NSND Trần Bình: Hội Nhạc sĩ đã buông lỏng quản lý với VCPMC
VOV.VN - Liên quan đến vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc đang gây nhiều tranh cãi, NSND Trần Bình đã có những chia sẻ thẳng thắn với phóng viên VOV.VN.
PV: Thưa NSND Trần Bình, ông đánh giá thế nào về hoạt động của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) hiện nay?
NSND Trần Bình: Theo tôi, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ra đời là tốt. Thế nhưng, sau nhiều năm Trung tâm này hoạt động, cả tôi và nhiều đồng nghiệp trong giới biểu diễn đều cảm thấy anh Phó Đức Phương càng ngày càng thái quá.
Quan hệ giữa Trung tâm và các cơ sở doanh nghiệp, khách sạn là quan hệ dân sự, chính vì vậy không thể đưa ra mệnh lệnh hành chính, càng không thể bắt buộc theo cách thức giống như một cơ quan của nhà nước. Thậm chí Trung tâm từng đưa ra hình thức đe dọa để thu tiền các đơn vị tổ chức chương trình.
NSND Trần Bình. Ảnh: L.T |
NSND Trần Bình: Tôi cho rằng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang buông lỏng sự quản lý đối với VCPMC, trong khi Trung tâm này thuộc quyền của họ. Đã từng có ý kiến cho rằng, lợi nhuận từ việc thu tiền tác quyền cần được tái đầu tư cho Hội nhạc sĩ để tổ chức các trại sáng tác. Nhưng mười mấy năm nay, Trung tâm này cũng chỉ chi cho Hội không nhiều.
Theo báo cáo, doanh thu của VCPMC lên đến hơn 100 tỷ/năm nhưng không có một “hệ thống phần mềm quản lý” việc thu tiền ở một số lĩnh vực lại phải thu áng chừng, thu khoán. Cách thu và việc thu tiền tác quyền lên xuống thất thường kiểu nghệ sĩ như ông giám đốc là không được.
VCPMC đang lạm quyền trong vấn đề thu tiền tác quyền. Thông tư của một cơ quan chức năng Nhà nước như Bộ Tài chính cũng chỉ mang tính chất là khuyến cáo. Vậy thì các thỏa thuận dân sự của VCPMC với các đơn vị kinh doanh nếu không đạt được cũng không thể có những mệnh lệnh hành chính. Đành rằng, Trung tâm mang lại quyền lợi cho hội viên nhưng tính minh bạch phải được đặt lên hàng đầu.
100 tỷ đồng/năm chỉ là con số được VCPMC báo cáo. Tôi tin con số thực tế còn cao hơn nhiều. Thế nhưng, tình minh bạch của số tiền trăm tỷ này vẫn còn khiến nhiều người băn khoăn. Theo tôi đã đến lúc VCPMC phải thay đổi mô hình quản lý, có cổ đông, cổ phần. Hoặc Nhà nước phải cho nhiều công ty tư nhân, nhiều tổ chức cùng được tham gia vào công tác bảo vệ quyền tác giả. Khi đó, lĩnh vực này sẽ có sự cạnh tranh, các nhạc sĩ cũng được hưởng giá cạnh trạnh từ các chương trình nghệ thuật biểu diễn. Việt Nam có gần 100 triệu người, hàng vạn nhạc sĩ mà chỉ có một trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc thì ít quá. Chính vì sự độc quyền của VCPMC hiện nay khiến lĩnh vực thu tiền tác quyền đang trở nên bí bách, bất đồng, thậm chí có sự “tung hoành” của ông giám đốc duy nhất.
PV: Trước những lùm xùm liên quan đến vấn đề tác quyền, nhiều nhạc sĩ lên tiếng bảo vệ nhạc sĩ Phó Đức Phương. Họ xem VCPMC là một bảo hộ trong vấn đề tác quyền âm nhạc?
NSND Trần Bình: Không chỉ có âm nhạc, nhiều lĩnh vực khác như thời trang, hội họa, mỹ thuật, thiết kế, điêu khắc… đều cần được bảo vệ và thu tiền tác quyền. Đừng nghĩ rằng VCPMC là sự cứu tinh đối với vấn đề tác quyền âm nhạc. Nếu không có VCPMC thì cũng sẽ có một tổ chức khác đứng ra thực hiện vấn đề này.
Ngày xưa, các nhạc sĩ sống nhờ những đồng lương biên chế ít ỏi. Nhưng trong xã hội hiện nay, theo xu hướng của thế giới, họ sống dựa vào tiền bản quyền. Tuy nhiên, sự tận thu của VCPMC hiện nay khiến vấn đề bản quyền trở thành nỗi ám ảnh đối với các đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật biểu diễn. Giới âm nhạc nói đây là thời kỳ hoàng hôn của âm nhạc, sân khấu, ca múa nhạc.
Ở Nhà hát Lớn, kể cả tập trung các ngôi sao cũng không thể bán hết vé được. Cho nên VCPMP không thể đếm ghế để thu tiền, như thế là máy móc, áp đặt. Và khi không đạt được thỏa thuận thì đe dọa là sẽ gọi công an, thanh tra để bắt dừng chương trình. Họ không phải là cơ quan nhà nước để ép buộc như thế.
Nhạc sĩ Phú Quang: Tiền thu chi tác quyền âm nhạc đang thiếu minh bạch
Một đĩa nhạc, người nghe phải trả tiền để mua về sử dụng. Ca sĩ thực hiện thu âm cũng đã trả tiền cho nhà phát hành. Nhà phát hành cũng đã trả tiền thuế cho hiệp hội ghi âm, ghi hình. Bây giờ Trung tâm còn đòi thu phí nữa thì một đĩa nhạc phải gánh bao nhiêu loại phí. Như vậy là phí chồng phí.
Đĩa nhạc người ta mua về, sử dụng như thế nào là quyền của họ chứ. Sao lại quy cho người ta là dùng âm nhạc vào mục đích kinh doanh.
Đối với việc thu tiền bản quyền qua tivi đặt trong phòng nghỉ khách sạn, tôi cho đó là sự vô lý. Đi nghỉ ở khách sạn 5 sao, chẳng ai đến đó để xem tivi. Cho nên thu phí theo hình thức như thế là áp đặt, thậm chí là tham lam./.