Những đứa trẻ “con nuôi biên phòng”
VOV.VN - Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” của Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã nhận nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho hàng trăm trẻ em hoàn cảnh khó khăn được ăn học, phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần. Tình yêu thương của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã viết tiếp giấc mơ đến trường cho trẻ em nghèo vùng cao, kể cả trẻ em Lào bên kia biên giới
Cậu bé Cơ Tu Clâu Ân ở xã Tr’hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhà có 3 anh em, Ân là con thứ 2 trong gia đình. Mọi sinh hoạt của cả nhà đều do bà nội già yếu tuổi ngoài 70 lo liệu. Bữa ăn của mấy bà cháu chỉ có cơm độn với rau rừng, khi bà nội ốm đau không đi rẫy được lại đứt bữa. Thương hoàn cảnh bà cháu Ân, hàng xóm mang gạo, rau rừng đến giúp đỡ. Chuyện đi học với Ân thật không dễ.
Năm 2020, Đồn Biên phòng A Xan làm việc với gia đình, địa phương để nhận Ân làm con nuôi. Về sống cùng các chú Bộ đội Biên phòng, Clâu Ân được bố trí phòng rộng rãi, có góc học tập đầy đủ đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết… Clâu Ân được những bố nuôi mang quân hàm xanh yêu thương, chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ và giáo dục, hướng dẫn học tập. Ân đang học lớp 8 trường phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở Lý Tự Trọng.
“Hoàn cảnh gia đình con rất khó khăn, được mấy chú bộ đội nuôi dưỡng con rất vui. Mấy chú bộ đội chăm lo ăn uống và học tập là một gia đình của mình. Con cám ơn mấy chú bộ đội rất nhiều. Tại đây con được ăn uống đầy đủ, có quần áo mới, các chú Biên phòng bày học hành.”- Ân xúc động nói.
Không mạnh dạn như anh Clâu Ân, Hốih Đức Hữu còn rụt rè nhút nhát. Gia đình Hữu cũng diện hộ nghèo. Bố Hữu phải chạy thận nhiều năm nay. Cái ăn, cái mặc trong cả gia đình chỉ trông chờ vào người mẹ. Năm 2019, Hữu được Đồn biên phòng A Xan nhận về làm con nuôi. Những ngày đầu về sống tại Đồn Biên phòng, Hốih Đức Hữu ốm yếu và hay nhớ nhà đòi về.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan luôn gần gũi, động viên, giúp em quen dần với cuộc sống mới. Về ở đây, các chú, các anh đều xem 2 cháu như con trong nhà. Hai “chiến sĩ nhí” học hành, sinh hoạt giờ giấc nghiêm túc không khác gì các anh các chú, lại còn biết gấp chăn màn gọn gàng.
Đồn Biên phòng A Xan hiện nhận nuôi 2 cháu tại đơn vị và hỗ trợ cho 7 cháu khó khăn khác đang ở với gia đình. Thiếu Tá Nguyễn Văn Lợi, chính trị viên, Đồn Biên phòng A Xan, huyện Tây Giang cho biết:
“Đối với các cháu thuộc con nuôi đồn biên phòng, chúng tôi đang nhận nuôi 2 cháu có hoàn cảnh hết sức đặc biệt khó khăn, chúng tôi đem về đây có điều kiện để chăm sóc cho các cháu là nâng cao thể chất và có điều kiện học tập tốt hơn. Các cháu đã hoà nhập tốt, học tập tốt tiến bộ hơn trước. Từ chương trình đó triển khai và nhân rộng ra, bằng nguồn kinh phí của cấp trên cấp và cán bộ chiến sĩ trong toàn quân đóng góp hỗ trợ hàng tháng 600.000 đồng/ cháu.”
Các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang nhận nuôi 18 cháu theo chương trình “Con nuôi biên phòng”. Các cháu ăn ở ngay tại đồn, được tham gia hoạt động tập thể, vui chơi giải trí để bồi dưỡng kỹ năng sống, phát huy năng khiếu, sở trường. Đồn Biên phòng giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường nơi các cháu theo học, thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của từng cháu.
Chương trình “Nâng bước em tới trường” của các đơn vị Biên phòng Quảng Nam còn đỡ đầu 164 học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó, 6 học sinh nước bạn Lào. Mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” mang tính nhân văn sâu sắc, tạo điểm tựa vững chắc cho các cháu học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cùng các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh ở khu vực biên giới.
“Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa, chính vì vậy chúng tôi đang phát động tiếp tục các đơn vị phối hợp với các địa phương các nhà trường rà soát xét chọn và tiếp tục nhận các trường hợp này để làm con nuôi đồn biên phòng. Qua đó tạo điều kiện học tập, ăn ở sinh hoạt tốt hơn đảm bảo hơn để các em có tương lai tươi sáng hơn. Thông qua chương trình giữa lực lượng cấp uỷ Đồn biên phòng và địa phương và nhân dân 2 tuyến biên giới gắn bó hơn và tình cảm hơn.”-Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính uỷ Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đánh giá.
Chương trình “Con nuôi biên phòng” và “Nâng bước em tới trường” của cán bộ chiến sĩ biên phòng thực sự là điểm tựa vững vàng cho các em học sinh mồ côi dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở vùng sâu vùng xa. Những đứa trẻ ấy rồi sẽ lớn lên trong sự yêu thương và có một tương lai tốt đẹp hơn. Những câu chuyện về “ Con nuôi Đồn Biên phòng” càng làm đậm thêm tình đoàn kết giữa bộ đội biên phòng và người dân vùng biên./.