Giới trẻ đến di tích văn hóa chỉ để "sống ảo"?
VOV.VN - Các điểm di tích, không gian văn hoá tại Hà Nội hiện đang có sức hút đặc biệt, nhất là với giới trẻ bởi những góc ảnh “triệu view”. Thế nhưng vẫn tồn tại thực trạng đáng buồn, ngày càng nhiều bạn trẻ chỉ quan tâm chụp ảnh sống ảo chứ không thiết tha tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của những di tích đó.
Chỉ đơn giản là để có những bức ảnh đẹp…
Nhà tù Hoả Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám hay Bảo tàng Hà Nội… vốn là những địa điểm quen thuộc của người dân Hà Thành, nơi lưu những giá trị văn hoá - lịch sử của một dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất.
Trường tồn với thời gian lại ẩn chứa những nét đẹp của thời đại, ấy vậy mà trước giờ, những điểm đến văn hoá này khá kén người trẻ. Thay vì tới khám phá “Địa ngục trần gian” Hoả Lò hay ghé qua Hoàng Thành Thăng Long để tìm về dấu ấn lịch sử vàng son, người trẻ lại thường có xu hướng tìm đến các trung tâm thương mại sầm uất, rạp chiếu phim hiện đại, quán cafe sang chảnh hút hồn.
Thế nhưng điều đặc biệt là thời gần đây, những điểm đến này bỗng dưng lại có sức hút lạ kỳ với giới trẻ. Trên mạng xã hội, các bài review liên tục xuất hiện với tựa đề: Một ngày trải nghiệm ở nhà tù Hoả Lò, Top 5 view nên chụp tại Hoàng thành Thăng Long, Những góc ảnh đẹp tại Bảo tàng Hà Nội,… được khán giả truyền tay nhau, tạo hiệu ứng vô cùng tích cực. Các địa điểm cũng vì thế mà trở nên nhộn nhịp, thu hút số lượng lớn khách tham quan.
Là một sinh viên hiện đang theo học chuyên ngành văn hoá, mỗi khi ghé thăm các di tích lịch sử trên địa bàn Hà Nội, Bùi Thu Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn đặt việc tìm hiểu về những giá trị văn hoá tại điểm lên hàng đầu: “Mỗi lần đến một di tích lịch sử là mỗi lần mình được khám phá và trải nghiệm những mốc son lịch sử, những dấu ấn văn hoá của đất Việt oai hùng, nên tôi rất trân quý những giây phút này. Bởi vậy thay vì đi chụp ảnh checkin, tôi thường chú trọng tham quan, tìm đọc các tư liệu cũng như chiêm ngưỡng các cổ vật sẵn có”, Thu Hải chia sẻ.
Khác với Thu Hải, mục đích mà Vũ Phượng (Đống Đa, Hà Nội) tìm đến các điểm văn hoá tại Hà Nội lại chỉ đơn thuần là lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của bản thân. “Tôi đến Bảo tàng Hà Nội vì thấy trên mạng mọi người review về các góc chụp ảnh đẹp tại đây. Bản thân tôi và bạn bè khi tới đây luôn mong muốn có những tấm hình đẹp mang về để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Chỉ đơn giản vậy thôi”, Vũ Phượng cho biết.
Cùng quan điểm với Vũ Phượng, Đức Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng, trải nghiệm của bản thân luôn cần đặt lên hàng đầu và chụp ảnh cũng là một loại trải nghiệm: “Ảnh chính là nơi lưu giữ kỉ niệm, ký ức. Việc chụp ảnh khi đi tới những không gian văn hóa cũng là cách để các bạn ghi lại những gì mình trải nghiệm được trong chuyến đi của mình. Nên việc chỉ chụp ảnh không có gì sai, chỉ cần bạn thực hiện nó một cách văn minh”, Đức Anh bày tỏ.
Không nên sống ảo thái quá mà bỏ qua giá trị văn hoá
Thực tế cho thấy, một bộ phận lớn người trẻ khi đến các điểm văn hoá chỉ chú trọng việc chụp ảnh sống ảo mà không thực sự quan tâm về lịch sử, văn hoá, kiến trúc… nơi đó. Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Dương Văn Sáu – Nguyên Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, xu hướng sống ảo là một xu hướng hiện sinh trong đông đảo giới trẻ hiện nay. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số, việc sở hữu các phương tiện điện tử cá nhân giúp con người ta dễ dàng có được những bức ảnh như ý ở khắp mọi nơi.
“Các điểm đến nổi tiếng ở Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Hà Nội… đều là những không gian văn hóa, lịch sử nổi tiếng, có bề dày lịch sử, chiều sâu văn hiến. Đây đều là những nơi có cảnh quan kiến trúc đẹp, thoáng đãng, thuận tiện cho việc chụp ảnh và có thể trở thành background (nền) cho những bức ảnh đẹp. Việc giới trẻ ghé thăm các địa điểm này chụp ảnh là điều dễ hiểu”, PGS.TS Dương Văn Sáu chia sẻ.
Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng cho rằng, một bộ phận các bạn trẻ hiện nay chỉ quan tâm đến việc chụp ảnh sống ảo, miễn sao có được những tấm ảnh đẹp đăng mạng xã hội chứ không thực sự quan tâm về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… ở nơi đó là một thực tế rất đáng buồn. Đó là do thiếu nhận thức, không được giáo dục và áp dụng các biện pháp chế tài đầy đủ.
“Thực trạng cần được nhìn nhận và đánh giá đúng mức. Hơn hết, các tổ chức giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức giới trẻ ngay khi còn trên ghế nhà trường, để các em không chạy theo sống ảo thái quá, vô bổ mà cần thực tế và có trách nhiệm hơn với xã hội”, PGS.TS Dương Văn Sáu nhấn mạnh.
Có thể thấy, những điểm đến văn hoá mang đến thật nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách, khi vừa giúp mọi người tìm về những giá trị xưa cũ, mở rộng vốn tri thức văn hoá, vừa giúp lưu giữ những khoảnh khắc đẹp. Và nếu biết kết hợp hài hoà hai yếu tố này, chắc hẳn mỗi chuyến đi tham quan sẽ trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn bao giờ hết./.