Ước mơ tìm về cội

Trong một ngày mùa thu Hà Nội, VOV Giao thông Online đã có cuộc trò chuyện với người sáng lập ra CLB Đào nương Phạm Thị Huệ.

Đọc truyện đêm khuya
  • Tiếng thơ
  • Những tình khúc thế kỷ
  • Cửa sổ tình yêu
  • Được thành lập vào tháng 8/2006 với mong muốn bảo tồn nghiệp tổ Ca Trù, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long hiện là nhóm đi tiên phong trong việc phục hồi hình thức Hát Cửa Đình với đầy đủ các thể thức như dàn bát âm và các làn điệu múa hát cổ cửa đình.
     
    ** Xin chào chị Phạm Thị Huệ. Chị có thể giới thiệu một vài nét về giáo phường ca trù Thăng Long?
     
    Chúng tôi gồm có nghệ nhân Nguyễn Phú Đệ (Hải Dương) và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, những người thầy đã truyền dạy nghề cho tôi, và cũng hy vọng tôi sẽ là người tiếp nối và truyền lại cho thế hệ trẻ.
     
    Hiện nay chúng tôi cũng đã mở những điểm biểu diễn tại phố cổ Hà Nội với mong muốn đưa ca trù trở lại với người dân Hà Nội như ngày xưa, và cũng để giới thiệu nét đẹp văn hóa của truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế. Địa điểm mà chúng tôi vừa mở ra là 87 Mã Mây – ngôi nhà truyền thống, và một điểm nữa là Đền Quán Đế 28 Hàng Buồm, đây cũng là một ngôi đền cổ kính, rất phù hợp với không gian văn hóa của ca trù.
     
    Bên cạnh đó, ca trù Thăng Long cũng đào tạo một số bạn trẻ, đây là những người có tấm lòng yêu mến và mong muốn gìn giữ môn nghệ thuật này. Cùng với đó, giáo phường ca trù Thăng Long cũng tiếp đón rất nhiều quí khách từ nước ngoài và các bạn sinh viên tới để tìm hiểu nghệ thuật truyền thống.
     
    ** Liệu, những nỗ lực của chị cũng như những người thành lập nên giáo phường ca trù Thăng Long có thể vượt qua những khó khăn hiện tại?
     
    Điều khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để quảng bá và truyền được ý thức của mọi người nói chung, kêu gọi tinh thần tập thể để cùng nhau gìn giữ di sản.
     
    Các thành viên trong gia đình các nghệ nhân thì đã có tinh thần đó, họ đang miệt mài luyện tập và biểu diễn hằng đêm. Nhưng để có sự thành công thì không thể thiếu được sự hỗ trợ của các thính giả, những người đồng hành cùng giá trị di sản văn hóa.
     
    Một trong những khó khăn lớn nhất là làm sao để tìm ra nguồn kinh phí. Chúng tôi luôn cố gắng xoay xở để giữ những hoạt động đó luôn luôn được duy trì. Bên cạnh đó về hoạt động đào tạo ca nương, không chỉ truyền nghề, mà còn hướng cho các em có nếp sống văn hóa giống như xã hội ca trù ngày xưa đó mới là điều chúng tôi trăn trở. Vì ngày xưa thì có giáo phường, và luật lệ cũng rất rõ ràng. Ví dụ sẽ phân công ai đi đàn hát ở đâu, và có những luật lệ như là cấm các đào nương lả lướt với quan viên, hoặc không được thất lễ với thầy. Nhưng xã hội ngày nay đã có những chuẩn mực khác, khiến cho những chuẩn mực cổ đã bị phá vỡ. Học trò không chỉ thuần túy nghe thầy mà họ còn học rất nhiều, luôn bị ảnh hưởng, tác động bởi nhiều luồng thông tin xung quanh.
     
    Điều đó là một trong những khó khăn mà cả hai cụ và bản thân tôi hết sức đau đầu và mất rất nhiều công sức để làm thế nào lựa chọn những em thật sự có cái tâm giữ nghề, thật sự yêu mến, có được quyết tâm vượt qua khó khăn, vượt qua chính bản thân mình.
     
    Hiện nay, đa phần các thành viên đều quyết tâm, đặc biệt các em từ 12 – 17 tuổi, các em vẫn giữ nguyên được một tâm hồn rất trong sáng, không bị ảnh hưởng và chỉ đơn thuần yêu ca trù, học ca trù, được trình diễn là các em cảm thấy hạnh phúc. Đây là giai đoạn cần có những người có tấm lòng như vậy.
    Giáo phường ca trù Thăng Long

    ** Nghệ thuật ca trù đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” vào tháng 10-2009, vậy thì không biết những hoạt động của giáo phường Thăng Long đã được tổ chức nào bảo trợ chưa chưa ?
     
    - Hiện nay giáo phường ca trù Thăng Long hoàn toàn tự lực cánh sinh. Bên cạnh đó thì chúng tôi cũng tìm những người thân, người bạn, những khán giả mến mộ ca trù hỗ trợ, hoàn toàn là các cá nhân.
     
    Về phía các tổ chức, từ năm 2006 đến năm 2007 thì có quỹ Ford tài trợ để chúng tôi truyền nghề cho các bạn trẻ. Sau đó thì có học bổng Odon Valet cũng có trao 10 suất học bổng cho các em đam mê, yêu mến và muốn gìn giữ môn nghệ thuật này. Còn những hoạt động khác mà chúng tôi đang thực hiện thì dựa vào bản thân mỗi thành viên cũng như các doanh nghiệp trẻ có ý thức đầu tư cho cộng đồng và cùng với chúng tôi gìn giữ môn nghệ thuật này.
     
