Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật vừa yếu, vừa thiếu
VOV.VN - Ngoài lĩnh vực văn học còn tập trung được một lực lượng tương đối đồng đều thì các lĩnh vực nghệ thuật khác chỉ còn vài ba người viết phê bình, cá biệt có những loại hình chỉ còn 1-2 người viết.
Ngày 26/5, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Hội đồng LLPBVHNTTW) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay: Thực trạng, định hướng, giải pháp phát triển”. Chủ đề của cuộc Tọa đàm bàn về vấn đề quan trọng và cấp thiết mà Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu và chỉ rõ những định hướng, nhiệm vụ cơ bản. Trong đó, nhân tố con người, yếu tố đội ngũ luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của bất cứ lĩnh vực nào, càng quan trọng và cấp thiết hơn đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNTTW, thông qua việc tổ chức cuộc tọa đàm, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến thẳng thắn, khách quan của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; các nhà lãnh đạo, quản lý về thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ta hiện nay; từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp để xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta vững mạnh toàn diện trong thời gian tới.
"Đốt đuốc đi tìm nhà phê bình"
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phan Trọng Thưởng - Nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng LLPBVHNTTW cho biết, nhìn vào đội ngũ lý luận, phê bình của ta hiện nay dễ dàng nhận ra sự hoà trộn của cả 3 loại “nhà”: nhà nghiên cứu, nhà lý luận, nhà phê bình. Điều đó dẫn đến những “ngộ nhận”, những nhận nhầm, phong nhầm “nhà” nọ thành “nhà” kia. Đó cũng là nguyên nhân khiến đội ngũ lý luận, phê bình của ta trở nên hỗn độn, ít mà tưởng nhiều, thiếu mà tưởng là hùng hậu. Thực trạng đội ngũ phê bình của nước ta hiện nay khá èo uột, không xứng với đội ngũ sáng tác, không đáp ứng yêu cầu của công chúng thưởng thức nghệ thuật. Căn bệnh này đã trở thành "trầm kha" trong đời sống văn học nước ta.
"Đã có lúc cả nền văn học “đốt đuốc đi tìm nhà phê bình”. Nhưng cũng có lúc tưởng như nhà nhà, người người đều là nhà phê bình. Thực ra, đội ngũ phê bình thực thụ của chúng ta trong 20 - 30 năm gần đây đang thưa vắng dần, mai một dần. Theo thiển nghĩ của tôi, ở lĩnh vực văn học vốn được xem là có đội ngũ đông đảo hơn cả cũng chỉ có thể lác đác kể tên vài người như: Đỗ Lai Thuý, Khuất Bình Nguyên, Lê Hồ Quang... Trong khi nhà nghiên cứu, nhà lý luận ở ta hiện nay khá đông đảo" - Nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng LLPBVHNTTW cho biết.
Cùng quan điểm, PGS.TS Đào Duy Quát - Nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng đội ngũ làm công tác phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay có rất nhiều bất cập. Cụ thể, lực lượng phân bố không đồng đều giữa các loại hình nghệ thuật. Ngoài lĩnh vực văn học còn tập trung được một lực lượng tương đối đồng đều thì các lĩnh vực nghệ thuật khác chỉ còn vài ba người viết phê bình, cá biệt có những loại hình chỉ còn 1-2 người viết. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt đội ngũ kế cận rất đáng báo động. Trong khi các cây bút lớn tuổi gần như không còn viết phê bình thì các cây bút trẻ không đủ lực lượng, bản lĩnh để lấp đầy khoảng trống do thế hệ trước để lại. Ngoài văn học còn nổi lên một số tác giả phê bình trẻ thì hầu như các loại hình nghệ thuật khác đều vắng bóng.
