phát huy thế mạnh của di sản, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu hơn về giá trị của di sản và tổ chức sưu tầm nghiên cứu, truyền dạy qua các sinh hoạt cộng đồng, đồng thời tổ chức các liên hoan Ví Giặm các cấp, ban hành chính sách với các nghệ nhân, các câu lạc bộ, chính quyền các cấp phải đầu tư kinh phí cùng với xã hội hóa để Dân ca Ví Giặm mãi mãi trường tồn", ông Nguyễn Thiện nói.
Giáo sư Trần Quang Hải, chuyên gia về âm nhạc truyền thống Việt Nam, người đã sát cánh cùng các cơ quan của Việt Nam trong việc xây dựng và đệ trình hồ sơ Dân ca Ví, Giặm xúc động cho biết: "Tôi rất sung sướng khi UNESCO công nhận thêm một loại hình âm nhạc của Việt Nam là di sản của nhân loại. Đây là niềm vinh dự và tự hào của dân tộc Việt Nam, chúng ta có được một loại hình được UNESCO công nhận. Lời hát bộc lộ được những thể thiên phú của Việt Nam là lục bát, song thất lục bát, hay ngụ ngôn. Hát Ví, hát vói, hát với, vừa hát vừa Giặm, có nhiều tiết tấu, thoát ra một cấu trúc thể hiện sự phong phú dựa trên những thang âm ngũ cung, tức cung rất đặc biệt của âm nhạc truyền thống của Việt Nam".
Theo nhiều chuyên gia về di sản, dân ca Ví, Giặm có sức sống mãnh liệt và là niềm tự hào của từng người dân xứ Nghệ, ca từ của dân ca Ví, Giặm cũng đời thường và dung dị, do đó, công tác bảo tồn sẽ không gặp nhiều thách thức như các loại hình nghệ thuật đài các và đòi hỏi sự tinh tế và cầu kỳ trong biểu diễn. Mặc dù vậy, cũng có một số khó khăn đối với Dân ca Ví, Giặm như phải làm sao để vừa quảng bá, sân khấu hóa được di sản nhưng không đời thường hóa nó và phải làm sao để Dân ca Ví, Giặm - vốn gắn bó chặt chẽ với phương ngữ xứ Nghệ - có thể lan tỏa ra bên ngoài, được hiểu và yêu thích bởi các cộng đồng khác./.