    ** Vậy thì đã bao giờ chị có dự định đưa bộ môn nghệ thuật này ra nước ngoài lưu diễn chưa?
     
    Có lẽ đó là ước mơ của tất cả các ca nương, kép đàn, của các nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt là ngành truyền thống, vì đó là niềm tự hào dân tộc trong mỗi một người khi đam mê với hồn Việt. Ca trù Thăng Long đã từng đi Úc biểu diễn năm 2005.

     
    Tháng 6 vừa qua ca trù Thăng Long cũng có tham dự một Festival về di sản quốc tế. Qua những dịp như vậy, các bạn quốc tế đánh giá rất cao về các nghệ sĩ và tinh thần gìn giữ di sản của mình. Thậm chí họ còn đánh giá mình là một trong những đội thể hiện thành công nhất cũng như có những phương pháp gìn giữ di sản tốt nhất.
     
    ** Trong thời gian hoạt động để bảo tồn nghệ thuật ca trù, chị có thể chia sẻ một kỷ niệm một kỷ niệm nhớ nhất, ấn tượng nhất ?
     
    - Có lẽ giây phút mà tôi nhớ nhất là lần đầu tiên được cầm đàn, ra hầu đàn cho cụ Chúc (nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc- PV) tại Nhà hát lớn năm 2006 trong bầu không khí vô cùng ấm cúng, khi mà các nghệ nhân, nghệ sĩ, ca nương các đàn từ mọi miền đất nước tụ họp, quây quần.
     
    Xúc động nhưng ngay lúc đó thì tôi hiểu rằng chỉ ngay ngày hôm sau thôi mỗi người sẽ lại trở về cuộc sống đời thường của mình và có thể họ lại bị cuốn theo, liệu ai thực sự dành mọi tâm huyết, thời gian để tiếp tục bảo tồn, định hướng dài hơi cho môn nghệ thuật này, đó là niềm vui nhưng cũng như là nhìn thấy một màn sương mù dày đặc.
     
    ** Thời gian tới giáo phường ca trù Thăng Long có những dự định gì?
     
    - Dự định của giáo phường ca trù Thăng Long vẫn nằm trong những hoạt động mà chúng tôi vừa khởi động, đó là đưa ca trù trở lại với xã hội Việt Nam đương đại. Đây là một chương trình hết sức nặng nề, nếu thành công thì có thể trong tương lai, số lượng và chất lượng các ca nương, kép đàn sẽ tăng lên, còn không thành công thì chúng tôi sẽ phải tiếp tục bươn trải tìm những con đường khác để đưa ca trù trở lại. Bên cạnh đó thì cũng có một dự định sẽ quảng bá ca trù đến thế giới, chắc là cũng phải mất 5 đến 10 năm….
     
    ** Mới đây trường đại học FPT đã đưa ca trù vào giảng dạy như một bộ môn tự chọn. Điều này rất đáng khích lệ, vậy thì ngoài trường đại học FPT thì có trường đại học nào khác quan tâm đến bộ môn này không?
     
    Đúng là đại học FPT là một trong những trường đại học hết sức mở và đã đưa ca trù vào trong học đường. Bên cạnh đó thì có trường đại học Công Đoàn cũng thường xuyên đưa sinh viên tới để nghe ca trù vào tối thứ 7 hàng tuần tại đền Quán Đế
    Ca nương Phạm thị Huệ và con gái Huệ Phương

    ** Chị có một cô con gái rất dễ thương và ngoan ngoãn.Vậy chị có ý định cho con gái theo nghiệp ca nương của mình không?
     
    - Con gái tôi là Huệ Phương cũng đã có duyên với ca trù! Từ năm 2 tuổi đã theo mẹ đi nghe hát, và đến năm 5 tuổi thì đã được cụ Trúc nhận truyền nghề. Đến nay cháu đã được 12 tuổi. Năm nay, Viện âm nhạc sẽ tổ chức Liên hoan ca trù toàn quốc, diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 10 vừa qua, và Huệ Phương cũng đã chuẩn bị một phần dự thi khá nặng là làn điệu Tì Bà Hành - một trong những làn điệu khó hát nhất trong hệ thống bài bản của ca trù.
     
    ** Cảm ơn chị và xin chúc hai mẹ con chị sẽ luôn thành công trên con đường bảo tồn nghệ thuật ca trù!/.
    Đào nương Phạm Thị Huệ hiện là Giảng viên đàn tỳ bà tại Học viện Âm nhạc quốc gia. Chị được là đại diện thứ 3 của Việt Nam nhận danh hiệu Nghệ nhân Thế giới. Hiện có hơn 85 nghệ sỹ trên 4 Châu Lục được WMOC công nhận.
     
    Tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, Hà Nội, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long đã kết hợp với Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức hằng đêm của giáo phường này. Sau khi ca trù được UNESSCO công nhận là di sản thế giới, công chúng Việt Nam và du khách quốc tế biết đến ca trù nhiều hơn.
     
    Việc nhân rộng mô hình của Giáo phường Thăng Long giúp cho khán, thính giả có điều kiện tiếp cận hơn nữa với loại hình nghệ thuật ca trù, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
    Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên