Nghệ nhân ở Bắc Ninh một lòng giữ gìn những làn điệu quan họ
VOV.VN - Với Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Quýnh, niềm vui lớn nhất của bà là được đắm mình trong làn điệu dân ca, mỗi tối được tham gia sinh hoạt, luyện tập các bài quan họ với các thành viên câu lạc bộ.
Gần 80 tuổi đời với 70 năm đắm say, gìn giữ làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Quýnh luôn là niềm tự hào của các liền anh, liền chị quan họ. Bà không chỉ yêu loại hình nghệ thuật này mà còn là “linh hồn” giúp dân ca quan họ trường tồn và lan tỏa.
Người phục dựng quan họ cổ
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Quýnh, sinh năm 1948, tại Xuân Hội, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Mặc dù không sinh ra và lớn lên tại làng quan họ gốc nhưng ngay từ khi còn nhỏ, tình yêu dân ca quan họ đã nhen nhóm trong bà.
Bà Nguyễn Thị Quýnh cho biết, từ thuở nhỏ khi được nghe các bà, các chị hát quan họ, bà đã cảm nhận được làn điệu này có sức hút đặc biệt. Từ đó, bà tự nghe, tự học và nhờ mọi người uốn nắn thêm. Lâu dần, quan họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà. Mỗi tối, bà đều theo bác tham gia các buổi sinh hoạt để học cách ca, chơi quan họ.
Cứ như vậy, tình yêu và “vốn liếng” quan họ mỗi ngày lớn dần lên. Sau này, bà kết duyên với ông Nguyễn Văn Cách, làng Đặng Xá (nay là khu Đương Xá), phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh (1 trong 44 làng quan họ cổ trong tỉnh). Nhờ đó, một lần nữa “duyên" quan họ lại như mạch nguồn chảy trong con người của bà.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Quýnh chia sẻ, do ảnh hưởng của chiến tranh, nhiều năm, quan họ Đặng Xá bị vắng bóng. Tuy nhiên, người dân nơi đây luôn ước muốn phục dựng lại loại hình nghệ thuật độc đáo này. Khi đó, hai vợ chồng bà cùng với những người yêu quan họ trong làng đã tuyên truyền, vận động, tập hợp mọi người ở các lứa tuổi thành lập câu lạc bộ quan họ Đương Xá do bà Quýnh làm chủ nhiệm.
"Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập câu lạc bộ, còn gặp rất nhiều khó khăn, không có người dạy, không có kinh phí hoạt động. Mọi người đã đi từng nhà vận động từng người. Nhiều người đồng ý và cũng có nhiều người không đồng ý vì cho rằng duy trì câu lạc bộ rất khó. Tuy nhiên, với tình yêu và niềm đam mê, năm 1994, câu lạc bộ quan họ Đương Xá được thành lập với 12 thành viên. Đến nay, trải qua 30 năm thành lập (1994-2023), câu lạc bộ đã thu hút 60 thành viên với 3 thế hệ cao tuổi, trung tuổi và măng non" - bà Quýnh chia sẻ.
Ban đầu, do không có nơi sinh hoạt, các thành viên tập trung tại nhà bà Quýnh. Trong căn nhà ấm cúng, tràn đầy tình yêu quan họ, những âm thanh vang, rền, nền, nảy từ lớp lớp các thế hệ người yêu làn điệu dân ca này vang lên không ngớt. Mọi người cùng học hát, giao lưu, hướng dẫn nhau những lời khó trong quan họ cổ, làm vơi đi những nhọc nhằn của cuộc sống.
Là chủ nhiệm câu lạc bộ được ví như “nhạc trưởng” của đoàn nhạc, bà Nguyễn Thị Quýnh phân công mỗi người một nhiệm vụ, người sưu tầm các làn điệu, người sáng tác bài mới, người truyền dạy… Nhờ vậy, câu lạc bộ quan họ Đương Xá nhanh chóng phát triển, đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi hát dân ca quan họ Bắc Ninh.
Bà Quýnh đã tập hợp các thành viên, sưu tầm hàng trăm bài quan họ cổ, trực tiếp truyền dạy cho hàng trăm người trong câu lạc bộ và những câu lạc bộ khác. Bà đã sáng tác được nhiều bài quan họ mới như: “Chung tay, chung sức chống giặc COVID-19,” “Tâm tình người chiến sỹ ngành y," “Chiến sỹ công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ," “Bác đi xa lòng ta còn ước”…
Với những cống hiến đó, bà Nguyễn Thị Kim Quýnh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân năm 2022.
