Công nghệ bắt chuyển động mắt: Cơ hội âm nhạc cho người khuyết tật
VOV.VN - Chơi nhạc bằng mắt - điều tưởng như không thể lại trở nên khả thi, nhờ công nghệ bắt chuyển động mắt do một nghệ sĩ kiêm nhà khoa học Hy Lạp sáng chế. Đây là cơ hội giúp những người khuyết tật chạm đến giấc mơ âm nhạc và mang đến niềm vui trong cuộc sống.
Cô Alexandra Kerlidou, 21 tuổi bị mắc chứng bệnh bại não và phải ngồi xe lăn từ nhỏ. Ước mơ lớn nhất của cô chính là được chơi đàn dương cầm. Do bị khuyết tật, không thể sử dụng được đôi bàn tay và cũng không nói được, cô gặp nhiều khó khăn khi thực hiện ước mơ này. Tuy nhiên giờ đây nhờ có công nghệ hiện đại, với chuyển động mắt Alexandra Kerlidou đã có thể chơi nhạc. Đây là điều cô chưa bao giờ nghĩ đến.
“Tôi cảm thấy thật kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình lại có thể chơi nhạc và làm được những điều kỳ diệu như thế này. Giờ khi buồn hoặc khi vui tôi đều chơi nhạc”, Alexandra Kerlidou chia sẻ.
Alexandra Kerlidou chỉ là một trong nhiều người khuyết tật đang theo học âm nhạc do nhạc sĩ kiêm nhà khoa học Vamvakousis giảng dạy, và cũng là người sáng chế công nghệ bắt chuyển động mắt. Với công nghệ này, người dùng chỉ cần nhìn vào các nốt nhạc trên màn hình và chơi với tốc độ trung bình từ 3 đến 4 nốt nhạc mỗi giây. Phần mềm này được thiết kế để có thể chơi 25 nhạc cụ khác nhau.
Ông Vamvakousis cho biết, ý tưởng xây dựng công nghệ kỹ thuật số về chuyển động mắt đến với ông sau khi một người bạn bị tai nạn xe máy và không thể dùng tay để chơi đàn; trong khi cả hai đang cùng nhau chuẩn bị cho một dự án âm nhạc: “Có quá nhiều khả năng mà công nghệ có thể mang lại cho chúng ta. Một trong số đó chính là chơi nhạc bằng mắt. Nếu không có công nghệ kỹ thuật số, người khuyết tật sẽ gặp khó khăn”.
Công nghệ bắt chuyển động mắt trên thực tế đã được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực trò chơi điện tử, bảo mật và y tế. Tuy nhiên, để sử dụng phần mềm đặc biệt này để chơi nhạc, người dùng cần có sự tập trung và tinh thần kỷ luật thép. Bởi lẽ, nếu không chuyển động đúng, mắt sẽ nhanh chóng chuyển sang những nốt nhạc tiếp theo, dẫn đến bản nhạc bị lạc nhịp. Công nghệ này hiện đã có hơn 2 nghìn người tải về để sử dụng./.