Xuất hiện nhiều hiện tượng phiến diện, lệch lạc
Theo PGS.TS Đào Duy Quát, công tác đào tạo đội ngũ các nhà lý luận, phê bình văn nghệ chuyên nghiệp bị buông lỏng một thời gian dài. Các khoa, các tổ bộ môn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở một số trường đại học, cao đẳng về văn học nghệ thuật thiếu giảng viên cơ hữu, giáo trình giảng dạy lạc hậu, thiếu thống nhất và nghiêm trọng, nhất là trong nhiều năm qua một số khoa, tổ bộ môn lý luận, phê bình không có sinh viên thi tuyển. Cho nên ở một số ngành nghệ thuật hiện nay, số cán bộ làm phê bình chuyên nghiệp chỉ còn vài người và tuổi cao.
"Các báo chí văn nghệ đang thiếu các nhà phê bình chuyên nghiệp, nếu có thì rụt rè, lảng tránh hoạt động phê bình. Phần lớn các cán bộ lãnh đạo, các biện tập viên các chuyên trang, chuyên mục văn hóa, văn nghệ của các báo, đài hầu như chưa có chuyên môn lý luận, phê bình văn nghệ, dưới sức ép của “thương mại hóa” lại liên tục có bài đánh giá thiếu khách quan, công tâm, thậm chí “PR” cho các sản phẩm văn nghệ rẻ tiền... làm cho công chúng tiếp nhận giảm hoặc mất niềm tin vào phê bình" - PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh.
Từ thực tiễn lý luận phê bình âm nhạc, PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam thừa nhận, số lượng hội viên nghiên cứu âm nhạc chỉ khoảng 100 trên hơn 1.000 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhiều nhà lý luận chuyên nghiệp “ngủ quên” trên tháp ngà nghiên cứu thì các nhà báo đã trở thành lực lượng chính, thường trực “gác gôn” đời sống âm nhạc. Từ đây dẫn đến những hiện tượng phiến diện, đôi khi lệch lạc, bình luận âm nhạc trở thành bài giới thiệu, quảng bá như tô hồng, PR, đánh bóng tên tuổi hoặc khai thác chi tiết scandal, đời tư của một vài nhân vật, mà tài năng chưa xứng với những lời khen ngợi “có cánh”. Vì thiếu hụt kiến thức chuyên môn âm nhạc nên họ thường tránh những lĩnh vực hàn lâm, bác học, ít khi đề cập tới. Ví dụ như bình luận các chương trình hòa nhạc, nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ, tác phẩm khí nhạc...
Nâng cao chất lượng đội ngũ trong thời kỳ mới
Trên cơ sở trao đổi làm rõ thực trạng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, các đại biểu tham dự tọa đàm đều thống nhất cho rằng, để đổi mới thực chất và mạnh mẽ công tác phê bình văn học, nghệ thuật nói chung, đội ngũ lý luận, phê bình nói riêng rất cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trong đó đặc biệt coi trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật và phê bình văn học, nghệ thuật. Trong quá trình thể chế hóa 7 giải pháp của Nghị quyết số 23-NQ/TW cần bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật.
Một số đại biểu cũng đề nghị đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tập trung xây dựng, nâng cấp các khoa, bộ môn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tách khỏi các khoa dạy nghiên cứu, sáng tác hiện nay ở các trường đại học; có cơ chế chính sách để thu hút, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đặc biệt tập trung vào các giải pháp liên quan đến chế độ, chính sách, hành lang pháp lý cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; cải tiến chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng chuyên môn.
Đồng thời xây dựng và phát triển các hội, câu lạc bộ, tổ chức chuyên môn liên quan đến lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; hỗ trợ cho đội ngũ lý luận, phê bình tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu mới nhất trên thế giới, khuyến khích đội ngũ lý luận, phê bình tham gia vào các hoạt động trao đổi văn hóa, nghệ thuật quốc tế...
Những ý kiến và nhận định đúng đắn, khách quan, trách nhiệm trong buổi tọa đàm của các đại biểu tham dự có giá trị và ý nghĩa sâu sắc trong việc cung cấp luận cứ khoa học tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, từ đó xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật nói chung, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng trong những năm tới./.