Liên hoan phim VN lần thứ 21 có xứng tầm là Cannes của Việt Nam?
VOV.VN - Không ít bài viết trên truyền thông đánh giá: Liên hoan phim Việt nam lần thứ 21 - Mừng ít và lo vẫn nhiều.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 vừa bế mạc với những Bông sen Vàng, Bông sen Bạc được trao cho các tác phẩm thuộc nhiều thể loại; cùng những hội thảo, triển lãm và các cuộc giao lưu với khán giả thành phố biển Vũng Tàu phần nào đã phác họa diện mạo điện ảnh Việt Nam hiện tại.
Theo dõi sự kiện này từ khâu tổ chức đến chất lượng của phim tham dự và kết quả chung cuộc, không ít bài viết trên truyền thông đánh giá: Liên hoan năm nay, mừng ít và lo vẫn nhiều.
Sau 5 ngày diễn ra với nhiều chương trình giới thiệu, trình chiếu phim và các hoạt động chuyên môn dành cho nhà làm phim và người yêu điện ảnh, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 bế mạc vào tối 27/11. Trước hết, hãy cùng nhìn lại mảng phim truyện điện ảnh của 2 năm qua, nơi phản ánh rõ nhất sự phát triển của điện ảnh quốc gia.
Ở hạng mục cao nhất, giải Bông sen Vàng thuộc về bộ phim “Song Lang” của đạo diễn Leon Quang Lê (trước đó phim từng đoạt Cánh diều Bạc 2018, Ngôi sao xanh 2018, Phim xuất sắc Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh 2018 và các giải thưởng quốc tế khác). Không ngoài dự đoán của mọi người, và cho dù có một vài tranh cãi về nội dung phim thì đây là Bông sen Vàng "xứng đáng".
Đạo diễn Leon Quang Lê lên nhận giải Bông sen vàng cho phim Song Lang. |
Nhà sản xuất, nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh, ban giám khảo hạng mục phim truyện đánh giá: "Ngọc Ánh nghĩ Song Lang là bộ phim rất tốt, tôn vinh giá trị dân tộc. Leon Quang Lê là đạo diễn trẻ có tình yêu lớn với cải lương. Với tiêu chí chấm giải thì Leon Quang Lê là Việt Kiều trở về quê hương ôm giấc mơ làm phim về văn hóa dân tộc nên đây là điều rất quý. Bộ phim này có nhiều yếu tố có thể đoạt giải. Phim được phiếu tối đa của ban giám khảo."
So với mùa trước, LHP lần này cho thấy tín hiệu vui bởi sự tham gia tranh giải của phim Nhà nước đặt hàng, tạo sự đa dạng cho sự kiện điện ảnh lớn nhất năm. Nhưng khi nhìn vào những Bông sen Vàng-Bông sen Bạc được trao, dòng phim thị trường rõ ràng chiến thắng áp đảo và ngay Bông sen Bạc trao cho phim Nhà nước đặt hàng “Truyền thuyết về Quán Tiên” có đề tài mang tính truyền thống- lịch sử thì đây được đánh giá là Bông sen Bạc “nhạt màu”.
Hai cuộc hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan là: “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam” và “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế” giúp các nghệ sĩ, nhà quản lý và công chúng hiểu thêm về điện ảnh Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng như nhìn nhận những nền tảng, cơ hội và cả thách thức trong việc hội nhập với sân chơi điện ảnh quốc tế. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã có chia sẻ thẳng thắn trước câu hỏi được đặt ra: Làm sao để nâng cao chất lượng điện ảnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế? Anh cho rằng, một trong những việc đầu tiên cần làm, chính là đừng làm giảm chất lượng điện ảnh Việt bằng việc kiểm duyệt, cắt xén như hiện tại.
“Mong muốn hội đồng duyệt phim có sự rõ ràng, có cái nhìn cởi mở hơn. Những bộ phim từ năm 1990 và 2000 nếu như thời điểm hiện nay là rất khó được duyệt như phim Vĩnh biệt mùa hè, nhiều phim nói về tham nhũng, hay như phim Đêm hội Long trì có những cảnh khỏa thân hoàn toàn”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ.
"Song Lang" giành Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lầm thứ 21. |
Chúng ta hãy thử nhìn vào hai bộ phim nước ngoài đoạt giải tại hai Liên hoan phim quốc tế năm nay: Parasite (Ký sinh trùng) của Hàn Quốc tại Cannes và Joker của Mỹ tại Venice. Liệu hai tác phẩm này, nếu là phim Việt Nam, có vượt qua ải kiểm duyệt để trở thành tác phẩm có tầm vóc quốc tế và được vinh danh ở các Liên hoan phim lớn hay không? Câu trả lời là "không", vì ngay việc để trình chiếu ở Việt Nam cũng đã phải cắt bỏ nhiều cảnh phim quan trọng.
Còn nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Điện ảnh cho rằng, Việt Nam đang ở trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng hệ thống và cấu trúc điện ảnh của chúng ta vẫn còn bao cấp. Về nội dung, trong khi các hãng phim của chúng ta cứ mãi chạy theo thể loại phim thương mại, giải trí thì nhìn sang các nước như: Nga, Iran, Trung Quốc, họ đều lấy điện ảnh làm tư tưởng dân tộc, vấn đề này không thuộc trách nhiệm của các hãng phim tư nhân mà Nhà nước nên chú trọng.
“Trên thế giới không nước nào như Việt Nam, toàn phim thương mại và giải trí trong khi văn hóa, con người Việt Nam rất nhiều vấn đề để nói. Các hãng phim có mục đích của họ, họ làm phim để kiếm tiền, các hãng phim tư nhân họ không có trách nhiệm giới thiệu văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam với quốc tế nhưng nhà nước lại bỏ trống”, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho hay.
Vì vậy, nên chăng có chính sách hỗ trợ cho điện ảnh, để điện ảnh nước nhà có thể hội nhập quốc tế đúng như tiêu chí của Liên hoan là: Hãy chấp nhận sự tự do sáng tạo và trí tưởng tượng của nhà làm phim, xem điện ảnh là một ngôn ngữ hư cấu thay vì so sánh nó với "hiện thực xã hội".
Ở những hạng mục còn lại, nếu nhìn vào danh sách 20 phim hoạt hình, 9 phim khoa học và 29 phim tài liệu tham dự tranh giải năm nay có thể thấy đây vẫn là sân chơi của các hãng phim nhà nước quen thuộc như: Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân... Điều đó cho thấy, việc xã hội hóa vẫn chưa chạm tới các thể loại này.
Còn nhiều hơn nữa những vấn đề cần nhìn lại sau một mùa Liên hoan phim tầm cỡ quốc gia, đặc biệt là khâu tổ chức. Khán giả đã hụt hẫng khi diễn viên nam, nữ chính xuất sắc, diễn viên nam phụ xuất sắc là ba cái tên Trấn Thành, Hoàng Yến Chibi và Isaac đều không có mặt tại buổi lễ để nhận giải thưởng. Ban tổ chức cần làm sao để Liên hoan phim Việt Nam những năm tới là sân chơi đáng mong đợi của những người làm điện ảnh, những người yêu điện ảnh và để giải thưởng Bông sen thực sự đáng tự hào khi được cầm trên tay./.