Nhạc sĩ Giáng Son: Nhạc sĩ chân chính có tự trọng nghề nghiệp
VOV.VN - Thời gian gần đây có không ít bài hát bị khán giả nhận ra là rất giống bài hát nước ngoài. Theo nhạc sĩ Giáng Son thì đó không thể coi là sự ảnh hưởng mà phải gọi là đạo nhạc.
Nhạc sĩ chân chính không để cho mình bị ảnh hưởng quá nhiều từ ai đó
PV: Trong sáng tác, hiện có các kiểu “vay mượn” không lành mạnh như thế nào, thưa chị?
Nhạc sĩ Giáng Son: Khi sáng tác có bạn lấy của người ta nguyên một đoạn điệp khúc. Đây là kiểu dễ nhận biết nhất. Nhưng cũng có những cách đạo nhạc tinh vi hơn, ví như lấy bản hòa thanh gốc của một bản nhạc nổi tiếng, sau đó chế biến trên nền hòa thanh ấy cho ra giai điệu của mình. Vì thế, khán giả nghe sẽ có cảm giác đoạn nhạc này vừa quen vừa lạ. Một cách đạo nhạc nữa là mua phần mềm người ta làm sẵn, cả phần beat nhạc và hòa thanh.
Như vậy, phần sáng tạo của các bạn sẽ rất ít. Có số khác không mua mà lấy các yếu tố nhạc từ các ca khúc quốc tế thịnh hành. Cái khó của cách làm này là phần hòa thanh và giai điệu của bản nhạc đã được họ xử lý rất hay, rất triệt để rồi, nên các bạn không thể phá theo hướng khác được, chỉ có cách là giữ nguyên như cũ. Và như thế, bản nhạc mới sẽ rất giống với bản gốc và hầu như các bạn không có sự sáng tạo nào cả.
PV: Nhưng nếu họ coi đó là sự ảnh hưởng về âm nhạc thì sao?
Nhạc sĩ Giáng Son: Sự ảnh hưởng trong nghệ thuật là có. Với các nhạc sĩ chuyên nghiệp và ngay cả bản thân tôi cũng có những bài hát do quá yêu thích, tôi nghe đi nghe lại đến mức các giai điệu, nét nhạc ấy đi vào vô thức. Rất có thể đến một lúc nào đó khi viết nhạc, tôi có thể bị ảnh hưởng phần nhạc mà tôi đã thẩm thấu đó. Nhưng điều này là rất nhỏ. Nếu có chăng cũng chỉ là một phần tiết tấu, một hoặc một vài nốt nhạc, nhưng có người nhận ra, tôi sẽ sửa ngay. Nếu không sửa được, tôi sẽ bỏ bài hát ấy đi. Bởi nếu để bài hát ấy tồn tại sẽ ảnh hưởng đến uy tín của tôi. Những nhạc sĩ chân chính sẽ không để cho mình bị ảnh hưởng quá nhiều từ ai đó.
PV: Việc ca sĩ trẻ mua các beat nhạc làm sẵn cho ra các bản nhạc thịnh hành lâu dài sẽ dẫn đến hệ quả gì, thưa chị?
Nhạc sĩ Giáng Son: Các bản beat nhạc làm sẵn thường dành cho những người mới tập tọe viết nhạc, chứ không dành cho nhạc sĩ, ca sĩ đã có tên tuổi. Đây là vấn đề liên quan đến tự trọng nghề nghiệp. Các bạn trẻ ngày nay quá để tâm đến việc kiếm tiền, việc nhanh nổi tiếng, cộng thêm với công nghệ phát triển nên lựa chọn có phần dễ dãi. Với thế hệ chúng tôi thì khác. Hầu như ai làm việc cũng trước hết vì tự trọng nghề nghiệp. Tôi thường tự làm tất cả các bản hòa thanh khi viết ca khúc. Đương nhiên là có học hỏi, có nghe các bản hòa thanh nổi tiếng, nhưng chỉ để tham khảo.
Khán giả nên tẩy chay sản phẩm đạo nhạc
PV: Theo chị, lý do nào dẫn đến hiện tượng đáng buồn này?
Nhạc sĩ Giáng Son: Một phần vì pháp luật của chúng ta chưa nghiêm. Hầu hết các nghi án đạo nhạc chưa được xử lý triệt để nên tính ngăn ngừa không cao. Và một lý do khác lớn hơn, đấy là lòng tự trọng. Khi lấy của ai bất kỳ thứ gì, chúng ta phải cảm thấy không ổn. Điều này trước tiên vì tự trọng con người, thứ nữa là tự trọng nghề nghiệp! Thế nhưng chuyện này không được nhiều bạn trẻ coi trọng. Họ có thể đạp bằng tất cả để kiếm tiền, để có thể nổi tiếng! Những ca khúc được thực hiện theo kiểu như vậy chỉ tồn tại được mấy tháng, sau đó họ lại làm ca khúc mới. Việt Nam có luật về bản quyền, nhưng chế tài đưa ra còn rất chung chung nên không có tính thực thi.
PV: Phải chăng, các nhà quản lý văn hóa còn buông lỏng vấn đề này?
Nhạc sĩ Giáng Son: Đúng thế! Hầu hết các vụ lùm xùm về nghi án đạo nhạc bị khán giả phát hiện, báo chí lên tiếng, dư luận phản ứng sau một thời gian lại lắng xuống. Trong nghệ thuật, nhất là âm nhạc, để gọi tên những việc như thế này là hơi nhạy cảm và rất động chạm. Bởi các bạn trẻ nổi tiếng có những thế mạnh riêng, nắm giữ một phần nào đó hình ảnh văn hóa, thị hiếu của giới trẻ. Tuy nhiên càng như vậy càng phải có sự phân minh. Thực tế không quá khó nếu chúng ta thành lập một hội đồng nghệ thuật triệu tập các bên để thu thập ý kiến. Chúng ta nghiêm khắc một lần thì sau đó mọi thứ sẽ đi vào nếp.
Không ít khán giả khi phát hiện ra ca sĩ đạo nhạc lúc đầu sẽ phản ứng rất mạnh, nhưng sau một thời gian họ lại tiếp nhận các sản phẩm đã từng dính nghi án đạo nhạc. Ý kiến của chị về vấn đề này như thế nào?
Khán giả Việt Nam quá dễ dàng tha thứ khiến cho ca sĩ, nhạc sĩ dễ lặp lại sai lầm. Khán giả chưa mạnh mẽ trong việc thực hiện tẩy chay sản phẩm đạo nhạc. Nếu như ở nước ngoài, ca sĩ dính nghi án đạo nhạc có thể phải từ bỏ sự nghiệp, hay chí ít là không bao giờ dám tiếp tục mắc lại sai lầm. Ngay cả trang youtube hiện nay với các clip, MV dính dáng đến tranh chấp là họ ngừng đăng tải. Vậy tại sao chúng ta lại chưa thể làm nghiêm việc này?
PV: Cảm ơn chị đã chia sẻ./.