Làng nghề truyền thống góp sức xây dựng nông thôn mới
VOV.VN - Các nghề truyền thống ở Yên Bái đã tồn tại, được kế thừa bao đời nay, là một phần của văn hoá dân tộc. Trong xây dựng nông thôn mới, các nghề truyền thống ở Yên Bái đã góp phần không nhỏ vào thực hiện các tiêu chí, nhất là tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Yên Bái có hơn 30 dân tộc anh em sinh sống. Tùy vào từng vùng, từng phong tục, tập quán của mỗi dân tộc đã hình thành những nghề truyến thống, chứa đựng giá trị văn hóa – đời sống trong từng sản phẩm. Trong xây dựng nông thôn mới, các làng nghề, nghề truyền thống đã góp phần tích cực vào tiêu chí về thu nhập cho người dân.
Tại xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, nơi có truyền thống trồng và chế biến miến đao từ nhiều đời nay, khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, người dân đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang hương vị riêng, gắn với phát triển du lịch. Bà Phạm Thị Thu Hà, thành viên hợp tác xã miến đao Giới Phiên cho biết: "Làng nghề miến Giới Phiên đã có từ rất lâu đời rồi. Ngày xưa các cụ tận dụng đất ven sông Hồng để trồng dong riềng phục vụ chăn nuôi, sau đó các cụ đã nghĩ ra làm miến, nhưng ban đầu chỉ sản xuất thủ công, sau đó con cháu chúng tôi phát triển thành làng nghề, đến năm 2013 thì đã được công nhận làng nghề. Số cơ sở sản xuất thì giảm xuống, thế nhưng sản lượng tăng lên và quy mô lớn hơn".
Nghề sản xuất, chế biến chè xanh đã có từ lâu tại thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Do nhiều nguyên nhân nên các sản phẩm này chỉ được tiêu thụ quanh vùng. Từ xây dựng nông thôn mới, thôn Trực Thanh đã tạo ra những sản phẩm chè xanh Ocop chất lượng, có thương hiệu, không chỉ bán trong nước mà còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu.
Ông Vũ Ngọc Tề, một trong những người gắn bó với cây chè gần 50 năm nay chia sẻ, để có được sản phẩm chè ngon thì luôn phải chú trọng từ khâu chăm sóc, chế biến đến việc thu hái chè: "Khi mà chuẩn bị hái phải bố trí nhân lực từ hôm trước, ngoài người của gia đình thì phải nhờ cả người của gia đình khác để hái theo kiểu đổi công, tức là hôm nay tập trung hái nhà này và mai là nhà khác. Và phải hái từ sáng sớm, nắng lên là chất lượng chè kém. Buổi chiều chỉ tập trung cho chế biến thôi".
Huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái từ lâu đã nổi tiếng với các loại đá quý như: Ruby, Sapphire, Spinel, đá hoa trắng… Cũng từ những lợi thế này, hàng chục năm qua, ngươi dân nơi đây đã bắt đầu chế tác, điêu khắc, đính ghép đá thành các sản phẩm lưu niệm, trưng bày.
Từ những điêu khắc, chế tác đơn sơ ban đầu, hiện ở Lục Yên đã phát triển thành các làng nghề chế tác, điêu khắc đá, làm tranh đá quý với hàng chục mặt hàng, sản phẩm tại thị trấn Yên Thế và các xã Yên Thắng, Liễu Đô, Minh Tiến, Tân Lĩnh, Vĩnh Lạc… với giá trị từ vài chục triệu, trăm triệu và có khi cả tỷ đồng mỗi một sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Lý Vân, một trong những thợ làm tranh đá quý có nhiều kinh nghiệm cho biết: bên cạnh tạo việc làm và nâng cao thu nhập nó còn khơi dậy niềm đam mê, sự sáng tạo, tính kiên trì của mỗi người làm tranh đá: "Muốn làm được bức tranh hoàn thiện thì phải qua 3 khâu gồm tìm chọn đá, định hình và nhỏ keo hoàn thành. Việc này rất tỉ mỉ, ai nóng tính hay vội vàng thì không thể làm nổi. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi người làm phải có tư duy, nếu người nào mà sáng tạo, có nghệ thuật thì sẽ tạo ra bức tranh đẹp hơn".
Tỉnh Yên Bái hiện có 15 làng nghề và nghề truyền thống tập trung vào 4 lĩnh vực gồm: chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây, tre đan, gốm sứ, dệt may, cơ khí. Các làng nghề đã tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần đưa hơn 70% số xã ở Yên Bái đã về đích nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: "Giá trị nhất của các làng nghề hiện nay đó chính là phát huy được giá trị truyền thống và tiềm năng của sản phẩm tại địa phương, đó chính là từ các sản phẩm làng nghề này tạo ra các sản phẩm Ocop. Bên cạnh đó gắn kết được làng nghề với kinh tế du lịch, gắn kết làng nghề với hoạt động văn hóa truyền thống để xây dựng chất lượng cuộc sống về vật chất và tinh thần ở khu vực nông thôn".
Các làng nghề ở Yên Bái đã chuyển mình để hội nhập, tạo ra sản phẩm vừa mang tính kế thừa tinh hoa, kinh nghiệm truyền thống, vừa mang hơi thở, phong cách hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây cũng chính là cách để các làng nghề ở Yên Bái phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.