Căn cứ nào xác định hành vi lợi dụng tín ngưỡng?
VOV.VN - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, trong đó nhấn mạnh xử lý nghiêm hành vi trục lợi tín ngưỡng.
Hoạt động tín ngưỡng thực chất và trục lợi tín ngưỡng có ranh giới mong manh, cần có bộ quy tắc hay những quy định cụ thể nào để người dân hiểu rõ và các ban, ngành, địa phương dễ quản lý, xử lý vi phạm?
Dịp đầu xuân năm mới, anh Vũ Ngọc Thơi, ở Hưng Hà, Thái Bình đã có nhiều hành trình du xuân đến đền Đông Cuông, đền Ông Bảy hay đền Mẫu Thượng Ngàn,… Anh Thơi chia sẻ, công tác tổ chức của các di tích ngày một tốt hơn, du khách cũng ngày càng văn minh. Tuy nhiên, những hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi vẫn xuất hiện:
"Người ta đến chùa để tịnh tâm, nhưng đây có tịnh được đâu. Vừa rồi ở đền Bảo Lộc, Nam Định, xin ấn nhưng phải xin bằng tiền, đóng 250.000 đồng/ấn, đấy gọi là kinh doanh rồi. Mình lên đền Ông Bảy cũng vậy, người ta cúng thuê, xem bói, xem tay,… đủ cả. Ban quản lý di tích đó phải có quy tắc để xử lý tất cả hành vi trục lợi về tâm linh".
Dù khoa học không ngừng phát triển nhưng hiện tượng mê tín dị đoan vẫn tồn tại và biến tướng ngày càng tinh vi, khiến nhiều người không thể phân biệt và trở thành miếng mồi cho những kẻ “buôn thần, bán thánh”:
"Chồng chị sao La Hầu, khi mình dâng sao giải hạn thì cảm giác tâm lý mình thoải mái, nhẹ nhõm hơn".
"Bạn tôi có người khuynh gia bại sản vì nghe lời thầy phán. Nhan nhản lời quảng cáo trên mạng, như vậy rất nguy hiểm cho xã hội".
"Các loại dịch vụ tâm linh, làm lễ dâng sao giải hạn, thay đổi cung vận,… tốn rất nhiều tiền. Cho nên tôi nghĩ nhà nước cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ việc này".
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã xác định rõ các khái niệm về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.
Tùy vào tính chất, mức độ, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng theo Nghị định 144 năm 2021, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn tìm những “kẻ hở” để thu lợi bất chính:
"Chế tài xử lý cho hành vi vi phạm về vấn đề này còn chưa thực sự mạnh mẽ. Theo quan điểm của tôi thì mức xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Hoạt động trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo vẫn diễn ra với nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt là trong không gian số, nơi mà việc kiểm soát các nguồn thông tin là vô cùng khó khăn và tiến trình hoàn thiện khung pháp lý liên quan lại cần rất nhiều thời gian và nguồn lực".
Theo PGS. TS. Đinh Hồng Hải, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, những khái niệm mơ hồ và sự hiểu biết chưa đầy đủ của một bộ phận người dân khiến tín ngưỡng, tôn giáo dễ bị lợi dụng.
Như từ “tâm linh”, hiếm khi được sử dụng những năm trước Đổi mới, không được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật và theo giải nghĩa của nhiều cuốn từ điển thì không có nghĩa nào liên quan tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng nay, từ “tâm linh” được sử dụng phổ biến, nhất là trong giới kinh doanh, bởi nghe “dịch vụ tâm linh” thì dễ chấp nhận hơn là “kinh doanh tín ngưỡng”:
"Có một số người đã sử dụng chữ tâm linh để gán cho tất cả những gì có liên quan tôn giáo, tín ngưỡng, đức tin,… Chính thuật ngữ mơ hồ như vậy khiến cho nó dễ bị nhầm lẫn và bị trục lợi. Ví dụ, không cúng sao giải hạn thì bị thế nọ thế kia, nhưng nếu chúng ta tìm hiểu thì đây là một tín ngưỡng, chứ nó không liên quan gì đến giáo lý của Đức Phật. Sự minh bạch là cực kỳ quan trọng, nếu như tôi tổ chức một nghi lễ nào đấy thì tôi phải cho biết nghi lễ đấy thờ vị thần nào, vì sao có nghi lễ đấy, phải có sự minh bạch".
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc thiết lập và công bố các quy tắc cụ thể là rất quan trọng để người dân hiểu biết và tuân thủ, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý.
Bởi lẽ trong bối cảnh kinh tế thị trường, lợi ích trở thành một trong những yếu tố chi phối các mối quan hệ xã hội, các cơ quan chức năng chỉ có thể tuyên truyền chứ khó bắt buộc một ai đó tiêu ít tiền đi cho lễ vật. Thậm chí, có trường hợp thiếu sự phối hợp từ các di tích khi bản thân họ cũng có lợi từ các hoạt động trục lợi tín ngưỡng:
"Chúng ta cần phải đưa ra các ví dụ cụ thể về các hành vi trục lợi tín ngưỡng, phân loại các hành vi trục lợi tín ngưỡng gắn với chế tài xử phạt cụ thể. Xác lập các quy định rõ ràng cách thức báo cáo và xử lý các trường hợp vi phạm, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong quá trình xử lý.
Sử dụng các cách truyền thông để phổ biến các quy tắc, quy định đến cộng đồng một cách dễ dàng và hiệu quả. Chúng ta cần có sự tham gia và phản hồi của cộng đồng trong quá trình xây dựng và cập nhật các quy tắc, xây dựng đời sống tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, hướng thiện".
