Khai mạc triển lãm mỹ thuật của Nguyễn Sơn với chủ đề “Ma trận” (Matrix)
VOV.VN - Nguyễn Sơn đang làm tranh với chất liệu chính là các mảng bo mạch phế thải và màu acrylic. Tác phẩm của anh mang lại đóng góp mới cho hội họa Việt Nam.
Triển lãm cá nhân của Nguyễn Sơn với chủ đề “Ma trận” (Matrix) khai mạc chiều 28/10 tại Vicas art studio (số 32 Hào Nam).
Hai đặc điểm trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Sơn
Tiến sĩ bùi Quang Thắng, Giám đốc nghệ thuật của Vicas art studio nhận xét: Về phương diện nghệ thuật, các sáng tác của Nguyễn Sơn chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, anh vẽ sơn dầu và acrylic trên toan như bao họa sĩ khác. Tranh của anh có hơi hướng tân biểu hiện, đôi khi có pha siêu thực, đôi khi lấn sang chủ nghĩa vị lai. Dòng tranh này thể hiện trình hội họa của anh ở mức khá cao, nếu anh tiếp tục con đường này cũng sẽ là một họa sĩ có đẳng cấp và có thị trường.
Giai đoạn hiện nay anh làm tranh với chất liệu chính là các mảng bo mạch phế thải và màu acrylic. Dòng này chắc chắn là kén khán giả hơn nhưng lại có đóng góp mới cho hội họa Việt Nam.
Có hai đặc điểm trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Sơn mà Tiến sĩ Bùi Quang Thắng muốn giới thiệu. Một là, khi anh làm tranh ở giai đoạn thứ hai, tranh của anh đã thoát khỏi việc phản ánh (dù vô tình hay hữu ý) cái gì đó mà anh bị hút theo những gợi ý, những logic và cái thẩm mỹ của vật liệu chính, đó là các bo mạch điện tử. Từ một miếng bo mạch ngẫu nhiên, anh phát triển nó thành một hình thù nào đó và đổ màu lên đó sao cho có logic, hợp lý và thẩm mỹ, theo tư duy và cảm xúc của anh. Cách làm nghệ thuật này thoát khỏi quan điểm truyền thống về chức năng nghệ thuật dựa vào cặp phạm trù “cái phản ánh” và “cái được phản ánh”, tức là nghệ sĩ chỉ quan tâm đến sự vận động nội tại của chính đối tượng anh ta đang tác động. Và tác phẩm, bản thân nó, “cái phản ánh” đã tạo nghĩa, nó không nhất thiết phải phản ánh cái gì trong tự nhiên, trong cuộc sống. Đây là một đặc điểm quan trọng của nghệ thuật đương đại.
Hai là, với nghệ sĩ này, quá trình làm ra tác phẩm cũng gây hứng thú không kém gì, nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả kết quả. Nguyễn Sơn tâm sự: “Làm tranh kiểu này đầy khoái cảm như bị say, quên đi nắng nóng, mưa dầm, muỗi đốt, tiếng ồn, bụi ô nhiễm và cứ xong bức nào thì lại cuốn kỹ cất đi, đến khi nào cần mới giở ra”. TS Bùi Quang Thắng cho rằng, như vậy mới chính là làm nghệ thuật trước hết là để giải phóng năng lượng sáng tạo cho bản thân, không phải vì mục đích tiền bạc hay cái gì đó cao siêu. Nghệ thuật thuần túy có thể xuất hiện ở những người nghệ sĩ như thế.
Ma trận
Nguyễn Sơn sinh năm 1969, là kiến trúc sư. Anh có niềm đam mê với hội họa từ nhỏ. Từ năm 2014, anh tập trung nhiều hơn cho sáng tác hội họa.
Họa sĩ nói về ý nghĩa sâu xa của chủ đề cuộc triển lãm (Ma trận): Hơn 200 năm phát triển nền công nghiệp và hơn 30 năm của công nghệ kỹ thuật số là quá ngắn ngủi so với lịch sử hình thành và phát triển của loài người, tuy nhiên nó lại tác động mạnh mẽ nhất đến sự biến đổi thần tốc và khôn lường ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị và xã hội… Lợi ích của nền công nghiệp và công nghệ là không thể chối bỏ. Mọi vấn đề đều có tính 2 mặt của nó, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu những hệ lụy của nó càng lớn bấy nhiều: đó là hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu, sự gia tăng của rác thải độc hại, hủy hoại môi trường, những sự cố nguy hiểm trong phát triển năng lượng nguyên tử, biến đổi zen hay những nguy cơ từ chiến tranh sinh học v.v…
Trong công nghệ số cũng vậy, chúng ta luôn phải đối mặt với những khía cạnh tiêu cực làm con người “lạc lối”, như virus, hacker, nghiện game, nghiện mạng xã hội v.v… Con người có thể kiểm soát được quá trình phát triển của công nghệ do chính mình sáng tạo ra hay không?
Tinh thần cơ bản của Ma trận là tìm ra những quy luật của những lượng thông tin khổng lồ, rối loạn, nhiều tầng, nhiều chiều để tìm cách kiểm soát chúng, hướng chúng vào sự phát triển công nghệ số một cách bền vững và an toàn, phục vụ lợi ích của loài người. Một trong những tính chất đặc trưng của ma trận là sự kỳ ảo, luôn dịch chuyển và thay đổi. Trong thời đại 4.0 ma trận hiện hữu trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Mỗi một thay đổi nhỏ của lĩnh vực này sẽ tương tác và làm thay đổi đến lĩnh vực khác, khiến đời sống tinh thần của nhân loại ngày càng phong phú hơn nhưng cũng phức tạp hơn. Nghệ thuật cũng không nằm ngoài tương quan này.
“Ban đầu, ý niệm về ma trận xuất hiện trong tôi một cách vô thức, là một kiến trúc sư tôi thấy sự phát triển một đô thị bền vững sao cho tương thích với chất lượng cuộc sống của cư dân trong đô thị như là môt bài toán không có lời giải. Tôi có cảm giác thiếu niềm tin giống như bị lạc vào mê cung. Ai cũng mong muốn được sống trong môi trường phát triển, văn minh, nhưng nếu phải sống trong sự phát triển như Hà Nội và Sài Gòn hiện nay thì tôi tin có rất nhiều người mong muốn được trở lại sống vào những năm 90 hoặc xa xưa hơn nữa, cho dù nó có lạc hậu nhưng ít ra là cũng thanh thản và trong lành…”
Triển lãm diễn ra từ 28/10 tới 15/11/2020.
Dưới đây là một số tác phẩm được trưng bày trong triển lãm