Vinh dự gắn liền với trách nhiệm
Với Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Quýnh, niềm vui lớn nhất của bà là được đắm mình trong làn điệu dân ca, mỗi tối được tham gia sinh hoạt, luyện tập các bài quan họ với những thành viên trong câu lạc bộ. Bà luôn tâm niệm đem hết “vốn liếng” quan họ của mình truyền dạy cho các thế hệ.
Theo nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Quýnh, hát quan họ dễ nhưng cách “chơi” lại rất khó. Bởi vì “chơi” quan họ cần tổng hợp các yếu tố văn hóa như: biểu diễn, trang phục, ẩm thực, các tục của người quan họ… Vì vậy, các liền anh, liền chị cần có quá trình sinh hoạt lâu dài, học hỏi từ nhiều thế hệ.
Loại hình nghệ thuật này chủ yếu truyền miệng nên chỉ đi "chơi" quan họ mới có thể thấm nhuần và hiểu được những nguyên tắc. Mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ, bên cạnh dạy hát, bà còn kể cho các thành viên nghe những câu chuyện đi “chơi” quan họ của các cụ xưa kia, phân tích về ẩm thực, trang phục, những luật khi hát một canh quan họ…
Bà Quýnh tâm sự một canh quan họ giữ đúng các lề lối thường chia thành 3 chặng, gồm: chặng đầu tiên, các liền anh, liền chị hát những bài “lề lối” giọng cổ; chặng thứ hai, liền anh, liền chị hát những bài thuộc giọng vặt; chặng cuối là những lời ca ân nghĩa, thủy chung để rồi khi chia tay sẽ hát những lời ca giã bạn.
Bởi vậy, mỗi buổi sinh hoạt, với lứa tuổi trung niên và cao tuổi, bà yêu cầu các liền anh, liền chị hát theo đúng lề lối để gìn giữ vốn quan họ cổ.
Đối với lớp măng non, ngoài học theo các làn điệu cổ của thiếu nhi như “Mười nhớ”, “Trên rừng 36 thứ chim”, “Cây trúc xinh”…, bà còn dạy các cháu những làn điệu mới, phù hợp với lứa tuổi, động viên các cháu học tập, rèn luyện, từ đó truyền tải niềm đam mê để bảo tồn và phát triển dân ca quan họ.
Em Nguyễn Thị Kiều Oanh (11 tuổi, câu lạc bộ quan họ Đương Xá) cho biết em đã học hát dân ca quan họ Bắc Ninh được 2 năm nhưng đã thuộc được khá nhiều làn điệu. Ban đầu khi chưa biết đến loại hình nghệ thuật này, chính bà Quýnh là người động viên gia đình và các em tham gia học hát quan họ. Mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ, bà Quýnh bắt nhịp, uốn nắn từng câu, từng chữ, hướng dẫn các em cách “buông câu, nhả chữ” cho đúng nhịp điệu.
Sinh hoạt tại câu lạc bộ quan họ Đương Xá từ khi thành lập đến nay, liền chị Đặng Thị Nhung bày tỏ tình yêu và niềm đam mê quan họ của bà Nguyễn Thị Quýnh đã truyền lửa cho các thế hệ sau này. Sự nhiệt huyết của bà Quýnh giúp mọi người tự nhủ, ý thức được trách nhiệm tiếp nối nguồn đam mê đến thế hệ sau. Các anh chị em lấy bà là điểm sáng, tấm gương trong công tác bảo tồn và lan tỏa dân ca quan họ Bắc Ninh.
Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước quan tâm và có cơ chế đãi ngộ đối với các chủ thể trực tiếp nắm giữ, thực hành truyền dạy và lan tỏa giá trị di sản. Từ 2010 đến nay, tỉnh đã có 3 lần tổ chức xét tặng và tôn vinh nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với hàng trăm người. Năm 2013, địa phương đã ban hành và thực hiện cơ chế hỗ trợ lương hằng tháng đối với nghệ nhân dân ca quan họ.
Năm 2019, tỉnh tiếp tục có thêm cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với 44 làng quan họ gốc (với mức 30 triệu đồng/làng/năm) và 150 làng quan họ thực hành (với mức 20 triệu đồng/làng/năm).../.