Sáng tỏ quy định để niềm tin không mù quáng
Thời gian qua, nhiều vụ việc trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo đã xảy ra với muôn hình vạn trạng. Có thể kể đến vụ việc chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày vật thể gọi là “xá lợi tóc Phật” khiến dư luận bất bình. Mùa lễ hội xuân là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để trục lợi, lừa đảo.
Chính vì vậy, cần sớm có bộ quy tắc hay những quy định cụ thể, phân biệt rõ tín ngưỡng thực sự và trục lợi tín ngưỡng để khắc phục những bất cập đã tồn tại bấy lâu nay.
Mê tín dị đoan được hiểu là niềm tin mù quáng vào những điều mơ hồ, không có thật, đi ngược với quy luật tự nhiên, không có căn cứ khoa học. Tôn giáo là một dạng nhận thức đặc biệt của con người, một niềm tin thiêng liêng và mang tính chủ quan, với giáo lý hướng đến những điều thiện.
Còn tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện qua các hoạt động lễ nghi, thờ cúng tổ tiên gắn liền với phong tục, tập quán, đại diện cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
Với ý nghĩa và mục đích tốt đẹp đó, hàng nghìn năm qua, mỗi dịp lễ tết, đông đảo nhân dân đã đến đình, đền, chùa để được bình an, tri ân công ơn những người có công với dân, với nước, đồng thời xin được phù hộ, che chở về sức khỏe, mọi sự tốt lành,…
Tuy nhiên, trước áp lực cuộc sống, một số người lại tìm đến những địa chỉ được gọi là “tâm linh” để trấn an hoặc cầu tài lộc, cầu phúc, cầu duyên, cầu con cái, chức quyền,… và mù quáng tin vào vận số, tiên đoán của thầy bói hay các thế lực siêu nhiên. Có cầu ắt có cung, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin để thu lợi bất chính.
Nếu giai đoạn trước, công tác bài trừ mê tín dị đoan được thực hiện quyết liệt thì nay đang có dấu hiệu buông lỏng. Mạng xã hội tràn ngập các dịch vụ từ gieo quẻ, xem bói, cho đến chữa bệnh bằng bùa ngải, làm lễ giải hạn,…
Ngoài đời thực, đền Ông Hoàng Bảy vốn là nơi thờ thần vệ quốc - vị anh hùng đã đánh giặc phương Bắc, song không biết từ lúc nào đã trở thành nơi để nhiều người dâng lễ cầu lộc cho hoạt động lô đề, làm ăn phi pháp.
Hay nghi lễ khai ấn ở đền Trần vốn cầu chúc cho thiên hạ thái bình thịnh trị, nhưng với một số người thì “ấn đền Trần” lại trở biến thành lá bùa phù trợ cho đường quan lộ. Nếu người có chức, có quyền còn có niềm tin như vậy thì thật khó để ngăn chặn hành vi mê tín dị đoan, trục lợi tín ngưỡng xảy ra trong cộng đồng.
Qua hàng nghìn năm, nhiều tín ngưỡng, tôn giáo từ các nền văn hóa khác đã du nhập vào Việt Nam và dung hòa với tín ngưỡng bản địa, làm phong phú đời sống tinh thần của xã hội. Ai cũng có quyền có riêng cho mình một đức tin và người khác cần tôn trọng, miễn là tín ngưỡng, tôn giáo đó đáp ứng được 3 yếu tố: trí tuệ, hướng thiện và minh bạch, như chia sẻ của PGS. TS. Đinh Hồng Hải.
Vì nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau cùng tồn tại nên việc có được bộ quy tắc hay những quy định cụ thể để phân biệt có lẽ là việc đầu tiên và quan trọng nhất mà các cơ quan quản lý cần làm để ngăn chặn hành vi trục lợi tín ngưỡng.
Những quy tắc này cần được nghiên cứu và xây dựng kỹ lưỡng, bởi tín ngưỡng, tôn giáo luôn là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, cần tiếp thu đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và cả quần chúng nhân dân.
Bộ quy tắc cần xác định rõ đâu là những tín ngưỡng, tôn giáo phổ biến và phù hợp. Với từng loại hình, có thể quy định cụ thể cách tổ chức các nghi lễ ra sao, người thực hiện cần đáp ứng yêu cầu gì về trình độ; nghi thức nào cần có, hoạt động nào là mê tín dị đoan; hay lễ vật cần những gì, giá trị bao nhiêu,…
Càng chi tiết thì người dân càng dễ nắm bắt, ban tổ chức dễ thực hiện đúng quy định và các lực lượng chức năng dễ dàng nhận diện, xử lý vi phạm.
Khi đã có được bộ quy tắc làm cơ sở cho hoạt động quản lý thì các ban, ngành, địa phương cần quyết liệt xử lý vi phạm để tạo tính răn đe; đồng thời đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng các nền tảng mạng xã hội, để nâng cao nhận thức của người dân và thức tỉnh những niềm tin mù quáng.
Hậu quả của mê tín dị đoan, trục lợi tín ngưỡng đã được đề cập rất nhiều: gây thiệt hại về sức khỏe, thời gian, tiền bạc, thậm chí cả tính mạng, như trường hợp bà sát hại cháu nội ở Thanh Hóa do thầy bói phán cháu mới sinh là “nghiệp chướng”.
Đã đến lúc cần nhìn nhận công tác bài trừ mê tín dị đoan, ngăn chặn hành vi trục lợi tín ngưỡng như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ từ nhiều cơ quan quản lý văn hóa, thông tin - truyền thông, công an và các địa phương.
Nếu không, các hành vi trục lợi tín ngưỡng sẽ luôn tồn tại và trở thành chuyện “năm nào cũng nói”.